‘Tôi đã không sốc nặng khi con vào lớp 1’

“Không cho con học thêm, tháng đầu con vào lớp 1 tôi rất buồn và nghĩ “không lẽ lúc nào cũng đánh mắng”. Giữ vững quan điểm không cho con học thêm sớm, tôi bắt tay vào học cùng con….” phụ huynh Mỹ Đức (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

Con trai vào lớp 1 là quãng thời gian khó khăn của vợ chồng tôi. Ngoài việc thường xuyên bị cô em gần 2 tuổi quấy nhiễu lúc học, thì với cháu việc đang được chơi thả phanh lúc học mẫu giáo, giờ cứ tối tối phải vào bàn học thật đúng là cực hình. Con mếu máo, mẹ quát tháo xảy ra như cơm bữa. Con trai tôi vốn hiếu động, nghịch ngợm luôn chân tay, thích xem hoạt hình trên ti vi. Ngồi học được một lúc là con kêu muỗi đốt ngứa, buồn đi vệ sinh, buồn ngủ. Mẹ lăm lăm cái thước kẻ trên tay để dọa đánh nếu con không chịu học.

Kì nghỉ hè trước khi con vào lớp 1, tôi được mấy anh chị cùng cơ quan lên dây cót trước: em nên cho cháu đi học thêm hè ở nhà cô giáo thì viết chữ mới đẹp và nhanh, luyện tập đọc cho con trước đi. Tôi nghĩ đơn giản vào lớp 1 là làm quen kiến thức, có gì mà to tát. Tôi cho cháu học khóa hè tại trường tiểu học còn không học thêm bất cứ lớp luyện chữ đẹp nào. Khu tập thể tôi ở có 2 cháu nữa cùng lớp con trai tôi. Một cháu được mẹ đưa về quê, học suốt 2 tháng hè với bác là giáo viên tiểu học. Một cháu được mẹ gửi gắm vào lớp luyện chữ đẹp cạnh nhà. Riêng tôi vẫn bình chân như vại, tôi mua thêm vài quyển tập tô về cho con học.

Ngày con mới đi học, mẹ quan tâm sát sao. Nhưng rồi việc cơ quan, việc chăm đứa bé làm tôi mệt mỏi. Tôi chỉ nhắc con trai ngồi vào bàn tự học. Chỉ 1 tháng sau, con đưa sổ liên lạc về đều đặn. Cô giáo phê học kém, hay nói chuyện, đọc – viết chậm. Con lúc thì đứng xó, lúc thì ra ngoài hiên đứng vì tội nói chuyện. Đi đón con về, bố cháu cáu gắt vì con thường phải ở lại trong lớp vì chép bài chưa xong. Cô giáo nhắc trực tiếp, bài vở của con thường xuyên là lời phê bình bài vở xấu, ẩu, nhận thức kém, quên sách vở, bút mực. Có hôm chị hàng xóm còn kể “cô hỏi bố mẹ có phải là người cá biệt không mà con lại thế ?” Tôi rất buồn vì con, không lẽ lúc nào cũng đánh mắng.

Đừng đòi hỏi con quá cao

Giữ vững quan điểm không cho con học thêm sớm, tôi bắt tay vào việc học cùng con. Tối nào hai mẹ con cùng nhau ôn bài, bài tập đọc nào cũng đọc đi đọc lại 5 lần như yêu cầu cô giao. Môn tập viết con cũng được mẹ giao bài viết một đoạn thơ, đoạn văn ngắn. Môn Toán kèm theo những bộ que tính nhiều màu, 2 mẹ con cùng làm phép cộng trừ.

Con học chậm thì mình đừng đòi hỏi quá cao, khuyến khích con tiến bộ từng nấc một. Tôi cố gắng kìm bớt cơn nóng giận khi con ngây ngô, hỏi đi hỏi lại. Con trai tính lơ đãng nên việc cháu quên mang sách bút hay làm mất đồ dùng học tập thường xảy ra. Có lúc gần 10 giờ đêm, tôi phải chạy đi mua bút chì, thước kẻ,tẩy, giấy màu.

Kết thúc học kỳ 1, cuối buổi họp phụ huynh tôi đến hỏi chuyện cô giáo. Nói về con tôi, cô lắc đầu chán nản. Cô bảo đã áp dụng biện pháp chuyển chỗ liên tục mà con vẫn chưa khá hơn, nói chuyện như ngô rang. Tôi quyết tâm dành thời gian uốn nắn con.

Không đặt nặng phải điểm cao

Tôi không đặt nặng việc con phải điểm cao. Có lúc con kể, con được 4 hoa điểm tốt nhưng cô trừ 2 hoa vì nói chuyện.

Tháng nào cô cũng đưa sổ liên lạc về cho gia đình. Tôi quen với việc con hay bị phê bình nên không lấy làm bực bội. Tôi kể chuyện con nghe, chỉ cho con cái sai, cái đúng để đi học có ý thức tốt hơn. Bài toán nào con làm chưa đúng, mẹ hướng dẫn cách đọc kỹ đề bài, làm tốt những bài cuối tuần cô giao. Trẻ con hay cãi bướng, mẹ kiên trì giải thích cho con hiểu.

Kết thúc năm học, con trai tôi đạt giỏi trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Thực ra bài cô giao về khó hơn bài thi học kỳ, những bài cuối tuần con làm sai hoặc làm chưa hết. Tôi không nản lòng hướng dẫn lại cho con làm lại. Con cũng không phải ngồi lì bên bàn học suốt ngày, học khoảng 1 tiếng buổi tối là nghỉ. Buổi nào còn tồn nhiều bài quá thì thêm nửa tiếng. Ngày cuối tuần, con làm xong bài là được đi chơi thoải mái cùng chúng bạn.

Nhà nhà cho con học tiếng Anh, tôi thì…

Thấy nhà nhà đua nhau cho con học thêm tiếng Anh, tôi thì nghĩ con mới đi học, cần học tốt tiếng Việt trước. Sau này con vào nếp, tôi sẽ cho con học thêm khi cần thiết. Nhồi nhét quá nhiều kiến thức lúc con mới chập chững trước cổng trường sẽ làm con sợ học, học có gì vui nếu con cứ khóc mếu vì sợ cô, sợ lớp, sợ trường.

Tôi đã bình tĩnh trước làn sóng học thêm và cùng con học, không nao núng trước những lời nhận xét có phần nặng nề từ cô chủ nhiệm. Tôi vẫn giữ thái độ đúng mực với cô giáo, không nổi đóa lên khi các bạn về mách lại hôm nay con tôi bị cô phạt ra sao (có lần con nói chuyện nhiều quá, cô bảo bạn lớp trưởng tát con). Bản thân tôi cũng biết con mình có nhiều nhược điểm khiến cô bức xúc.

Năm nay em cạnh nhà có con gái vào lớp 1. Nhìn cảnh em tối tối quát tháo con om xòm, con gái thì khóc mếu vì bị mẹ đánh, tôi thấy thương cháu quá.

Em ấy bảo cô giáo bảo con nhà em học chậm hiểu nhất lớp, lại còn kể năm ngoái cô dạy có 2 cháu lưu ban, em lo quá. Tôi khuyên em đừng nóng vội, cứ dạy con từ từ cho con hiểu. Bố mẹ đừng nên lo lắng thái quá khi cô nhắc nhở, cứ kiên trì học cùng con chắc chắn con sẽ tiến bộ.

theo Vietnamnet


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề