Google và Apple trốn thuế kiểu gì?

Một chiến lược mới mang tên Tam giác Bermuda sắp được vận hành thay cho các chiến lược trốn thuế kinh điển.

Thay vì một Tam giá Bermuda – nơi các tàu và máy bay biến mất một cách bí ẩn, đây sẽ là một tam giác của các hiệp ước thuế giữa 3 nước nhằm tạo ra một khoảng không cho lợi nhuận “biến mất” của các công ty đa quốc gia, ít nhất là dưới đôi mắt của các kiểm toán viên Sở Thuế vụ.

Họ không trả thuế thì tôi và bạn sẽ phải trả

Các quốc gia đang tuyệt vọng tìm kiếm cách thức ngăn chặn các công ty đa quốc gia thu lợi nhuận trong vùng lãnh thổ của mình mà không đóng một đồng thuế nào, trong khi cất giấu nghìn tỷ ở “thiên đường thuế” như quần đảo Cayman.

Chính phủ Anh cho biết đã tìm ra cách đánh thuế lợi nhuận Google kiếm được ở Vương quốc Anh. Giải pháp này khá đơn giản, nhẹ nhàng, và có lẽ sẽ không thay đổi một điều tồi tệ về việc né thuế của các công ty đa quốc gia.

Đề xuất này được đưa ra vì Anh và nhiều nước khác mệt mỏi khi chỉ nhận được vài cắc lẻ sau khi các công ty đa quốc gia hưởng lợi từ chiến lược mà các luật sư thuế gọi là “Bánh mỳ kẹp Hà Lan được rửa sạch bởi 2 công ty Ireland”. “Bánh mỳ kẹp Hà Lan” (Dutch Sandwiches) và “2 công ty Ireland” (Double Irish) là những chiến thuật phổ biến để né thuế của các công ty kiếm lời ở những nước có thuế suất cao, nhưng lợi nhuận báo cáo ít hoặc không nộp thuế, như Ireland.

Những người có trách nhiệm về luật thuế gọi đó là gian lận, còn một số quan chức và học giả ở châu Âu đã mượn lời Tổng thống Ronald Reagan phát biểu trên một đài phát thanh năm 1983 về gian lận thuế: “Khi họ không trả tiền thuế của họ, một ai khác sẽ phải trả – là bạn và là tôi”.

Google tuân thủ luật pháp nhưng chỉ nộp thuế 2,4%

Bốn năm trước, phóng viên Bloomberg Jesse Drucker đã tiết lộ chiêu thức Apple, Google, Microsoft và các công ty lớn khác né thuế trên lợi nhuận ở châu Âu – nơi hầu hết các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ bị đánh thuế nặng nề. Google trả tiền thuế ít nhất, 2,4% trên lợi nhuận ghi nhận ở nước ngoài, so với mức thuế suất thuế thu nhập chính thức 35% ở Mỹ và mức 21% ở Anh – thị trường lớn thứ hai của Google.

Lợi nhuận trước thuế trên toàn thế giới của Google đã tăng trưởng 72% trong giai đoạn 2009-2013, nhưng lợi nhuận ghi nhận ở nước ngoài tăng nhanh hơn 5 lần, từ 7,7 tỷ USD lên 38,9 tỷ USD.

Chủ tịch điều hành Google, Eric Schmidt, nói rằng Google tuân thủ tất cả luật pháp liên quan. Năm ngoái, trong một bức thư ngỏ bị nhiều người chế nhạo, Eric đã viết: Chính phủ nên giảm nghĩa vụ thuế của các công ty trong nước cho phù hợp với mức thuế suất của các công ty đa quốc gia. Google đã từ chối bình luận trực tiếp về vấn đề này.

Các chính trị gia châu Âu biết rõ dân chúng đang tức giận về việc Google và các công ty lớn khác gần như miễn thuế. Ngày 3/12, George Osborne – Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh – đã phát biểu trước Quốc hội rằng một dự luật sẽ được đưa ra để ngăn chặn các công ty chuyển lợi nhuận không bị đánh thuế đến những thiên đường thuế. “Điều đó không công bằng cho các doanh nghiệp khác của Anh,” ông nói. “Cũng không công bằng với người dân Anh. Hôm nay chúng ta sẽ đặt dấu chấm hết cho việc này”.

