Lầu Năm Góc: Máy bay ném bom Mỹ đã bay trên đảo Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông

Một máy bay ném bom chiến lược B-52 Mỹ đã ngang qua đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở biển Đông gần đây. Phi đội đã bị Trung Quốc cảnh báo nhưng không hề nao nũng và vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình, theo tuyên bố hôm nay của Lầu Năm Góc.

“Chúng tôi tiến hành chuyến bay của B-52 trong không phận quốc tế theo thông lệ quốc tế, đây là một phần của thế giới,” phát ngôn viên Lầu Năm Góc Peter Cook nói trong cuộc họp. ” Theo sự hiểu biết của chúng tôi là có một máy bay B-52 bay trên đó (đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng), tôi không nắm rõ ngày giờ bay, nhưng bộ phận điều khiển mặt đất của Trung Quốc đã cảnh báo máy bay và chuyến bay vẫn tiếp tục sứ mệnh. Không có gì… thay đổi. ”

Biển Đông ngày càng nóng lên khi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền bởi đường chín đoạn và xây dựng những hòn đảo nhân tạo. Hành động của Trung Quốc làm tăng thêm căng thẳng đối với những nước có chủ quyền và đang tranh chấp lãnh hải trên biển Đông.

Trước tình hình đó để khẳng định tự do hàng hải và trấn an các đồng minh ngày 27/10 Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen tiến vào tuần tra trong khu vực biển 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại bãi Vành Khăn và Subi ở Trường Sa.

Điều này đánh dấu sự khởi đầu cho một loạt động thái thách thức trước việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại một trong các tuyến đường biển đông tàu bè đi lại nhất trên thế giới.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố tại Bắc Kinh: “Hành động liên quan của tàu chiến Mỹ đe dọa đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc, nguy hại đến an toàn của nhân viên và cơ sở trên các đảo và bãi đá, phương hại đến hoà bình và ổn định của khu vực”.

Khi tiến vào bên trong vùng 12 hải lý quanh Đá Xu Bi mà Trung Quốc vừa bồi đắp tại Trường Sa, khu trục hạm Mỹ USS Lassen đã cố tránh những hành động có khả năng gây căng thẳng với Bắc Kinh, kể cả những hoạt động diễn tập quân sự. Một quan chức cao cấp Mỹ xin giấu tên đã cho biết như trên hôm 06/11/201. Theo hãng tin Reuters, quan chức Mỹ xin giấu tên đã giải thích: «Chúng tôi muốn khẳng định quyền của mình theo luật pháp quốc tế, nhưng không đến mức ‘chọc vào mắt’ Trung Quốc, hoặc vào chỗ nào đó có thể làm cho tình hình leo thang một cách không cần thiết ». Theo vị quan chức này cho biết cụ thể là tàu khu trục Lassen đã tắt hệ thống radar điều khiển hỏa lực khi di chuyển bên trong vùng 12 hải lý của đảo Đá Xu Bi và không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào trong thời gian đó, bao gồm cả việc cho trực thăng lên xuống hay tập huấn quân sự.

Theo nhiều chuyên gia, cách làm quá thận trọng kể trên có thể bị cho là mặc nhiên công nhận các yêu sách lãnh hải của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo mà họ vừa bồi đắp ở Trường Sa, điều mà Hoa Kỳ muốn phủ nhận qua việc cử tàu Lassen đến tuần tra trong khu vực.

Quan chức Mỹ được Reuters trích dẫn đã bác bỏ lập luận trên khi khẳng định rằng điều mà khu trục hạm Lassen vừa thực hiện là một hải vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải, mà mục tiêu không hề là làm cho tình hình bùng phát. Riêng Hạm trưởng Khu trục hạm Lassen Robert C. Francis Jr, hôm 05/11 đã cho báo giới biết là chiếc tàu của ông đã di chuyển ở khu vực cách Đá Xu Bi từ 6 đến 7 hải lý, trong một hoạt động vừa là tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải, vừa là « quá cảnh ».

Đối với các chuyên gia phân tích, nếu chiếc Lassen không tiến hành các hoạt động quân sự hay thu thập thông tin tình báo khi ở bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Trung Quốc, thì chẳng khác gì việc họ theo đúng thủ tục gọi là « đi qua vô hại » (innocent passage), được áp dụng khi một chiến hạm tiến vào lãnh hải của một nước. Hành động như vậy của chiến hạm Mỹ sẽ củng cố thay vì thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, cho rằng các đảo nhân tạo của họ có lãnh hải 12 hải lý.

Trên trang blog Lawfare, Julian Ku, giáo sư về luật Hiến pháp tại Đại học Hofstra, đã cho rằng sở dĩ Hải quân Mỹ đã chọn hình thức tuần tra yếu nhất, đó là vì theo yêu cầu của Nhà Trắng. Theo chuyên gia này, đây là một việc làm tai hại: « Khi hạn chế hoạt động của tàu USS Lassen ở mức ‘đi qua vô hại’, Mỹ đã mặc nhiên công nhận rằng Trung Quốc được quyền quy định vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo là Xu Bi ».

Ngoại trưởng Hoa Kỳ gần đây nói sẽ không chấp nhận các giới hạn tự do hàng hải và hàng không tại khu vực Biển Đông.

Thông điệp được đưa ra trong khuôn khổ họp cấp ngoại trưởng Hoa Kỳ và khối Asean tại New York.

Không đề cập tới tên của bất kỳ nước nào đang tạo ra thách thức, ông Kerry nói:

“Tôi nói rõ thế này. Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận việc giới hạn tự do hàng hải và hàng không và những việc sử dụng biển vào các mục đích hợp pháp khác.

“Bất kể đó là tàu chiến lớn hay là một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, nguyên tắc là rất rõ ràng: quyền của tất cả các nước phải được tôn trọng”.

Trong cuộc họp mặt 40 phút bên lề hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và 8 đối tác (ADMM+) Ông Carter nói với ông Thường rằng quân đội nước này sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông, nơi luật pháp quốc tế cho phép.

“Ông Carter một lần nữa khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bay, giương buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”, AFP dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cấp cao nói sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Đức Dũng 

Bài viết được tham khảo nội dung từ Reuters


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề