‘Việc tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với các đối tác lớn như EEU, Hàn Quốc, Mỹ hay Nhật Bản sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam không chỉ ổn định mà còn phát triển mạnh mẽ một cách độc lập với kinh tế Trung Quốc bất kể có chuyện gì xảy ra giữa hai quốc gia’ -Tờ Moscow Times của Nga nhận định.
Việc Trung Quốc kéo giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với nước ta, cho thấy sự cần thiết phải thoát khỏi sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Theo số liệu thì Trung Quốc không phải thị trường lớn nhất của nước ta. Tuy nhiên, họ lại đang là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam, do đó có ảnh hưởng tức thời đến thu nhập của một bộ phận đáng kể nông dân và người sản xuất nông nghiệp nước ta.
Việt Nam bán nông sản sang Trung Quốc chẳng phải vì giá cả hấp dẫn, nếu so với các thị trường phương tây, giá bán chỉ bằng 1/10. Chúng ta bán nông sản sang nước này cũng chẳng suôn sẻ gì, mỗi năm mùa nào thức ấy câu chuyện bị xử ép tại cửa khẩu biên giới lại xảy ra; chậm thanh toán; hủy ngang hợp đồng tràn lan…vẫn ‘đến hẹn lại lên’. Nhưng chúng ta vẫn xuất sang thị trường này, bởi chưa biết cách để đáp ứng các tiêu chuẩn của khách hàng khó tính EU, Hoa Kỳ…Và vấn đề nông sản tắc đầu ra tiếp tục làm ‘nóng’ nghị trường Quốc hội những ngày qua.
Hơn lúc nào hết, việc thông qua các FTA (Hiệp định Thương mại Tự do) để tiếp tục đa đạng hóa đầu ra cho các sản phẩm, đặc biệt là nông sản Việt Nam, tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng là một cơ hội không thể bỏ qua. Với các FTA, Việt Nam không chỉ kỳ vọng ở việc tiếp cận thị trường với thuế quan ưu đãi mà còn ở các cơ hội trao đổi, đàm phán để giải quyết những vấn đề vốn trước nay là rào cản giữa Việt Nam và các thị trường này như hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ.
Năm 2015 là một dấu mốc quan trọng cho nền kinh tế đất nước khi hàng loạt FTA được ký kết và thực thi. Chỉ chưa đầy một tháng, Việt Nam đã hoàn tất hai FTA với các đối tác kinh tế lớn là Hàn Quốc và liên minh kinh tế Á -Âu. Trong cả hai hiệp định này, Việt Nam đều tìm được đầu ra ở những thị trường tiềm năng khổng lồ cho những sản phẩm chủ lực của mình như: nông sản, thủy sản, dệt may và đồ điện tử.
Đó là chưa kể việc một loạt các hiệp định thương mại lớn sắp diễn ra như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Nếu hoàn tất, TPP sẽ mở toang cánh cửa để hàng hóa Việt Nam xâm nhập vào thị trường Mỹ và các nước thành viên như Nhật Bản, một cách mạnh mẽ hơn.
Và như Moscow Times đã nhận định: ‘Nếu có một quốc gia đang tích cực nhất trong việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế trong vòng một tháng vừa qua, thì đó hẳn phải là Việt Nam. Việc này, được xem là biểu hiện của nỗ lực từ phía chính phủ Việt Nam tránh bị phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc’.
Với các FTA mà Việt Nam đã ký kết, lẽ ra chúng ta đã có thể tận dụng để bổ sung dần nguồn cung Trung Quốc bằng nguồn cung từ các nước mà Việt Nam đang có quan hệ thương mại tự do, để khỏi phải lo lắng đầy vơi mỗi khi ‘người hàng xóm’ làm mình làm mẩy hoặc đơn giản là ‘hắt hơi xổ mũi’. Nhưng rồi thói quen mua hàng giá rẻ dường như vẫn lấn lướt, để rồi thị trường hàng hóa nguyên liệu vẫn ngập hàng Trung Quốc, nhà thầu và lao động Trung Quốc ở khắp nơi, để rồi nhập siêu từ Trung Quốc vẫn “ngoạm” trọn những nỗ lực xuất siêu của chúng ta sang các thị trường và khiến nền kinh tế tiếp tục lún sâu vào vị trí phụ thuộc.
Với FTA giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế lớn là Hàn Quốc và liên minh kinh tế Á -Âu mới ký vừa đây và những hiệp định thương mại lớn hơn sắp tới, Việt Nam một lần nữa đứng trước cơ hội tiếp cận nguồn cung với giá hợp lý, chất lượng tốt hơn từ các đối tác. Làm thế nào để hiện thực hóa nhắn nhủ của người đứng đầu Chính phủ rằng ‘Chúng ta phải cạnh tranh bằng chất lượng, làm ăn nghiêm chỉnh, phải thấy thuận lợi, lợi thế để phát huy nhưng cũng phải thấy khó khăn để cùng nỗ lực vượt qua. Tất cả là vì lợi ích của đất nước, sự phát triển của nền kinh tế, là công ăn việc làm của người dân’. Lựa chọn một lần nữa lại nằm trong tay các doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Trí Lê (Theo NguyenTanDung.org)
Trả lời