Chuyện tiền thưởng cho các ĐTQG Việt Nam: Đồng tiền không có lỗi

Con số 1 tỷ đồng thưởng cho đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) sau thành tích lọt vào bán kết AFF Cup 2014 chẳng thấm vào đâu so với 22 tỷ đồng mà các nhà tài trợ treo thưởng cho mục tiêu vô địch SEA Games 26 cách đây ba năm, hay 10 tỷ đồng được trao cho những nhà vô địch AFF Cup 2008.

Nhưng chuyện tiền thưởng trong bóng đá Việt Nam thì vẫn thường xuyên bị xếp vào dạng “nhạy cảm”, dù tiền thưởng và bản thân việc treo thưởng thật ra vốn chẳng có tội tình gì.

Tiền thưởng làm “hư người”?

Việc treo thưởng vô tội vạ của các ông bầu làm bóng đá cũng thường được xem như nguyên nhân đẩy thái độ và tư cách các cầu thủ xuống dốc. Dần dà, đồng tiền bị ‘kết tội’ quá dễ dàng, và nó được xem như hiện thân của quỷ dữ.

Sau khi ĐTVN nhận 1 tỷ đồng nhờ thành tích lọt vào bán kết AFF Suzuki Cup 2014, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Lê Hùng Dũng có giải thích rằng sẽ thưởng khi xứng đáng, chứ không treo thưởng như “mồi câu” như trước đây, vì điều đó có thể khiến cầu thủ “sinh hư”, và vòi vĩnh.

Cách đây 2 tháng, cũng chính ông Dũng đã tuyên bố rằng VFF sẽ không trao số tiền thưởng 1 tỷ đồng nhờ thành tích lọt vào giải U19 Đông Nam Á cho các cầu thủ U19 Việt Nam, mà làm thành sổ tiết kiệm rồi gửi về cho gia đình.

Có lẽ ông Lê Hùng Dũng vẫn còn nhớ vụ lùm xùm tại Bacolod, Philippines cách đây 9 năm. Ông Dũng, với tư cách là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF thời điểm ấy, đã bị một nhóm cầu thủ U23 Việt Nam (gồm Hải Lâm, Văn Quyến, Bật Hiếu và Văn Trương) căn vặn ngay trong phòng thay đồ về chuyện tiền thưởng sau trận thắng Malaysia ở bán kết môn bóng đá nam tại SEA Games 23.

Hậu vệ Lê Văn Trương thậm chí đặt vấn đề thẳng trong những lần nói chuyện với các quan chức LĐBĐ Việt Nam. Nhóm cầu thủ này sau đó dính vào vụ án tiêu cực gây rúng động và điều đó càng củng cố thêm lập luận rằng đồng tiền đã đẩy họ vào tội lỗi.

Có thể hiểu được tâm lý của những người đứng đầu bóng đá Việt Nam. Chuyện này cũng tương tự việc sai lầm của một cầu thủ bất kỳ có thể bị quy kết thành nghi án tiêu cực, hay một vài những phản ứng khi bị thay ra có thể bị thổi phồng thành một “quyền lực đen”. Nó cho thấy rằng bóng đá Việt Nam giống như một chú chim sợ cành cong, hay một vết thương còn hở miệng mà không có đủ niềm tin để hàn gắn.

Tiền thưởng không phải là bệnh dịch

Nửa năm trước, đội tuyển Đức đã từng được LĐBĐ Đức (DFB) treo thưởng gần 7 triệu euro trước trận chung kết gặp Argentina, tức mỗi cầu thủ nhận được 300 nghìn euro. Sau trận bán kết thắng 7-1 trước Brazil, họ cũng được “thưởng nóng” 150 nghìn euro (tương đương 3 tỷ đồng VN). Không ai “hỏng” vì tiền thưởng cả.

Cũng tại World Cup 2014, có một câu chuyện nực cười khác: LĐBĐ Ghana đã phải cho chuyên cơ chở 3 triệu USD đến Brazil để đáp ứng các cầu thủ, những người đã định tẩy chay thi đấu nếu không được thỏa mãn yêu sách về tiền thưởng. Nhưng rốt cục thì vài triệu USD cũng không làm mọi chuyện trở nên dễ chịu hơn: Ghana sau đó đã tống cổ 2 ngôi sao Sulley Muntari và Kevin-Prince Boateng về nước vì những lời lẽ thô tục của 2 cầu thủ này với HLV trưởng Kwasi Appiah.

Đồng tiền không có tội lỗi gì cả. Nó không phải thánh thần và cũng không phải quỷ dữ. Nó chỉ là một trong nhiều cách khích lệ và tạo động lực, và không chỉ bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung từng sử dụng nó như một công cụ. Nếu đồng tiền trở thành một rắc rối, thì vấn đề nằm ở nền bóng đá, chứ không phải tự thân nó.

Tất nhiên, vẫn sẽ có những tranh cãi về chuyện cách cho như thế nào mới đúng, nhưng không thể coi đồng tiền như một bệnh dịch. Nó không thể tạo ra những chiến thắng phi thường trong thể thao, vốn phải đòi hỏi nỗ lực, ý chí và những phẩm chất thực sự, nhưng nó cũng không thể dìm ai xuống bùn.

Theo TTVH.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề