Từ đầu những thập niên 90 trở lại đây, Việt Nam luôn tích cực hội nhập để tìm kiếm “ngoại lực” cho phát triển. Nhân sự kiện gia nhập TPP, cùng điểm lại những tổ chức kinh tế lớn mà Việt Nam đã và đang gia nhập trong 20 năm qua.
1. ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)
Sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, ngày 28/7/1995, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của đất nước Bruney tươi đẹp, trong tiếng Quốc ca hùng tráng, Quốc Kỳ Việt Nam đã tung bay phấp phới cùng cờ của 6 thành viên ASEAN khác, mở ra một trang sử mới của khu vực.Việt Nam chính thức là thành viên thứ 7 của ASEAN.
Đây có thể coi là bước hội nhập quan trọng sau thời khắc 5h00 sáng ngày 04/2/1995 (giờ Hà Nội) Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận với Việt Nam sau 20 năm, mở ra thời kỳ bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Mỹ, Việt Nam – ASEAN.
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, ngày nay ASEAN là tổ chức kinh tế có 10 thành viên, quy mô dân số khoảng 600 triệu dân, tổng GDP đạt 6,6 nghìn tỷ USD chiếm 6,1% GDP toàn cầu (tính theo PPP).
Các chuyên gia nhận định, sau khi hình thành cộng đồng vào cuối năm nay, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới và có thể “nhảy” lên vị trí thứ 4 thế giới vào năm 2050.
2. ASEM (Diễn đàn hợp tác kinh tế Á – Âu)
Tháng 3/1996 Hội nghị các nguyên thủ các quốc gia về hợp tác Á – ÂU diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan, với sự tham gia của nguyên thủ 15 nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) 10 nước Châu Á gồm Nhật Bản, Trung Quốc Trung Quốc và bảy nước ASEAN là Brunây, Inđonêxia, Malaixia, Philippin, Xingapo, Thái Lan và Việt Nam. Sau hội nghị thượng đỉnh này, hợp tác Á – ÂU chính thức ra đời lấy tên của hội nghị đầu tiên là ASEM
ASEM đã đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam. Thị trường ASEM đã và đang tạo nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI và gia tăng khối lượng thương mại với các đối tác trong ASEM. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối 2004, Việt Nam đã thu hút được 2.750 dự án đầu tư từ các thành viên ASEM, với tổng số vốn đăng ký 27,03 tỷ USD
Đến nay ASEM là diễn đàn kinh tế của 39 quốc gia, chiếm 50% GDP toàn cầu và 40% dân số thế giới, vai trò và vị thế của ASEM trong lĩnh vực kinh tế ngày càng quan trọng, nhất là sự trỗi dậy mạnh mẽ của Châu Á trong 20 năm trở lại đây.
3. APEC (Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương)
Thành lập từ năm 1989, dẫn đầu là 3 nền kinh tế lớn Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada, APEC nhanh chóng thể hiện được vai trò của mình trong nền kinh tế thế giới.
Tháng 11/1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đánh dấu bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong quá trình hợp tác với các thành viên APEC thông qua việc đưa ra các sáng kiến mới thuộc ba trụ cột chính của APEC về tự do hoá thương mại, đầu tư; thuận lợi hoá thương mại và hợp tác kinh tế kỹ thuật.
Việc tổ chức thành công APEC năm 2006 là đỉnh cao, làm cho Việt Nam được nhìn nhận không chỉ ở tầm khu vực, mà đã chủ trì những sự kiện, giải quyết những vấn đề ở tầm liên khu vực với quy mô và tính chất phức tạp hơn nhiều
Ngày nay, APEC có 21 thành viên, đại diện cho khoảng khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 54% GDP và 44% thương mại toàn cầu.
4. WTO (Tổ chức thương mại thế giới)
Sau 11 năm đàm phán kể từ khi đệ đơn gia nhập năm 1995, ngày 7/11/2006 WTO triệu tập phiên họp đặc biệt của Đại Hội đồng tại Geneva (Thụy Sĩ) để chính thức kết nạp Việt Nam vào WTO. Nếu gia nhập ASEAN là bước khởi đầu cho thời kỳ hội nhập sau cấm vận thì việc được kết nạp vào WTO là sự khẳng định cho vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế.
Gia nhập WTO là sự kiện kinh tế lớn chưa từng có ở Việt Nam, tác động sâu rộng đến đời sống mọi người dân. Sau khi gia nhập WTO kinh tế Việt nam bước vào thời kỳ tăng trưởng huy hoàng, tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2006 đạt 8,23%, năm 2007 đạt 8,46%, năm 2008 đạt 6,31%. Cái được lớn nhất của Việt Nam là thu hút vôn đầu tư, năm 2006, vốn đăng ký đạt trên 10 tỷ USD, tới năm 2007 đạt 21,3 tỷ USD và tới 2008 đã tăng lên 64 tỷ USD.
Đến nay WTO là tổ chức kinh tế lớn nhất trên thế giới với 160 thành viên, chỉ có một số các quốc gia không gia nhập vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên xét nhiều khía cạnh WTO vẫn là sân chơi quá tầm với Việt Nam, sau 10 năm gia nhập chúng ta vẫn chưa có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế.
5. TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương)
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã cơ bản được ký kết (đầu tháng 10/2015) giữa Việt Nam và 11 quốc gia còn lại, trong đó có những nền kinh tế lớn như Mỹ, Ôxtrâylia, Canada, Singgapo với hơn 800 triệu dân, 40% GDP và 26% lượng hàng hóa trên thế giới.
Hiệp định có 30 chương, quy định chặt chẽ về nhiều lĩnh vực như quy tắc xuất xứ, hải quan thương mại, dệt may, lao động, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ…đây được coi là hiệp định “tương thích” cao với nền kinh tế Việt Nam, như các chuyên gia kinh tế nhận định là thành quả lớn nhất trong 20 năm hội nhập.
Tuy nhiên cũng không ít khó khăn, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, các nền kinh tế khác trong TPP có quy mô rất lớn, nên dù GDP chỉ tăng 1% cũng bằng Việt Nam tăng vài chục phần trăm. Tương tự, xuất khẩu Việt Nam quy mô nhỏ, nên dù có tăng đạt con số lớn, về thực chất vẫn không đạt được như các nước khác.
Việc hội nhập để tìm kiếm ngoại lực cho phát triển đã được nhiều thành công, song, nội lực để tiếp nhận và tương thích với ngoại lực ấy là cái mà Việt Nam đang thiếu. Chúng ta cũng đã là thành viên của hầu hết các tổ chức kinh tế lớn, liệu TPP có mang lại nhiều điều mới mẻ cho kinh tế Việt Nam?
Trí Lê (Theo Reds.vn)
- Vì sao Việt Nam chưa có doanh nghiệp tư nhân lớn như Samsung, Toyota,...?
- Dân và Nhà nước: Ai lo cho ai nhiều hơn?
- Người nước ngoài hưởng chiếc bánh TPP của Việt Nam?
- Tiếp lời Bộ trưởng Bùi Quang Vinh!
- Làm gì để hàng Việt vào chuỗi bán lẻ toàn cầu ?
- Kinh tế Việt Nam: Điểm sáng giữa các thị trường mới nổi
Trả lời