Lần đầu tiên phát triển sản xuất thép từ bùn đỏ tại Việt Nam

Sau đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên” do Viện Hóa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện, quy trình sản xuất với quy mô công nghiệp đã được thực hiện.

Công nghệ này mở ra hướng đi mới trong việc tận dụng nguồn nguyên liệu tái tạo nói chung, đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do khai thác bô xít để sản xuất alumin ở Tây Nguyên – vấn đề thách thức với dự án hiện nay.

Theo báo cáo của các đơn vị thực hiện, bùn đỏ trong khai thác bauxite tại khu vực Tây Nguyên có chứa hàm lượng sắt cao hơn hẳn so với các khu vực khác trên thế giới (như Australia, Hungary…). Cụ thể, hàm lượng sắt trong bùn đỏ khô tại Nhà máy alumin (Lâm Đồng) dao động từ 35,8-40% (tính theo Fe) và từ 51,1-56,3% (tính theo Fe2O3), được coi là tương đương với quặng sắt nghèo, có khối lượng lớn và có thể định hướng để sản xuất gang thép.

Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm cho thấy, nếu lựa chọn công nghệ hoàn nguyên trực tiếp trong lò hồ quang thì sẽ cho hiệu suất thu hồi sắt đạt hơn 70% nhưng công nghệ này tiêu tốn nhiều năng lượng, qua đó ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Còn sử dụng công nghệ thiêu kết, phối hợp nghiền và tuyển từ thì có ưu điểm hạn chế tiêu tốn năng lượng (do sử dụng khí dư của lò cao trong quá trình luyện gang) cho nên đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nếu triển khai ở quy mô công nghiệp.

 

 

Khu bể lắng tại Nhà máy tuyển quặng bô xít Tân Rai (Lâm Đồng) – Ảnh tư liệu

Trước đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và đoàn công tác đã có cuộc thị sát tại hai nhà máy sản xuất thử nghiệm công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ. Hai nhà máy đóng trên địa bàn Hải Phòng, Hải Dương. Tại đây, quy trình công nghệ sản xuất thép từ bùn đỏ bao gồm các công đoạn: Loại bỏ dịch bám theo bùn đỏ nhằm thu hồi xút và bùn đỏ khô, sau đó là công đoạn phối liệu; áp dụng công nghệ thiêu kết, nghiền tuyển, loại bỏ các tạp chất như silic, ô xít nhôm… để thu được tinh quặng sắt đạt tiêu chuẩn luyện gang và thép.

Kết quản mẫu bùn đỏ sau thiêu kết được nghiền mịn và tuyển từ để thu hồi tinh quặng sắt – nguyên liệu cho sản xuất gang hoặc sắt xốp bằng công nghệ thông thường. Mẫu phôi thép được luyện từ sắt xốp này đạt tiêu chuẩn mác thép SD 390 Nhật Bản.

Theo quy hoạch khai thác bô xít ở Tây Nguyên, Dự án alumin Nhân Cơ (tỉnh Đắk Nông) sẽ thải ra lượng bùn đỏ khô khoảng gần 570.000 tấn/năm, cộng với dung dịch bám theo bùn đỏ là khoảng 610.000 tấn/năm. Dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng) theo tính toán sẽ thải ra lượng bùn đỏ khô khoảng 637.000 tấn/năm và dung dịch bám theo bùn đỏ ước tính là gần 688.000 tấn/năm. Như vậy, hai nhà máy alumin ở Tây Nguyên, hàng năm thải ra lượng bùn đỏ khô khoảng 1,2 triệu tấn.

Nhận xét về công trình này GS – Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu nhận định, đây là đề tài hiệu quả về nhiều mặt, có tính đột phá đặc biệt đối với vấn đề phát triển bền vững của ngành công nghiệp khoáng sản nói chung và vấn đề thác bô xít ở Tây Nguyên nói riêng.

Phạm Thanh


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề