Lực lượng không quân Nga thông báo trong tháng 2 họ đã điều Mig-29 và các máy bay quân sự khác đến căn cứ quân sự Nga tại Armenia cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ hơn 40 km. Đồng thời Moscow hứa sẽ cung cấp quân sự cho Yerevan trị giá 200 triệu USD cũng như công bố các cuộc đàm phán trong đó nói rằng Armenia nằm trong mạng lưới quan trọng trong khu vực của Nga đến Iran.
Armenia là một đồng minh của Nga và là thành viên của Liên minh kinh tế Á – Âu do Nga dẫn đầu (EEU). Kể từ khi Liên xô sụp đổ, Moscow đã viện trợ quân sự đáng kể để giúp Armenia hỗ trợ cho các khu vực đang tranh chấp Nagorno – Karabakh, nơi có đa số người Armenia sinh sống và như một “ốc đảo” bao quanh bởi quốc gia Azerbaijan.
Trong những tháng gần đây cam kết giữa Nga – Armenia được củng cố mạnh mẽ về quân sự và mục tiêu của Moscow là:
1. Tạo ra một vòng tròn bao xung quanh Thổ Nhĩ Kỳ
Liên minh chặt chẽ giữa Nga – Armenia là một phần trong chiến lược lớn để trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ. Kế hoạch đầu tiên trong chiến lược của Putin là đặt quân đội Nga dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có việc triển khai vào tháng Hai gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Armenia. Về phía bắc Moscow sáp nhập Crimea trong năm 2014. Tại biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga tăng cường can thiệp quân sự vào Syria. Các chiến lược bị Thổ Nhĩ Kỳ lên án và cho rằng đây là chính sách bao vây thù địch.
Kế hoạch thứ hai của chiến lược là gây bất ổn định kỳ tại khu vực xung đột Nagorno – Karabakh. Nga tiếp tục bán vũ khí cho cả hai nước Armenia và Azerbaijan, bất chấp tình trạng chiến tranh leo thang. Mặc dù khả năng quân sự Azerbaijan mạnh hơn hẳn so với Armenia nhưng hai nước vẫn thường xảy ra xung đột. Nên việc tăng cường hỗ trợ quân sự cho Armenia có thể là động lực để Yerevan leo thang xung đột tại khu vực Karabakh. Tháng 12/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Azerbaijan tuyên bố rằng đã có những hành động kích động bạo lực và phá hoại ngừng bắn. Tuyên bố này có thể trở thành một cái cớ để quân đội Armenia có mặt tham gia trong Karabakh và kết quả là khu vực ly khai ngày càng trở nên tồi tệ vì bạo lực.
Azerbaijan có quan hệ văn hóa gần gũi và là một đồng minh quan trọng trong khu vực đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên quyền tiếp cận vào các nguồn tài nguyên năng lượng to lớn của Azerbaijan trên Biển Caspian. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia vẫn lạnh vì Ankara khước từ thừa nhận và đưa ra lời xin lỗi về nạn diệt chủng người Armenia năm 1915. Vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ những tuyên bố của Azerbaijan về Nagorno – Karabakh, giúp đồng minh đem lại sự ổn định và kiểm soát lãnh thổ của mình. Bằng cách tăng cường hỗ trợ quân sự cho Armenia, Nga đã chặt đứt chiến lược tại Kavkaz của Thổ Nhĩ Kỳ và củng cố quyền lực trong sân nhà.
- Lôi kéo thêm đồng minh
Việc ủng hộ Assad dưới chiêu bài chống lại Nhà nước Hồi giáo tại Syria khác với lý do Nga quyết định tăng cường viện trợ quân sự cho Armenia. Nga sẽ kéo Armenia vào liên minh Nga – Syria để chống lại Thổ Nhĩ Kỳ vì mối quan hệ giữa Thổ – Syria đã bị phá vỡ vào năm 2011 khi nước này ủng hộ phong trào nổi dậy chống Assad.
Sau khi Liên xô sụp đổ chỉ một thời gian ngắn Armenia và Syria đã củng cố mối quan hệ ngoại giao gần gũi, một trong lý do quan trọng là Yerevan muốn đảm bảo quyền lợi của 120.000 người Armenia đang sinh sống trong lãnh thổ Syria. Hai nước đã đạt được mối quan hệ vững chắc kể cả quốc tế lên án gay gắt về hành vi bạo lực đàn áp dân thường của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Cùng quan điểm với Nga, Armenia chỉ coi Assad là lãnh đạo hợp pháp của Syria.
Trong lịch sử mối quan hệ vững chắc giữa Armenia với Syria đã được khẳng định. Tháng 5/2015, Bộ trưởng Ngoại giao Armenia Edward Nalbandian đến thăm Syria, ca ngợi những người Syria đã giúp người Armenia trong giai đoạn cuối cùng của cuộc diệt chủng do Thổ Nhĩ Kỳ gây ra vào thế kỷ trước. Nalbandian cũng ca ngợi sự khoan dung của Assad đối với dân tộc thiểu số Armenia đang sống tại Syria đồng thời bày tỏ sự lo ngại rằng nếu Syria thay đổi chế độ sẽ có thể gây ra cuộc diệt chủng khác đối với cộng đồng người Armenia. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ Agence France-Presse vào tháng 11 năm ngoái, Assad đáp lại thiện chí ngoại giao này bằng cách công nhận nạn diệt chủng người Armenia.
Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Syria đưa ra lời nhận xét gây tranh cãi và điều này đánh dấu một sự thay đổi căn bản trong chính sách của Syria. Trước chiến tranh, chế độ Syria đã kiểm duyệt sách về nạn diệt chủng người Armenia và chặn đoàn làm phim nước ngoài khi họ muốn đến hiện trường tội ác chiến tranh do Thổ Nhĩ Kỳ gây ra.
- Giữ cho Armenia ổn định
Nga muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Armenia vì họ lo ngại và đồng thời muốn ngăn chặn Yerevan thay đổi chế độ. Trước tình hình hai nước đồng minh khác trong khu vực là Belarus và Kazakhstan ngày càng gia tăng thương mại với phương Tây Nga buộc phải giữ chặt Armenia. Cho đến nay đối tác thương mại lớn nhất của Armenia vẫn là Nga chiếm 22,6% xuất khẩu và nhập khẩu 24,8%, chính sự phụ thuộc này là nguyên nhân chính làm nền kinh tế Armenia suy thoái trong năm 2014. Nền kinh tế khó khăn cộng với công ty năng lượng Nga lên giá điện đã gây bất mãn trong dân chúng và đã nổ ra cuộc biểu tình vào mùa hè. Tuy nhiên chính quyền Yerevan cho rằng đây không phải là cuộc biểu tình chống lại Nga mà nguồn gốc của nó chỉ đơn giản là đòi hỏi quyền lợi.
Lòng trung thành của Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan đối với Nga đã phản ánh thái độ hoài nghi của ông về các giá trị của phương Tây. Kể từ đầu những năm 2000, sự đồng thuận gần như phổ quát về sự liên kết với Nga đã bị phá vỡ khi các tổ chức xã hội dân sự ủng hộ châu Âu đã truyền cảm hứng cho những người trẻ Armenia để đưa đất nước vào quỹ đạo mới. Tuy nhiên hiện nay lập trường chống phương Tây của ông ngày càng trở nên phổ biến ở Armenia.
Tổng thống Serzh Sargsyan đã ấn định một cách dứt khoát theo đường lối ủng hộ Nga vì sự tồn tại của ông phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Nga để cân bằng với sự viện trợ của phương Tây dành cho các nhóm tự do. Không giống như một số nước láng giềng, Armenia đã từ chối xem xét hiệp định với EU vào năm 2013. Thay vào đó ông đã đưa Armenia gia nhập nhóm EEU do Nga lãnh đạo. Quyết định này sẽ làm Sargsyan phụ thuộc nhiều hơn vào sự trợ giúp của Nga để tồn tại về mặt chính trị.
Vì vậy việc duy trì nguyên trạng ở Armenia bằng giải pháp thay thế EEU sẽ giúp ông tồn tại khi Armenia, cùng với Kyrgyzstan là đồng minh mạnh nhất trong khối. Moscow đã tăng viện trợ quân sự đến Armenia để đảm bảo cho Sargsyan có khả năng cưỡng chế để đàn áp các cuộc biểu tình trong tương lai. Điện Kremlin đặt ra nghi ngờ sâu sắc về sự khác biệt giữa cuộc biểu tình về điện tại Yerevan với “cách mạng màu”. Nga khẳng định các tổ chức NGO do Hoa Kỳ hậu thuẫn đã kích động để tạo ra cuộc biểu tình chứ không phải do sự bất mãn thực tế diễn ra khắp nơi.
Không nên thay đổi
Nếu chế độ ở Armenia thay đổi sẽ làm nước Nga đứng một mình ở Nam Caucasus, đây cũng là một đòn giáng mạnh vào nhận thức của người Nga về một “đất nước vĩ đại, về sức mạnh vĩ đại”. Nhà nghiên cứu về chính sách đối ngoại Nga cho thấy quan niệm về phạm vi ảnh hưởng bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị trong nước. Để giữ tỷ lệ tín nhiệm cao trong cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, ông Putin phải luôn tạo ra niềm tin của người Nga rằng “Moscow vẫn là ông chủ đối với các vùng lãnh thổ thuộc Liên xô cũ”.
Quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa Nga – Armenia là sự phát triển về địa chính trị tương đối mới mẻ nó có ý nghĩa sâu sắc đối với sự ổn định và an ninh của khu vực Kavkaz, Trung Đông và khu vực hậu Xô Viết. Với các cuộc xung đột Syria chưa được giải quyết và mối quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ căng thẳng, chính quyền Armenia đã được hưởng lợi từ viện trợ kinh tế, quân sự của Nga ở mức độ cao chưa từng thấy. Chính vì vậy Armenia sẽ ngày càng thắt chặt quan hệ và nằm trong quỹ đạo của Moscow.
Đức Dũng (bài viết dựa theo nội dung từ tờ Washingtonpost)
Trả lời