Con đường phát triển của Việt Nam: Phát huy nội lực hay ngoại lực?

Nhiều mô hình phát triển thành công của các nước trên thế giới đã chứng minh rằng chỉ có vị thế quốc gia mới là vấn đề đáng quan tâm nhất, còn lại mọi nguồn lực chỉ là phương tiện.

Trong các báo cáo đánh giá phântích tình hình cũng như tại các cuộc hội thảo chuyên đề về kinh tế diễn ra khá dồn dập trong thời gian gần đây, các nhà nghiên cứu, kể cả các nhà hoạch định chính sách, liên tục “gióng” lên hồi chuông báo động về dấu hiệu suy giảm vai trò động lực của lực lượng doanh nghiệp trong nước, đi liền với sự thăng hoa ngày càng mạnh mẽ hơn của lực lượng doanh nghiệp ngoài nước, đặc biệt là khối FDI.

Sự việc có thể trở nên trầm trọng nếu hiện tượng này “bị nâng quan điểm”, nhất là khi đối chiếu với tư duy chính thống “nguồn lực trong nước là quyết định, nguồn lực ngoài nước là quan trọng” hiện đang chi phối toàn bộ quá trình điều hành nền kinh tế.

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh của quốc gia/doanh nghiệp đang đứng trước nhiều thử thách mang tính sống còn, rõ ràng cần phải nhận thức lại quan điểm phát huy “nội lực” hay “ngoại lực”. Sự phân định tồn tại bao lâu nay, trên thực tế chỉ có giá trị danh nghĩa, liệu có rơi vào tư duy siêu hình, cục bộ, phân tán, thiếu biện chứng? Thay vào đó, ở đây, chỉ nên có một câu chuyện và chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất là làm sao để không ngừng nâng cao “thực lực” của nền kinh tế đất nước.

Nhiều mô hình phát triển thành công của các nước trên thế giới đã chứng minh rằng chỉ có vị thế quốc gia mới là vấn đề đáng quan tâm nhất, còn lại mọi nguồn lực chỉ là phương tiện, nếu đáp ứng được kỳ vọng mục tiêu của thể chế chính sách, thì cần phải được tôn trọng và đối xử như nhau, như vậy mới có thể biến Việt Nam trở thành “điểm đến” hay “điểm nhấn” của kinh tế toàn cầu.

Đất nước Singapore dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu là một điển hình sâu sắc về cách thức giải đáp bài toán sử dụng và phát huy các nguồn lực đa dạng. Là quốc gia không thuần chủng, đa sắc tộc, mức độ hướng ngoại của nền kinh tế thuộc diện cởi mở nhất toàn cầu, Singapore đã biết cách định hướng phát triển theo con đường phát huy tối đa sức mạnh ngoại lực, rất khôn ngoan khi biến đổi sức mạnh đó thành thế lực hùng cường cho đất nước nhỏ bé.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng “nguồn lực tư duy” chứ không phải “nguồn lực kinh tế” mới là nhân tố quan trọng nhất dẫn dắt Singapore đi đến sự thịnh vượng như ngày hôm nay, thể hiện qua thể chế chính sách thông minh và hiệu lực; bộ máy quản trị quốc gia tận tụy và hiệu quả.

Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng nhấn mạnh nhiều lần rằng ông chưa bao giờ lệ thuộc hoặc câu nệ vào bất kỳ học thuyết hay mô hình phát triển nào, mà chỉ xuất phát từ chính thực tiễn Singapore để hoạch định nên những chủ trương đúng đắn, phần còn lại dành cho nhà doanh nghiệp và thị trường tự quyết định.

Để sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, cần kiên trì thực hiện phương châm “3 trong 1”: (1) hoàn thiện thể chế pháp luật kinh doanh theo hướng hiện đại; (2) nâng tầm tư duy kinh doanh toàn cầu; (3) xây dựng văn hóa kinh doanh vừa đa dạng vừa gìn giữ bản sắc riêng của dân tộc. Không được xem nhẹ một lĩnh vực nào và chính “kiềng ba chân” này sẽ góp phần kiến tạo nên một môi trường kinh doanh hoàn hảo, thúc đẩy sự gắn bó chặt chẽ giữa nội lực và ngoại lực, tuy hai mà một, về lâu dài sẽ là động lực cơ bản thúc đẩy sự tiến bộ kinh tế.

Những nhà doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam, ngoài nhu cầu đầu tư sinh lợi, còn phát sinh hàng loạt nhu cầu khác có liên quan đến đời sống tinh thần và vật chất của chính bản thân và gia đình họ. Nếu chúng ta chủ động xem họ như “người nhà” thì đến một lúc nào đó họ cũng sẽ đối xử với chúng ta tương tự như vậy. Nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh văn minh, an toàn, thân thiện cũng chính là cách thức thu hút và phát huy mọi nguồn lực hiệu quả nhất.

Trí Lê (Theo TBKTSG)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề