Mỹ sút bóng về khung thành điện Kremlin với vụ bê bối FIFA

Ít ngày sau khi tái đắc cử, trong buổi họp đầu tiên trong nhiệm kỳ mới, ông Sepp Blatter bất ngờ tuyên bố từ chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA).

FIFA, cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới đang trải qua giai đoạn đầy sóng gió. Khởi phát là vụ hàng loạt quan chức cao cấp, trong đó có cả một phó chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới bị bắt vì tội nhận hối lộ và rửa tiền. Sau đó, cuộc bầu cử chức chủ tịch FIFA diễn ra trong không khí nóng bỏng.

Việc điều tra bê bối tham nhũng của các quan chức Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) là một trận cầu nảy lửa giữa Nga và Mỹ, khi nỗ lực của Washington được cho là nhằm truất quyền đăng cai World Cup 2018 của Moscow.

Trong một thông báo có liên quan đến vụ việc, các công tố viên Thụy Sĩ cho biết họ đã mở thủ tục tố tụng hình sự đối với một số cá nhân vì nghi ngờ quản lý yếu kém và rửa tiền, liên quan đến việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar.

Quyền đăng cai hai kỳ World Cup này được trao sau một cuộc bỏ phiếu của Ủy ban điều hành FIFA năm 2010. Tuy nhiên, có nhiều cáo buộc tham nhũng về quá trình này. Xuất hiện thông tin rằng quan chức một số nước được gợi ý đưa hối lộ hàng triệu USD để đổi lấy phiếu bầu.

World Cup: Chiến trường mới Nga – phương Tây

Theo Washington Post, cuộc điều tra là diễn biến mới nhất trong căng thẳng ngoại giao giữa Nga và phương Tây về World Cup 2018. Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm ngoái, ngày càng có nhiều quan chức châu Âu kêu gọi tẩy chay giải đấu hoặc đề nghị FIFA xem xét lại lựa chọn Nga là nước đăng cai sự kiện.

Tháng trước, 13 thượng nghị sĩ Mỹ viết thư cho FIFA, yêu cầu tước quyền đăng cai của Nga vì sự kiện này sẽ “nâng cao danh tiếng cho” Tổng thống Nga Vladimir Putin, và điều đó không thích hợp “vào thời điểm lẽ ra nước này phải bị lên án”.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter đã từ chối đề nghị này và kiên quyết đứng về phía Nga và Qatar. “Lịch sử cho thấy cho đến nay, tẩy chay sự kiện thể thao hay chính sách cô lập hoặc đối đầu không phải là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề”, FIFA tuyên bố.

Các cuộc thi đấu tầm cỡ thế giới sẽ thu hút sự quan tâm toàn cầu về nước chủ nhà. World Cup, một trong những giải đấu danh tiếng nhất thế giới, sẽ mang lại uy tín, cơ hội quảng bá và sự công nhận quốc tế và cả đầu tư cho Nga, nước đang gặp khó khăn về kinh tế. Nga đã tổ chức thành công Thế vận hội mùa đông Olympics Sochi, và ông Putin có thể đang mong đợi đến năm 2018, thời điểm Nga bầu cử tổng thống. Putin không loại trừ khả năng tái tranh cử.

Hai thượng nghị sĩ Mỹ, Bob Menendez và John McCain, hôm 26/5 kêu gọi FIFA không bầu ông Blatter ngồi lại vào ghế chủ tịch liên đoàn vì “Blatter tiếp tục hỗ trợ” Nga đăng cai World Cup 2018.

Các thượng nghị sĩ cho rằng lợi ích kinh tế từ các giải đấu sẽ làm cho các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt với Nga mất tác dụng. Theo hai ông, FIFA nên bầu ra một vị lãnh đạo “sẽ làm việc để chính quyền Putin không được hưởng đặc quyền” tổ chức World Cup. Tuy nhiên, ông Blatter vừa tái đắc cử vị trí chủ tịch liên đoàn sau một loạt tranh cãi.

Hạ uy tín Nga

Nga và các nhà phân tích thân Nga cho rằng việc Washington phanh phui bê bối tham nhũng của FIFA là một nỗ lực để tước quyền đăng cai World Cup khỏi tay Moscow. “Mỹ sẽ sử dụng vụ việc này để gia tăng sức ép, khiến Nga mất quyền tổ chức giải đấu”, Sergei Markov, nhà phân tích có quan hệ với Kremlin nhận định. “Lợi ích chính trị có thể rất lớn”, ông nói thêm. Điều này được ví như Mỹ đang nỗ lực sút một quả bóng về phía khung thành Kremlin.

“Ở Nga, vụ bê bối như vậy sẽ được coi là một phần của chiến dịch làm mất uy tín Nga. Họ coi đó không phải là cuộc chiến chống tham nhũng, mà là một cuộc chiến chống lại Nga”, Alexander Baunov, chuyên gia ở Trung tâm Carnegie Moscow nhận định. Nikolai Levichev, một nhà lập pháp Nga cũng cho rằng Mỹ “cố gắng bôi nhọ và làm Nga mất uy tín trong mắt của cộng đồng thế giới”.

“Rõ ràng là có thế lực ở Mỹ đang cố gắng biến bất cứ điều gì tích cực chúng tôi có thành một kênh đối đầu mới”, Kirill Kabanov, một thành viên của Hội đồng xã hội dân sự của Kremlin nói. “Thậm chí nếu có hối lộ xảy ra ở FIFA, thì tại sao Mỹ đến bây giờ mới phơi bày việc này, ngay sau khi FIFA từ chối yêu cầu của Thượng nghị sĩ Mỹ về việc tước quyền đăng cai của Nga?”.

Paul Roderick Gregory, nhà nghiên cứu tại viện Hoover ở Starford cho rằng “với Putin thì không gì có thể tồi tệ hơn là mất World Cup 2018”. “Điều này có thể còn nghiêm trọng hơn suy thoái kinh tế và mức sống suy giảm của người dân Nga. Người Nga có thể sống mà không có thực phẩm nhập khẩu và các kỳ nghỉ ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng họ không thể chịu đựng được nếu bị gắn với danh hiệu là một quốc gia bất hảo, không xứng được đăng cai World Cup”, Gregory viết trên Forbes.

Nga dự kiến ​​sẽ chi 11 tỷ cho việc xây dựng sân vận động mới và các dự án cơ sở hạ tầng khác. Người đứng đầu ủy ban tổ chức World Cup Nga 2018, Alexei Sorokin cho biết Nga “đã chuẩn bị rất nhiều”. Nếu mất quyền tổ chức sự kiện, thiệt hại về mặt tài chính của Moscow sẽ rất lớn.

Putin cản đường bóng

Hầu hết lãnh đạo thế giới vẫn giữ im lặng về việc điều tra bê bối, dường như để chờ đợi xuất hiện thêm nhiều thông tin, nhưng ông Putin đã lên tiếng ngay lập tức.

“Đây lại là một nỗ lực trắng trợn (của Mỹ) để mở rộng thẩm quyền đến các quốc gia khác”, ông Putin nói. Tổng thống Nga cho rằng Mỹ muốn khiến Sepp Blatter không được tái đắc cử chức chủ tịch FIFA và Washington đã “vi phạm đặc biệt nghiêm trọng các nguyên tắc làm việc của tổ chức quốc tế”.

Nicolai Petrov, một nhà phân tích độc lập đánh giá rằng Putin muốn ngăn chặn nguy cơ bị tước quyền đăng cai World Cup, vì vậy, “ông ấy tấn công trước”.

Theo NYTimes, Putin không bao giờ bỏ lỡ cơ hội miêu tả Nga là nước trong thế bị bao vây, và vụ bê bối FIFA chính là một dịp như vậy. “Tất cả mọi thứ có liên quan đến Nga, dù chỉ gián tiếp, cũng được các nhà chức trách Moscow sử dụng để nhắc nhở người Nga rằng họ đang sống trong một thành trì bị bao vây bởi phương Tây”, nhà bình luận chính trị Konstantin von Eggert nói.

Khi có thông tin cho rằng Nga đã hối lộ để thắng quyền đăng cai thì Moscow sẽ bác bỏ ngay điều đó, gọi đó là sự vu khống của phương Tây, các nhà phân tích nhận định. Năm ngoái, FIFA đã tiến hành một cuộc điều tra nội bộ và không phát hiện khuất tất trong chiến thắng của Nga. Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm đấu thầu Nga đã từ chối giao nộp máy tính của họ. Tất cả thiết bị sử dụng trong quá trình đấu thầu đã bị phá hủy, các nhà điều tra cho biết.

Theo giáo sư an ninh tại Đại học Hải chiến Mỹ, Nikolas K. Gvosdev, bình luận “Mỹ mở rộng thẩm quyền đến các quốc gia khác” của Putin thể hiện tổng thống Nga muốn biến câu chuyện đi từ xử lý nạn tham nhũng trong FIFA thành hành vi cho thấy Mỹ vượt quá giới hạn phận sự. Gvosdev nhận định Putin muốn chỉ trích Mỹ và các nước phương Tây khác cố gắng áp đặt các hệ thống và giá trị của nước họ với phần còn lại của thế giới.

Đồng thời, khi đứng lên ủng hộ cho chủ tịch FIFA Blatter, ông Putin dường như đang bảo vệ một người bạn trung thành, chỉ ra rằng Nga có “quan hệ đặc biệt” với liên đoàn. Tuy nhiên, chiến lược của ông có thể phản tác dụng trong trường hợp này, vì FIFA mang tai tiếng là có nhiều quan chức tham nhũng. Ông Putin có thể bị xem như là đang bao che cho họ.

Nhìn chung, khả năng Nga bị tước quyền đăng cai World Cup vẫn được cho là khó có thể xảy ra. Vitaly Mutko L., Bộ trưởng Thể thao Nga hôm 27/5 nói rằng Moscow vẫn sẽ tổ chức sự kiện như kế hoạch. Người phát ngôn FIFA cũng cho biết chưa có dự kiến về việc bầu lại quyền đăng cai.

Theo Steve McCabe, chuyên gia tại Đại học Kinh tế của Birmingham, “đòi hỏi về công trình, cơ sở hạ tầng của giải đấu rất cao”, và việc truất quyền có thể gây ra “biến động lớn”, nên FIFA khó có thể xem xét phương án này. Tuy nhiên, khi cuộc điều tra vẫn tiếp tục, chưa rõ tương lai nào có thể xảy ra.

theo Phương Vũ


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề