Trong một bài góc nhìn đăng trên báo The New York Times (NYT) hôm 23/10 vừa qua, học giả Maxim Trudolyubov đã hết lời chỉ trích cách tiếp cận của Putin trong vấn đề Syria.
Theo ông Trudolyubov, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Kennan kiêm cây viết thường trú của nhật báo Vedomosti (Nga), những diễn biến tại Syria hiện nay cho thấy quyết tâm của Tổng thống Vladimir Putin trong việc khẳng định vai trò địa chính trị của Nga.
Chuyên gia này nhấn mạnh, những cuộc không kích của quân đội Nga có thể được coi như một lời đáp trả có tính toán của điện Kremlin đối với những lời dè bỉu từ phương Tây cho rằng, vị thế của Nga trên trường quốc tế đang sụt giảm thấy rõ.
Bản thân nhận định này thật ra cũng không có gì mới mẻ, nhưng những gì ông Trudolyubov viết sau đó về cái cách mà Nga thực thi chiến lược của mình trên không phận Syria mới thật sự đáng chú ý.
Mở đầu bài viết với nhan đề “Lãnh chúa Putin tại Syria” của mình trên NYT, ông Trudolyubov đã mỉa mai:
“Khi đất nước bạn bất ngờ phát động một cuộc không kích tại một quốc gia xa xôi khác, đương nhiên bạn sẽ đặt ra những câu hỏi về mục đích, về chi phí, và về hậu quả của chiến dịch đó. Nhưng người Nga thì rõ ràng không làm như vậy”.
Chuyên gia này cũng châm chọc, với đa số người Nga hiện nay, tính toán thiệt hơn của việc tham gia vào một cuộc nội chiến cách nước mình hàng nghìn kilomet “không thú vị bằng việc ngồi trước màn hình TV xem tên lửa Nga phóng vào một khoảng tối vô định”.
Tàu chiến Nga phóng tên lửa từ Biển Caspi nhắm vào IS. Ảnh: RT
Theo ông Trudolyubov, những bản tin về tình hình Syria trên các kênh truyền hình chính phủ Nga hiện nay đang trở thành nơi phô diễn sức mạnh quân sự của quân đội nước này, và là một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của đại bộ phận người dân Nga.
Nhưng chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, trong các bản tin tràn ngập tiếng súng đạn nói trên, truyền hình Nga gần như không bao giờ nhắc đến những chia rẽ tôn giáo hay sắc tộc tại Syria, cũng như không đả động gì tới mục đích hay những thế lực đứng sau từng nhóm vũ trang.
Thay vào đó, truyền hình Nga chỉ dùng Nhà nước Hồi giáo (IS) như một “con tốt” để nói chung tất cả những mục tiêu phải hứng chịu những đợt không kích của Nga tại Syria.
Nghiêm trọng hơn, theo ông Trudolyubov, Tổng thống Putin đã “thốt ra” câu nói này trên kênh Rossyia 1 hôm 11/10 vừa qua:
“Chúng tôi không thấy sự khác biệt gì giữa Shia và Sunni. Chúng tôi không có ý định xen vào các cuộc chiến tôn giáo. Chúng tôi chỉ đến đây để hỗ trợ chính phủ hợp hiến.”
Chuyên gia Trudolyubov nhận định, câu nói này cho thấy trong mắt ông Putin, việc các lực lượng vũ trang được hậu thuẫn bởi phương Tây, người Saudi, hay Iran, không hề quan trọng. Hay nói đúng hơn, Trudolyubov cho rằng ông Putin “biết nhưng vẫn làm ngơ” trước những khác biệt này.
“Với việc ‘vờ như không biết’ những khác biệt về giáo phái, ông Putin đang mượn Syria để phô diễn một nét chính trong quan điểm của mình: đó là bất kì tổ chức nào không được chính phủ đương nhiệm công nhận đều là kẻ thù của chính phủ đó” – ông Trudolyubov viết.
Ông Putin đã nhiều lần nhấn mạnh, tất cả các tổ chức, kể cả tổ chức tôn giáo, một khi đã được tài trợ bởi các thế lực nước ngoài, chỉ có đúng một mục đích: lật đổ chính quyền đương nhiệm. Tại Syria, mục đích của họ là “phế truất” Bashar al-Assad.
Ông Trudolyubov nhận định, trong mắt Tổng thống Nga, lực lượng nổi dậy Ahrar al-Sham, lực lượng jihad cực đoan al-Nusra, hay Nhà nước Hồi giáo IS, về mặt bản chất đều không khác gì nhau. Tất cả chỉ đều được thế lực bên ngoài “giật dây” với những ý đồ nham hiểm.
Trong mắt Tổng thống Nga, lực lượng nổi dậy Ahrar al-Sham, lực lượng jihad cực đoan al-Nusra, hay Nhà nước Hồi giáo IS, về mặt bản chất đều không khác gì nhau. Ảnh: Reuters
“Lãnh chúa” Putin
Theo chuyên gia này, với việc bắt tay với al-Assad, Tổng thống Putin đã tự biến mình thành một “lãnh chúa” tại Syria, trong vai trò vị cứu tinh của giáo phái Alawite (một nhánh của dòng Shia) cầm quyền đang bị các thế lực Sunni bủa vậy.
Và điều này, theo ông Trudolyubov, là một sai lầm cực kì nghiêm trọng.
“Ông Putin đã biến Nga trở thành một đồng minh của Shia nhưng lại không thực sự coi trọng những chia rẽ giáo phái. Việc phần đông người Hồi giáo tại Nga theo dòng Sunni dường như cũng không được ông đoái hoài tới…
Có lẽ ông Putin nghĩ rằng một khi tất cả những thế lực chống chính phủ bị loại bỏ, tất cả những mối đe dọa với al-Assad sẽ tự biến mất theo… Ông Putin đang hành động như thể khu vực Trung Đông cũng như là một ‘oblast’ của Nga vậy.” – chuyên gia này viết.
Ông Trudolyubov cũng ví chiến lược của ông Putin hiện nay tại Syria “như một bản sao” của những gì cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã từng làm tại Iraq trong những năm đầu của thế kỉ 21.
“[Điểm khác là] trong khi Mỹ coi dân chủ là ‘liều thuốc chữa bách bệnh, thì Nga của ông Putin lại cho rằng một chính phủ thống nhất, không đối lập, mới là cách giải quyết cho mọi vấn đề” – học giả Maxim Trudolyubov kết luận.
theo Trí Thức Trẻ
tôi không theo trường phái nào,không chính kiến nào,chỉ biết rằng: bất luận là gì,nếu khi đã qua bầu cử hợp hiến của nước nào thì chính quyền đó là hợp lòng dân sở tại;nếu thế lực nào chống đối là đi ngược lòng dân,kể cả các lực lượng bên ngoài ủng hộ những thế lực đó cũng đều không tốt và không đúng lẽ phải,không hợp lòng người.
với lại chống IS là chống tội ác,cớ sao mỹ đánh thì các người không lên tiếng ,khi nga đánh thì các người chỉ trích và bình ngược là sao;hay diệt trừ kẻ ác cũng phải chọn người sao nhỉ …
thật khó hiểu -không biết đâu là đạo lý
mong các người chỉ giáo cho…!!!