Giải pháp mới của Anh có khả thi?

George cho biết Quốc hội sẽ được yêu cầu để đưa ra cho các công ty đa quốc gia một lựa chọn giữa mức thuế 25% trên “lợi nhuận được tạo ra bởi công ty đa quốc từ hoạt động kinh tế ở đây” và mức thuế 21% trên lợi nhuận giữ lại trong nước. Hy vọng rằng các công ty sẽ trả thuế suất 21% và tái đầu tư lợi nhuận ở Anh hơn là trả mức thuế cao hơn.

Giải pháp này nghe có vẻ khôn ngoan và công bằng, nhưng nó có lẽ sẽ không có tác dụng, bởi lẽ: (1) thuê luật sư thuế rất đắt và các công ty kế toán liên tục đưa ra các chiêu thức thông minh hơn bao giờ hết để chuyển lợi nhuận đến các thiên đường thuế, và (2) nhiều chính phủ châu Âu, cũng như Mỹ, lại đồng lõa trong các chiến lược né thuế.

“Với bất cứ ai có một chút kiến thức về thuế quốc tế, thì khám phá mới đây của Liên minh châu Âu về cách tránh thuế ở khu vực của liên minh – không có từ nào diễn đạt hay hơn – nực cười,” H. David Rosenbloom của Caplin & Drysdale – một luật sư thuế quốc tế nổi tiếng nói.

“Rõ ràng, trong nhiều thập kỷ, một số nước EU đã áp dụng các chính sách quốc gia thu hút đầu tư, và do đó, đưa ra những lợi ích về thuế bất công và không minh bạch,” ông nói. “Luxembourg và Ireland là những nước “phạm tội” chủ yếu, Hà Lan cũng đã thực hiện một số chính sách “ấu trĩ” trong những năm qua, Vương quốc Anh và Bỉ thì ở vị trí “không thể ném đá.”

Rosenbloom nói rằng đó là “một bí ẩn tại sao bất kỳ công ty khôn ngoan nào” cũng báo cáo lợi nhuận tại bất kỳ quốc gia châu Âu nào có mức thuế cao, bởi vì chỉ cần sử dụng quy tắc tránh đánh thuế ở các quốc gia này “kết hợp với một số quyết định thiếu sáng suốt của Tòa án Công lý châu Âu cho phép khá nhiều công ty giảm thuế xuống một con số vô cùng thấp”.

Martin A. Sullivan, cựu quan chức của Bộ Tài chính, đã chỉ ra một thập kỷ trước đây, các công ty Mỹ đã nhanh chóng thay đổi cách thức báo cáo lợi nhuận ra nước ngoài từ nơi họ thu lợi nhuận như Anh, Canada, Pháp, Đức, đến những nơi mà họ có rất ít hoặc không có hoạt động kinh doanh thực tế, chẳng hạn như Ireland, Bermuda, quần đảo Cayman và Singapore.

Sullivan cũng đặt ra giả thuyết về lợi nhuận cực kỳ khổng lồ thu được từ mưu đồ này căn cứ trên doanh thu, tài sản và số lượng công nhân các công ty lớn sử dụng tại các thiên đường thuế. Phần lợi nhuận của công ty Mỹ được báo cáo là kiếm được ở Mỹ đã liên tục giảm trong nhiều thập kỷ, ông nói.

“2 công ty Ireland” sẽ bị thay thế bởi “Tam giác Bermuda”

Quốc hội Mỹ đang tạo thuận lợi cho các công ty lớn chuyển lợi nhuận đến các thiên đường thuế. Một nguyên tắc giúp họ có thể làm “ẩn” lợi nhuận đối với Sở Thuế vụ (IRS) là đánh dấu vào nội dung “Hoàn thuế” trên tờ khai thuế, Joseph Brothers viết trên Tạp chí Những Lưu ý về Thuế Quốc tế (Tax Notes International) vào tháng trước. Ông cũng gợi ý rằng Apple, sẽ phản ứng với mối đe dọa của chính phủ Ireland khi chấm dứt chỉ một trong các luật tránh thuế thân thiện và sinh lời của nước này, bằng cách chuyển đổi chiến lược để thoát khỏi các loại thuế đó.

Chiến lược “2 công ty Ireland”, Brothers viết, có thể sớm được thay thế bằng một chiến lược mới – “Tam giác Bermuda”. Thay vì một Tam giác Bermuda nơi các tàu và máy bay biến mất một cách bí ẩn, đây sẽ là một tam giác của các hiệp ước thuế giữa 3 nước Ireland, Hà Lan và Bermuda, nhằm khai thác các quy tắc mà không yêu cầu tuân thủ hoàn toàn, sẽ tạo ra một khoảng không cho lợi nhuận “biến mất”, ít nhất là dưới đôi mắt của các kiểm toán viên IRS. Nếu chiến lược này có tác dụng, Google và các công ty khác có thể sẽ bắt chước theo.

Mục tiêu cuối cùng của những kẻ trốn thuế doanh nghiệp lớn là những gì mà luật sư thuế Edward D. Kleinbard gọi là “thu nhập không quốc tịch” – tuồn lợi nhuận ra khỏi các nước có thuế cao ở châu Âu, Nhật Bản và Bắc Mỹ, và di chuyển lợi nhuận theo các hiệp ước thuế khác nhau cho đến khi các công ty này không chịu bất cứ khoản thuế nào vì họ đang được báo cáo trong một quốc gia không tồn tại được gọi là Nowhere (Không ở đâu).

Đọc thêm:

Mô hình “Hai công ty Ireland” (Double Irish) lợi dụng chính sách thuế của 3 quốc gia. Chính phủ Mỹ áp thuế với các công ty đăng ký kinh doanh ở Mỹ. Chính phủ Ireland áp thuế với các công ty được điều hành và quản lý ở Ireland. Còn lại, trên thế giới có các quốc gia, vùng miền được mệnh danh là “thiên đường thuế” (Tax heaven) – nơi để tránh thuế, ví dụ như Bermuda, Jersey, Quần đảo Cayman… Những quốc gia hay vùng lãnh thổ này thu thuế rất ít.

Một công ty Mỹ có thể lập ra 2 công ty chi nhánh nước ngoài ở Ireland. Công ty 1 chịu thuế ở Ireland, công ty 2 cũng đăng ký ở Ireland nhưng chịu thuế ở một thiên đường thuế, chẳng hạn nếu trụ sở quản lý đặt ở Bermuda. Mục tiêu cuối cùng là chuyển toàn bộ lời lãi về công ty 2 chịu thuế ở Bermuda.

– Công ty mẹ ở Mỹ sẽ thực hiện một cam kết chia sẻ chi phí (cost sharing agreement) với công ty 2 (chịu thuế Bermuda). Theo đó, tài sản trí tuệ sẽ được coi là sở hữu của công ty 2.

– Công ty 2 (chịu thuế Bermuda) cho phép công ty 1 (chịu thuế Ireland) sử dụng tài sản trí tuệ, đổi lại, công ty 1 sẽ trả chi phí cho công ty 2. Công ty 1 (chịu thuế Ireland) sẽ đứng ra nhận doanh thu từ khách hàng, trả phí sử dụng tài sản trí tuệ cho công ty 2. Phần lời lãi còn lại đối với công ty 1 sẽ chịu mức thuế 12,5% của Ireland (nhưng phần lời này không đáng kể). Lợi nhuận của công ty mẹ ở Mỹ cuối cùng được thể hiện ở phí sử dụng tài sản trí tuệ được công ty 1 (chịu thuế Ireland) trả cho công ty 2 (chịu thuế Bermuda). Phần lợi nhuận này hưởng mức thuế Bermuda rất thấp.

Để tránh mức thuế 12,5% ở Ireland, các công ty còn sử dụng hình thức chuyển tiền qua một công ty đặt ở Hà Lan (hình thức Bánh mỳ kẹp Hà Lan – Dutch Sandwich) để hưởng thuế suất thấp của Hà Lan.

(Theo Blog Tài chính Quốc tế)

Theo Tri thức trẻ.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề