“Trong trường hợp án có nhiều dấu hiệu oan sai tương đối tập trung như vụ Huỳnh Văn Nén, việc điều tra như vậy là quá chậm chạp. Quy trình không nhất thiết phải chậm thế. Càng chậm chạp thì người oan sai càng bị gánh chịu đau khổ”- Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa nói.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (trái) cho rằng việc điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén quá chậm chạp và phải làm rõ sự chậm chạp đó do đâu? có phải do nể nang hay vì chưa có sự quan tâm đầy đủ? (Ảnh: Thế Kha).
Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội hôm qua, 24/10, luật sư Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn: “Hồ sơ vụ án cho thấy đây là vụ có nhiều thiếu sót, có cơ sở để giải quyết theo hướng oan sai, khắc phục oan sai đó. Trong trường hợp này, việc giải oan không nên kéo dài. Đề nghị Cơ quan điều tra Bộ Công an phải nhập cuộc, đồng thời VKSND tối cao phối hợp làm cho nhanh chóng hơn. Đã là oan sai thì với người bị oan, mỗi một ngày đều thiệt hại ghê gớm, chẳng những với cá nhân họ mà cả gia đình phải gánh chịu”.
Ông Nghĩa phân tích, trong vụ việc này, ông Huỳnh Văn Nén đã từng bị oan sai một lần (trong kỳ án vườn điều – PV) và lần này nữa thì có thể là 2 lần oan sai. Vị đại biểu Quốc hội này đề nghị phải thúc đẩy điều tra, kết luận nhanh hơn, sự việc để đến lúc này là quá chậm chạp. Huỳnh Văn Nén vừa được cho tại ngoại 2 ngày trước là để chữa bệnh chứ chưa phải được minh oan.
“Trong những trường hợp án có dấu hiệu oan sai tương đối tập trung như vụ này, việc điều tra như vậy là quá chậm chạp. Quy trình không nhất thiết phải chậm thế. Càng chậm chạp thì người oan sai càng bị gánh chịu khổ đau. Ngược lại, dư luận cũng bức xúc đòi hỏi, nếu có oai sai, công lý phải được khôi phục càng sớm càng tốt” – theo ông Nghĩa, với điều kiện tố tụng hiện nay, việc sớm minh oan cho người dân hoàn toàn có thể làm được.
Phó Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam cũng đặt vấn đề, xem lại nguyên nhân án chậm chạp do đâu? có nể nang, tránh né không? hay do chưa có sự quan tâm đầy đủ? Theo ông Trương Trọng Nghĩa, vai trò của VKSND Tối cao rất quan trọng trong sự việc vì cơ quan này đã kháng nghị, theo luật định, Viện cũng phải trực tiếp giám sát việc điều tra lại. Chưa kể vụ án có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động tư pháp, thẩm quyền cũng thuộc VKSND Tối cao. VKSND Tối cao có cả một Cục điều tra hình sự, nếu cần có thể trực tiếp điều tra vi phạm trong hoạt động tư pháp luôn.
Nói về những dấu hiệu vi phạm hoạt động tố tụng trong vụ án, vị luật sư là đại biểu Quốc hội ví dụ, người trong cuộc từng có đơn tố cáo nhưng sao đơn tố cáo của những người cung cấp được chứng cứ ban đầu không đến được cơ quan tố tụng? Chuyện điều tra viên liên lạc trực tiếp với người tố cáo phải được làm rõ. Rồi chuyện có người tố cáo hung thủ thực sự của vụ án là người khác, không phải ông Huỳnh Văn Nén mà vẫn không được xem xét. Trong trường hợp này, án kéo dài như thế, theo luật, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao có quyền trực tiếp điều tra vụ việc.
Về quy định hiện hành đối với việc gia hạn điều tra, ông Nghĩa cho rằng, sau khi VKSND Tối cao kháng nghị và TAND Tối cao hủy án để điều tra lại, cần phải lấy mốc thời gian từ chuyện người dân đã chịu oan sai 17 năm rồi để xem xét. Ngoài ra, vụ án này còn liên quan tới 7-8 người khác trong gia đình, mỗi ngày trôi qua với họ là một ngày dài, mỗi tuần trôi qua càng là quá dài. Phải tập trung công sức làm càng sớm càng tốt.
Theo Dân Trí
Trả lời