Dư luận đang hồi hộp chờ kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Hy Lạp trong ngày 5-7 để có thể tiếp tục dự báo về số phận của đất nước đang nợ như chúa chổm này.
Nhưng dù kết quả có như thế nào thì vẫn có một thực trạng khó lòng làm ngơ: Việc rót tiền hoặc nhiều tiền không thể giải quyết những cuộc khủng hoảng nợ xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới!
Theo báo The New York Times (Mỹ), 10.000 tỉ USD là số tiền mà các ngân hàng trung ương khắp thế giới bỏ ra trong những năm gần đây để tìm cách kích thích kinh tế và đối phó các cuộc khủng hoảng tài chính. Nỗ lực này đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo ra tăng trưởng ở nhiều quốc gia, giảm tỉ lệ thất nghiệp và ngăn ngừa tình trạng hoảng loạn. Tình hình suôn sẻ tạm thời khiến người ta dễ quên mất rằng đồng tiền không phải lúc nào cũng có sức mạnh vạn năng.
Đó là lý do khủng hoảng không chỉ ám ảnh Hy Lạp, nước có khoản nợ tương đương 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sau khi nhận 240 tỉ euro tiền cứu trợ kể từ năm 2010. Trong tuần này, đến lượt vùng lãnh thổ Puerto Rico thuộc Mỹ tuyên bố “bó tay” với khoản nợ công 72 tỉ USD.
Theo Công ty Tư vấn McKinsey (Mỹ), nợ của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ khắp thế giới đã tăng thêm 57.000 tỉ USD, lên mức 200.000 tỉ USD trong giai đoạn từ cuối năm 2007 đến 2014. Khoản nợ này tương đương 286% GDP toàn cầu (so với mức 269% GDP 7 năm trước đó).
“Chính sách tiền tệ chỉ là thuốc giảm đau chứ không thể chữa dứt căn bệnh” – bà Diana Choyleva, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Tư vấn Lombard Street Research (Anh), cảnh báo về tình trạng nợ nần đầm đìa của thế giới.
Việc các chính phủ, doanh nghiệp vay mượn quá nhiều tiền đang đè nặng lên nhiều nền kinh tế lớn nhỏ khác nhau. Chẳng hạn, nợ của Trung Quốc đã tăng vọt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một phần vì các nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ. Đổi lại là một kết quả đáng thất vọng: Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm hơn nhiều so với 10 năm trước, buộc Bắc Kinh phải chuyển sang những chính sách sát với thị trường hơn. “Họ bắt đầu nhận thấy chính sách tiền tệ không giải quyết mọi vấn đề” – bà Choyleva giải thích.
Dĩ nhiên, không phải quốc gia nào nợ ngập đầu cũng đều lâm nguy. Chính phủ Mỹ vay mượn rất nhiều sau cuộc khủng hoảng tài chính nhưng khi nền kinh tế dần phục hồi, món nợ công “khủng” hơn 18.000 tỉ USD của Washington vẫn trong tầm quản lý và một số chuyên gia còn ghi nhận vai trò tích cực của nó.
Trái lại, vấn đề nợ trong khu vực đồng euro (Eurozone) ngày một nghiêm trọng, một phần bởi chính đồng tiền chung của mình. Không như Mỹ, các nước sử dụng euro không thể đơn phương nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ giá đồng tiền để kích thích tăng trưởng, từ đó giúp việc trả nợ dễ dàng hơn.
“Hy Lạp cần một chính sách tiền tệ được nới lỏng mạnh mẽ hơn phần còn lại của châu Âu nhưng không thể, bởi những trói buộc của Eurozone” – nhà nghiên cứu Joseph E. Gagnon tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) lý giải.
Xóa nợ là một trong những cách khả dĩ để giảm bớt gánh nặng lên các nền kinh tế. Bước đi này sẽ khiến các ngân hàng tổn thất nhưng có thể thúc đẩy sự hồi phục. Một số nhà phân tích cho rằng chính nhờ xóa bỏ nợ thế chấp nhà của các hộ gia đình mà kinh tế Mỹ từng bước gượng dậy. Vấn đề là không phải chủ nợ nào cũng sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng được xóa nợ của con nợ, như trong trường hợp Hy Lạp.
Trí Lê (Theo NLĐ)
- KHỦNG HOẢNG KINH TẾ TOÀN CẦU NĂM 2019. DỰ BÁO CỦA CHUYÊN GIA MỸ
- FSB Nga: nguyên nhân của vụ tai nạn máy bay tại Ai Cập là do khủng bố
- Thắng lợi của đảng Syriza: Hy vọng cho Hy Lạp và Châu Âu
- Người dân Hy Lạp đi tổng tuyển cử
- Tại sao EU cứu trợ cho Hylap nhiều hơn Ukraina?
- Yatsenyuk: Ukraina đã đóng cửa không phận cho máy bay Nga
Trả lời