EVN sẽ không còn là đơn vị mua – bán điện duy nhất

Một vài năm tới, 5 tổng công ty điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phải “bận rộn” hơn khi vừa bán điện, vừa đàm phán để mua điện trực tiếp từ các nhà máy phát điện với giá theo cơ chế thị trường điện cạnh tranh.

5 tổng công ty điện lực này gồm Tổng công ty Điện lực Miền Bắc, Tổng công ty Điện lực Miền Nam, Tổng công ty Điện lực Miền Trung, Tổng công ty Điện lực TPHCM và Tổng công ty Điện lực Hà Nội.

Ngoài ra, các khách hàng sử dụng điện lớn mua điện từ cấp điện áp 110 kV trở lên đấu nối trực tiếp vào trạm biến áp truyền tải cấp điện áp 220 kV đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ Công Thương có quyền lựa chọn tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Các nội dung về mở rộng đối tượng mua điện nói trên được Bộ Công Thương quy định tại Quyết định 8266/QĐ-BCT ban hành ngày 10-8 vừa qua, phê duyệt thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam.

Lâu nay, việc mua điện từ nhiều nguồn phát điện trên thị trường chỉ do một đơn vị mua duy nhất là Tổng công ty Mua bán điện thuộc EVN, sau đó đơn vị này bán điện lại cho các tổng công ty điện lực trên cả nước với giá được quy định theo kiểu “nội bộ”.

Theo kế hoạch này, giai đoạn chuẩn bị thị trường bán buôn điện cạnh tranh kéo dài đến hết năm nay 2015. Sau đó, giai đoạn vận hành thí điểm bước một năm 2016 (tính toán mô phỏng trên giấy, không thanh toán thực), giai đoạn vận hành thí điểm bước hai năm 2017-2018, giai đoạn vận hành chính thức hoàn chỉnh từ năm 2019.

Trao đổi với TBKTSG Online ngày 14-8, một chuyên gia ngành điện tại TPHCM phân tích theo quy định mới nói trên, có thể người dùng được sử dụng nguồn điện ổn định hơn do kích thích được nhiều nguồn phát điện hơn (nhiều nhà máy điện cạnh tranh để tham gia bán trực tiếp). Ngoài ra với nhiều đơn vị mua điện hơn cũng tạo ra sự cạnh tranh, họ phải tính toán sao cho hoạt động mua – bán điện có hiệu quả nhất, được mua tận gốc nên có thể điện đến tay người tiêu dùng sẽ có giá hợp lý hơn.

“Đó là khi thị trường điện cạnh tranh vận hành rõ nét, đầy đủ. Chứ hiện tại thì nhà nước vẫn chốt một đầu ra cố định nên chưa thể hiện rõ lợi ích trực tiếp với khách hàng sử dụng điện. Trước mắt, thời gian đầu vận hành theo cơ chế mới sẽ tạo động lực có thêm nguồn phát điện, các nhà máy cả bán lẫn bên mua điện sẽ phải minh bạch hơn các chi phí hoạt động, tạo động lực khai thác nguồn, lưới điện tốt hơn, khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn”, chuyên gia ngành điện này phân tích thêm.

Trong một lần trao đổi với TBKTSG mới đây, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Việt Nam đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường. Nguyên tắc cái gì thị trường tự định giá thì để cho thị trường tự quyết định giá, những thứ gì cạnh tranh được thì thiết lập cơ chế cạnh tranh, Nhà nước chỉ quản lý ở khâu độc quyền tự nhiên.

Do vậy, theo ông Cung, nếu muốn huy động thành phần kinh tế tư nhân vào sản xuất và phân phối điện thì chỉ có thông qua cơ chế thị trường mới huy động được sự tham gia đầu tư của họ. Khu vực kinh tế tư nhân cần có chỗ trong sản xuất điện và thiết lập hệ thống phân phối điện tới người tiêu dùng. Ngành điện được thị trường hóa mới tạo ra nguồn cung dồi dào, có chất lượng để phát triển kinh tế, và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Cũng theo quyết định của Bộ Công Thương, thành viên tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh có bên bán điện gồm đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện có công suất trên 30 MW trực tiếp tham gia thị trường điện; các nhà máy thủy điện có công suất từ 30 MW trở xuống có quyền lựa chọn tham gia thị trường điện khi đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng.

Nhà máy điện được đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT) tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo một trong các hình thức như: trực tiếp tham gia thị trường; tham gia thị trường thông qua đơn vị chào giá thay thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Các nhà máy điện không tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh gồm các nguồn điện nhập khẩu; các nhà máy điện sử dụng năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt không phân biệt mức công suất đặt, các nhà máy thủy điện có công suất đặt từ 30MW trở xuống.

Các nguồn điện không tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ do Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) mua và bán lại sản lượng điện này cho các tổng công ty điện lực theo quy định của Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện là Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong thị trường bán buôn điện cạnh tranh, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia sẽ được chuyển đổi thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Nguồn thesaigontimes


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề