Lễ cúng ông Táo 23 tháng Chạp cần chuẩn bị những gì?

Theo nghi lễ cổ truyền của dân tộc, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo các việc trong gia đình của một năm cũ.

Táo Quân (còn được gọi là Táo Công), là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua bếp.

Lễ cúng ông Táo được các gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng và coi trọng.

Lễ vật chuẩn bị cho cúng Táo quân gồm mâm cỗ mặn, bánh kẹo, rượu, trầu cau, hoa quả. Cùng với đó là 3 bộ mũ áo.

Hai mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà. Cùng với đó là hia hài Táo quân cùng vàng nén.

Khi mua  cần lưu ý màu sắc của mũ, áo hay hia ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành.

Chẳng hạn: Năm hành kim thì dùng màu vàng

Năm hành mộc thì dùng màu trắng

Năm hành thủy thì dùng màu xanh

Năm hành hỏa thì dùng màu đỏ

Năm hành thổ thì dùng màu đen.

Lễ vật cúng ông Công, ông Táo ở 3 miền đất nước cũng khác nhau.

Người miền Bắc thường cúng cá chép còn sống thả trong chậu nước, với ngụ ý “cá hóa long” – cá sẽ biến thành rồng đưa ông Táo về trời.

Miền Trung thường cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Ở miền Nam thì đơn giản hơn, người ta chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Theo tục xưa, riêng đối với những nhà có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa.

Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng thượng đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực và sinh khí hiên ngang.

Mâm cúng ông Táo thường có các món như sau:

1 đĩa gạo

1 đĩa muối

5 lạng thịt vai luộc

1 bát canh măng

1 đĩa xào thập cẩm

1 đĩa giò

1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống)

1 đĩa xôi gấc

1 đĩa hoa quả

3 chén rượu

1 quả cau, lá trầu

1 lọ hoa cúc

1 tập giấy tiền, vàng mã, bỏng gạo, cháo hoa…

Lễ cúng tiễn đưa ông Táo chầu Trời thường được cúng vào tối 22 tháng Chạp Âm lịch hàng năm.

Người ta quan niệm, lễ cúng ông Táo cần phải được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa 23 tháng Chạp.

Nếu gia chủ có ban thờ Táo quân đặt gần bếp thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không có thì thắp hương ở ban thờ gia tiên.

Sau khi bày biện đồ lễ, gia chủ thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn thì thắp thêm một tuần hương nữa để lễ tạ.

Xong xuôi các công đoạn đó, đồ vàng mã được đem đốt cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta lập bài vị mới cho Táo Công, thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để cá chở ông Táo lên chầu trời.

Sự tích Táo Quân theo dân gian

Có một người đàn ông tên Trọng Cao, vợ tên là Nhi, hai vợ chồng ăn ở với nhau rất lâu nhưng không có con nên sinh ra buồn phiền và hay cãi cọ nhau.

Một hôm, ông Trọng Cao giận quá đánh vợ, bà vợ bỏ nhà ra đi và sau đó gặp và bằng lòng lấy một người đàn ông khác là Phạm Lang làm chồng.

Khi Trọng Cao hết giận vợ mới nghĩ lại là mình có lỗi và đi tìm vợ. Khi đi tìm thì tiền bạc mang theo đều tiêu hết cho nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin.

Trọng Cao tình cờ đến ăn xin ở nhà Phạm Lang thì Trọng Cao và bà Nhi nhận ra nhau và bà Nhi rước Trọng Cao vào nhà.

Hai người kể lại câu chuyện xưa và bà vợ tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng.

Bấy giờ, Phạm Lang bỗng quay trở về nhà khiến bà Nhi lo sợ người chồng bắp gặp Trọng Cao nơi đây thì khó mà giải thích nên bà Nhi mới bảo Trọng Cao chui vào ẩn mình trong đống rơm ngoài vườn.

Phạm Lang về nhà liền đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng, còn Trọng Cao thì không dám chui ra nên bị thiêu chết.

 Bà vợ trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao bị chết theo sự sắp đặt của mình nên đã nhào vào đống lửa đang cháy để chết theo.

Khi Phạm Lang ra vườn thấy tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết cũng không biết phải làm sao, rồi cũng nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Linh hồn cùa ba người được lên thượng giới và Thượng Đế cho rằng ba người đều có nghĩa cho nên sắc phong cả ba làm Táo Quân, gọi chung là Định Phúc Táo Quân, mỗi người giữ một việc.

Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp danh hiệu Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân.

Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa danh hiệu Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần.

Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa danh hiệu Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chánh Thần.

Theo Soha


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề