Có tiền đi du lịch nước ngoài sao vẫn ăn cắp vặt?

Trong xã hội muôn vẻ, có không ít người “tiềm ẩn” trong mình thói quen ăn cắp lúc đi nước ngoài, không được trang bị cách hành xử đúng đắn, bước vào một xã hội có sự kiểm soát đầy đủ mà họ tưởng lỏng lẻo để rồi bộc lộ thói xấu của chính mình.

Vụ hai anh em ăn cắp mắt kính tại trung tâm thời trang ở Zurich (Thụy Sĩ) hôm 15-7 không phải là chuyện mới.
Trước đó đã từng xảy ra những vụ người Việt đi du lịch nước ngoài ăn cắp và bị phát hiện tương tự. Và cứ mỗi lần như vậy, chúng ta lại ta thán điệp khúc: Thật xấu hổ!

Không xấu hổ sao được khi những người tạm cho là có tiền, có học hành và có những vị trí nhất định trong xã hội lại đi làm những chuyện xấu xa ảnh hưởng đến hai chữ “Việt Nam”.

Một đứa trẻ ăn cắp vặt đã bị cha mẹ đánh đòn, bị xã hội lên án, trong khi những người lớn lại đi ăn cắp, mà lại ở nước ngoài, chuyện cá nhân ảnh hưởng đến quốc thể thì đó không còn là chuyện nhỏ nữa.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã yêu cầu báo cáo vụ hai du khách Việt ăn cắp mắt kính tại Thụy Sĩ.

Ông Tuấn cũng ta thán: “Đó thật sự là hành động mà bất kỳ ai có lòng tự trọng cũng đều thấy xấu hổ!”. Nhưng thay vì xấu hổ lần này qua lần khác, hãy tìm ra giải pháp để những chuyện tương tự không xảy ra nữa.

Từ trước đến nay, các trường hợp du khách Việt ăn cắp vặt ở nước ngoài bị phát hiện đều bị dư luận chỉ trích. Và tất cả cũng chỉ có vậy.

Theo một luật sư, một hành vi phạm pháp không thể xử hai lần. Vì vậy, những người ăn cắp vặt đã bị nước sở tại phạt tiền, thì về nước không thể bị phạt lần hai. Nhưng liệu có chấp nhận như thế được không?

Liệu có cần phải có những quy định mới nhằm chế tài thêm để răn đe cho những hành vi làm mất thể diện quốc gia?

Trong xã hội muôn vẻ, có không ít người “tiềm ẩn” trong mình thói quen ăn cắp lúc đi nước ngoài, không được trang bị cách hành xử đúng đắn, bước vào một xã hội có sự kiểm soát đầy đủ mà họ tưởng lỏng lẻo để rồi bộc lộ thói xấu của chính mình.

Và một khi những hành vi đó không bị xử lý nặng thì người ta vẫn có thể tiếp tục làm theo thói quen của mình và dần dà sẽ trở thành điều bình thường đáng sợ.

Ở nhiều nước, người ta có luật xử những trường hợp ăn cắp ở siêu thị, nhưng có lẽ với du khách nên họ “du di” với hình thức phạt tiền hoặc cảnh cáo cho qua.

Và như vậy, khi trở về nước, những người “nhám tay” vẫn nhởn nhơ như người vô tội vì chưa có quy định nào xử lý họ cho cái tội làm mất thể diện quốc gia, trong khi đáng ra phải có hình thức xử phạt thêm như bêu tên, cảnh cáo, phạt tiền, cấm xuất cảnh có thời hạn…

Khi kẻ cắp này vẫn cứ nhởn nhơ được thì kẻ cắp khác sẽ không chùn tay. Và rồi bị thiệt hại nặng nhất chính là hình ảnh Việt Nam trong mắt 
bạn bè.

Vũ Văn (Theo Tuổi trẻ)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề