Thị trường chứng khoán Việt Nam rúng động với nhiều cổ phiếu bất ngờ giảm sàn hàng chục phiên, trong đó có trường hợp bốc hơi cả ngàn tỷ đồng trong một thời gian ngắn gây chấn động các đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam.
Ngàn tỷ bốc hơi
Sáng 24/6, cổ phiếu JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật tiếp tục giảm sàn với dư bán trên 11 triệu đơn vị. Như vậy, đây là phiên giảm sàn thứ 10 trong 11 phiên kể từ ngày 10/6 cho đến nay.
Từ mức giá 21.200 đồng trước khi DN đối mặt với tin đồn, cổ phiếu JVC lao dốc chưa có điểm dừng xuống 10.600 đồng/cp với dư bán bình quân ở mức giá sàn là 12 triệu đơn vị. Lượng khớp trong các phiên giảm sàn đều rất thấp, đồng nghĩa với việc hầu hết các cổ đông, nhất là các NĐT nhỏ lẻ đã không thể thoát ra được.
Tính cho tới sáng 24/6, cổ phiếu JVC đã giảm tròn trĩnh 50%, tương đương với việc các cổ đông của DN này giảm hơn 1.270 tỷ đồng trong vòng đúng 2 tuần – một kỷ lục đáng buồn trên TTCK.
Cổ phiếu JVC bắt đầu rơi vào vòng xoáy giảm giá kinh hoàng với cả ngàn tỷ đồng giá trị vốn hóa bốc hơi sau khi có những tin đồn tiêu cực về DN này lan truyền truyền trên TTCK, mà sau đó phần nào đã trở thành sự thực.
Liên tiếp ba phiên trong tuần giữa tháng 6, cổ phiếu JVC đã giảm sàn liên tục với dư mua bằng 0 và dư bán có phiên lên tới 23 triệu đơn vị, tương đương 20% lượng cổ phiếu lưu hành của DN này.
Giống như một số trường hợp khác, ngoài tin đồn, trong một khoảng thời gian khá dài, không có một thông tin chính thức nào được công bố. Cho tới ngày 21/6, thông tin ông Lê Văn Hướng bị miễn nhiệm chức danh chủ tịch và giám đốc mới được đưa ra trên trang web của DN này và ngày 23/6 JVC công bố thông tin ông Hướng đã bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra làm rõ một số sai phạm cá nhân.
Thông tin “JVC vẫn đang hoạt động bình thường” lấp liếm trước đó với dấu công ty và chữ ký của chủ tịch Lê Văn Hướng vô hình chung đã trở thành một cái bẫy khiến JVC ngừng giảm sàn trong một phiên và cũng kịp để gần 12,5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá hơn 200 tỷ đồng.
Chấn động giới đầu tư
Trong bản tin trên website, JVC cho biết, ông Lê Văn Hướng, thành viên HĐQT, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc của JVC đang bị tạm giam để phục vụ điều tra, làm rõ một số sai phạm cá nhân.
Theo đó, trong thời gian này, ông Hướng không thể tham gia vào việc quản trị, điều hành hoạt động của công ty, cũng như nắm giữ các vị trí, chức danh như nêu trên. Vì vậy, HĐQT công ty đã họp và thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của ông Hướng. Ông Kyohei Hosono người Nhật được bầu làm Chủ tịch, trong khi ông Nguyễn Hữu Hiếu được bổ nhiệm chức vụ Giám đốc công ty.
Với rất nhiều NĐT, tâm lý chung vẫn là hoang mang. Tin vào sếp lớn vào DN uy tín, rất nhiều NĐT đã tan túi tiền, thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản. Cho tới thời điểm này, rất nhiều NĐT vẫn chưa thoát được ra khỏi JVC và không biết cổ phiếu này còn giảm thêm bao nhiêu nữa cho dù họ đã bị thâm thủng cả ngàn tỷ đồng.
Nhiều NĐT lên sàn kêu gọi các cổ đông khác đang nắm giữ JVC, các đội lái JVC và các CTCK đang call margin (bán giải chấp) ngừng các đặt lệnh bán để giảm thiệt hại, giảm áp lực lên chính những người đang cầm cổ phiếu JVC.
Không ít NĐT không khỏi bàng hoàng vì tin vào giá trị cũng như triển vọng của JVC. Hiện tại, vốn chủ sở hữu của JVC lên tới gần 1.900 tỷ đồng, giá trị sổ sách gân 17.000 đồng/cp. Điều đáng quan tâm là tiềm năng của JVC trong lĩnh vực y tế. Theo các NĐT này, yếu tố NĐT Nhật Bản – nước cung cấp ODA rất lớn cho Việt Nam – khiến cho JVC khác với các DN khác.
Hiện tại, DI Asia Industrial Fund (DIAIF) – một quỹ do 2 DN Nhật Bản là Dream Incubator và Orix Corporation thành lập, chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp tại Việt Nam, đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 21,8 triệu cổ phiếu, tương đương gần 19,4%.
Dream Incubator cũng đang sở hữu 5,8% cổ phần của JVC. Tổng cộng nhóm NĐT Nhật Bản này đang sở hữu hơn 25% cổ phần JVC. Với việc JVC mất 50% trong 2 tuần qua, các NĐT đến từ Nhật đã mất gần 300 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Hướng hiện đang sở hữu 11,9% so với mức 55% khi niêm yết.
Trước đó, giới đầu tư đã truyền tai nhau những thông tin tiêu cực về một dự án cung cấp thiết bị y tế mà JVC tham gia và trong nhiều ngày không có phản ứng từ JVC, đặc biệt là người đứng đầu – chủ tịch kiêm TGĐ Lê Văn Hướng.
JVC là một DN hoạt động trong phân khúc kinh doanh thiết bị y tế. DN lên sàn năm 2011 với VĐL 242 tỷ đồng. Trong 3 năm qua, JVC đã có nhiều đợt tăng vốn, nâng VĐC lên 1.125 tỷ đồng. Cổ phiếu này đã từng tăng lên 25.000 đồng/cp vào đầu tháng 2.
Trí Lê (VietNamnet)
Trả lời