Mỹ tuyên bố ‘không trung lập’ trong vấn đề biển Đông

Hoa Kỳ nhấn mạnh nước này sẽ không trung lập khi buộc các quốc gia khác phải tuân thủ luật lệ quốc tế trong vụ tranh chấp biển Đông, và sẽ cương quyết bảo đảm rằng các bên phải làm theo luật, một nhà ngoại giao hàng đầu của nước này tuyên bố.

Hoa Kỳ từng nhiều lần nhấn mạnh không đứng về phía nào và không ủng hộ tuyên bố chủ quyền của bất kỳ ai, đồng thời tuyên bố muốn chứng kiến các bên giải quyết tranh chấp theo đúng luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực.

Chính điều đó đã khiến nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ “trung lập” trong vấn đề biển Đông, và sau những tuyên bố chỉ trích Trung Quốc của Washington thời gian qua, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đi ngược lại quan điểm bấy lâu nay.

Tại một cuộc hội thảo mới đây ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington, trả lời câu hỏi về tính trung lập của Hoa Kỳ ở biển Đông, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, nói:

“Chúng tôi không trung lập khi nói tới việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ có thái độ cương quyết liên quan tới việc tuân thủ pháp luật. Chúng tôi không đứng về phía nào trong việc tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo. Điều đó có nghĩa là quan ngại của chúng tôi là về thái độ, cách xử sự cũng như cách thức các bên tuyên bố chủ quyền”.

Chính vì lẽ đó, ông Russel nói rằng Hoa Kỳ hiện thúc giục các bên liên quan ở biển Đông duy trì các điều kiện cần thiết và môi trường hợp tác nhằm xử lý các tranh chấp một cách hòa bình, thông qua biện pháp ngoại giao và đúng luật.

Nhà ngoại giao này cũng kêu gọi các nước, không chỉ riêng Trung Quốc, tránh gây ra các hành động đi ngược lại “tinh thần hợp tác”, như lấn biển, xây dựng các cơ sở và quân sự hóa các đảo.

Tuyên bố của ông Russel đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc rầm rộ tiến hành các hoạt động xây đảo nhân tạo trên biển Đông, gây quan ngại cho các quốc gia tranh chấp chủ quyền khác cũng như Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tới thăm Việt Nam, Singapore và Malaysia vào đầu tháng tới, và dự kiến sẽ nhắc lại vấn đề này trong cuộc họp với những người đồng cấp của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN.

Phát biểu trước các cử tọa gồm các nhà nghiên cứu hàng đầu về biển Đông, ông Russel thừa nhận rằng sẽ là một thách thức lớn để giải quyết tranh chấp khi các nước đều tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với vấn đề biển Đông.

‘Phải tuân theo quyết định’

Về vấn đề giải quyết tranh chấp qua tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc, ông Russel đề cập tới vụ kiện Trung Quốc của Philippines. Nhà ngoại giao này nói rằng cho dù kết quả ra sao thì cả Bắc Kinh và Manila cần phải tuân theo quyết định của tòa vì hai nước đều từng ký vào Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển.

Ông nói thêm: “Khi tham gia vào Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển, cả Philippines và Trung Quốc đồng ý với cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của công ước. Theo đó, quyết định của tòa trọng tài có tính cưỡng hành đối với các bên tranh chấp. Để duy trì pháp quyền, cả Philippines và Trung Quốc cần phải tuân thủ bất kỳ quyết định nào đưa ra trong vụ này, dù họ có thích hay không”.

Ông Russel nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ các quyền lợi riêng của mình theo nhiều cách, trong đó có việc củng cố liên minh cũng như thúc đẩy các cam kết an ninh và hỗ trợ việc phát triển các tổ chức khu vực một cách hiệu quả.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng Washington “không hậu thuẫn Philippines để chống lại Trung Quốc trong vụ kiện mà Mỹ chỉ bảo vệ quyền của Philippines”.

Bắc Kinh mới đây kêu gọi Manila đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh, thay vì tiếp tục nỗ lực giải quyết tranh chấp biển Đông trước tòa án quốc tế.

Philippines đã yêu cầu tòa án ở La Haye bác bỏ các yêu sách chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Trung Quốc và cho rằng hành động của Bắc Kinh là chà đạp lên quyền lợi của các nước khác.

Trong khi đó, Bắc Kinh nói rằng tòa này không có thẩm quyền và từ chối tham gia giải quyết vụ việc mà Philippines đệ đơn kiện.

Tòa hoạt động theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển đã tổ chức một phiên toà kéo dài một tuần, và kết thúc hôm qua nhằm xem xét vụ việc Manila nêu ra. Cơ quan này đặt thời hạn chót là ngày 17/8 để Bắc Kinh trình bày lý lẽ của mình.

Nguồn Voa tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Có 1 phản hồi cho bài viết “Mỹ tuyên bố ‘không trung lập’ trong vấn đề biển Đông”:

  1. NGUYEN VIET NAM viết:

    BBC
    Chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông là gì?
    16 tháng 12 2016
    Chia sẻ
    Trung Quốc tăng cường năng lực hải quânImage copyrightCHINA DAILY
    Image caption
    Trung Quốc tăng cường năng lực hải quân
    Tổ chức nghiên cứu địa chính trị toàn cầu Stratfor phân tích chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông sau các diễn biến mới nhất như cải tạo Đá Lát.
    Startfor cho rằng Hà Nội đang ngấm ngầm tăng cường năng lực quốc phòng thông qua việc đẩy mạnh xây dựng cải tạo đảo ở Trường Sa cũng như tiếp tục phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, Nga, Pháp và Ấn Độ.
    Nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền trước sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc có thể bị một số nước láng giềng cản trở. Philippines và Malaysia dường như đã ngả theo áp lực của Trung Quốc để chuyển sang đàm phán song phương trực tiếp với nước này thay vì đưa chủ đề Biển Đông ra các bàn đàm phán quốc tế đa phương.
    Hà Nội đang tích cực cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong các lĩnh vực khác để tránh đối đầu với Bắc Kinh thế nhưng theo Stratfor, nếu cứ tiếp tục giữ lập trường của mình về các vấn đề biển đảo, Việt Nam có thể sẽ bị Trung Quốc đối xử cứng rắn và buộc phải theo chân các nước láng giềng, chịu ngồi vào bàn đàm phán song phương.
    Tăng gấp đôi nỗ lực
    Lâu nay Việt Nam đã thực hiện việc xây dựng, cải tạo các đảo mà Việt Nam kiểm soát. Các đảo như Trường Sa Lớn, Song Tử Tây hay Sinh Tồn là nơi Việt Nam đã có quân đội đồn trú. Các nỗ lực này trong những năm gần đây được tăng mạnh.
    Hình ảnh so sánh cho thấy quy mô cải tạo đảo Trường Sa Lớn của Việt NamImage copyrightCSIS/AMTI
    Image caption
    Hình ảnh so sánh cho thấy quy mô cải tạo đảo Trường Sa Lớn của Việt Nam
    Trong hai năm trở lại đây, Việt Nam đã cơi nới thêm 50 hectare ở Trường Sa cho dù có kêu gọi của các bên dừng ngay việc cải tạo này để tránh gia tăng căng thẳng.
    Theo hình chụp từ vệ tinh, Việt Nam đã nối dài gấp đôi đường băng trên đảo Trường Sa Lớn từ 600 mét lên 1.200 mét, dựng thêm hai kho chứa máy bay trên con số hai kho đã có từ trước. Khi xong các công trình này, đa số chiến đấu cơ của không quân Việt Nam có thể đáp xuống đảo.
    Theo nguồn tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Hà Nội có thể sẽ điều tới đây máy bay do thám biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295.
    Mới nhất, không ảnh vệ tinh cho thấy Hà Nội đang cho nạo vét cải tạo Đá Lát cũng thuộc quần đảo Trường Sa.
    Trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Lớn có lẽ mang tính chiến lược quan trọng nhất.
    Đây là đảo lớn, đối với Việt Nam đóng vai trò tiền tiêu giống như đảo Thị Tứ đối với Philippines hay đảo Thái Bình (Ba Bình) với Đài Loan.
    Trường Sa Lớn nằm trên rìa phía Tây của đường chín đoạn mà Trung Quốc vạch ra để chiếm trọn Biển Đông. Bởi vậy nếu Việt Nam giữ được chủ quyền ở đảo này, đó sẽ là thách thức cho chủ quyền của cả đường chín đoạn.
    Stratfor cho rằng vì vậy, Việt Nam sẽ chú trọng tăng cường năng lực phòng thủ ở Trường Sa Lớn như một ưu tiên hàng đầu.
    Trung Quốc phản ứng thế nào?
    Tổ chức này đánh giá rằng thời gian hiện nay tình hình tranh chấp Biển Đông dường như đang yên ả, một phần vì Malaysia và Philippines đã ngả theo áp lực của Trung Quốc để tránh đối đầu và tranh thủ hỗ trợ.
    Tàu Coconut Princess của Trung Quốc đưa khách ra Hoàng SaImage copyrightXINHUA
    Image caption
    Tàu Coconut Princess của Trung Quốc đưa khách ra Hoàng Sa
    Trung Quốc một mặt gây áp lực với các nước trong khu vực, mặt khác hiện đại hóa quân đội, xây dựng cải tạo đảo của mình và phát triển công nghệ khoan sâu dưới biển.
    Stratfor nói sau phán quyết bất lợi của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc dường như từ bỏ thái độ hung hăng đe dọa mà chuyển sang cách tiếp cận mềm dẻo hơn: sử dụng ‘mồi nhử’ kinh tế và ngoại giao, kêu gọi hợp tác với một số nước trong khu vực trong khi giữ nguyên áp lực lên một số nước “cứng đầu” khác.
    Việt Nam được cho là trường hợp ngoại lệ, không giống như Philippines hay Malaysia đã phải ngả theo áp lực của Trung Quốc.
    Bắc Kinh xem việc Việt Nam cải tạo đảo là “khiêu khích”, nhưng không có cơ sở luật pháp hay chưa muốn sử dụng biện pháp quân sự để đối phó với Hà Nội.
    Để trả đũa, Bắc Kinh có thể tăng cường hiện diện ở Hoàng Sa hay tăng cường tuần tra ở Trường Sa, kêu gọi nhà thầu bên ngoài vào khai thác tài nguyên trong khu vực. Tuy nhiên trước khi làm những công việc này, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc kỹ hậu quả là khiến các quốc gia xung quanh trở lại nghi ngờ và lo sợ Trung Quốc, điều có thể có lợi trong tính toán của Việt Nam.
    Chia sẻ tin này Về mục Chia sẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề