Việt Nam bị loại ở bán kết AFF Suzuki Cup: Khi ông Toshiya Miura im lặng

Không phải ai cũng tin chúng ta đánh bại Malaysia 2-1 ngay trên sân khách ở trận bán kết lượt đi nhưng chắc chắn không một ai nghĩ chúng ta thua đậm họ 2-4 ở bán kết lượt về. Ngay cả ông Toshiya Miura cũng không thể hình dung ra kịch bản cay đắng và đáng buồn như tất cả chúng ta vừa chứng kiến ở Mỹ Đình.

Làm sao có thể tin điều đó là sự thật sau tất cả những gì đội tuyển Việt Nam đã thể hiện dưới bàn tay chỉ đạo của Toshiya Miura. Ông đã làm được quá nhiều việc cho ĐTQG chỉ sau 7 tháng làm việc. Với Miura, lối chơi đặc trưng của đội tuyển đã được hình thành và định hướng hoàn toàn đúng đắn. Đấy là những pha phối hợp ít chạm ở đoạn ngắn. Lối chơi ấy phù hợp với tố chất khéo léo, kỹ thuật của cầu thủ Việt Nam.

Ông Miura cũng đã mạnh dạn trao cơ hội cho nhiều cầu thủ trẻ. Ông tạo cho họ niềm tin về sự bình đẳng giữa các cầu thủ. Ai chơi tốt sẽ được ra sân và ngược lại. Tên tuổi, thành tích quá khứ không quyết định hay chi phối những lựa chọn nhân sự của ông. Đấy là lí do vì sao ngay cả chân sút cỡ Công Vinh cũng từng bị ông cho ngồi dự bị ở trận ra quân gặp Indonesia. Ngay cả một Tấn Tài cần mẫn cũng không được đảm bảo một vị trí trong đội hình xuất phát.

Cách ông chạy cùng cầu thủ trong các buổi tập cũng khiến họ phải nể phục. Họ thấy ở ông một HLV có phong cách làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc nhưng vẫn gần gũi, cởi mở và công bằng. Nhờ thế, HLV Miura đã tạo dựng được uy tín với cầu thủ Việt Nam. Họ lắng nghe ông và làm theo những gì ông nói không chỉ đơn thuần như một sự tuân lệnh của “sếp” mà họ làm việc một cách tự nguyện, vui vẻ và tin vào tính đúng đắn của những việc mình làm.

Nhưng cho dù đã định hình được lối chơi cho ĐTQG, đã thắp lên ngọn lửa niềm tin cho các cầu thủ, đã kích thích được khát khao chiến thắng nơi họ thì có một việc mà ông Miura hay bất kỳ HLV nào khác cũng không thể làm được, đó là thi đấu.

Ông chỉ có thể truyền đạt tới họ các ý tưởng chiến thuật, hướng dẫn họ các bài tập chuyên môn, luyện thể lực…nhưng làm sao ông có thể cầm tay, uốn chân họ, bảo họ phải đá như thế này, thế kia. Hạn chế cỗ hữu của các hậu vệ Việt Nam vẫn là hay mất tập trung, hay mắc lỗi xử lý bóng cơ bản và không theo người sát. Hẳn là ông Miura đã biết, đã nhận ra điều đó nhưng vẫn chưa thể tìm ra giải pháp.

Cho dù ông có nhồi nhét vào đầu óc các cầu thủ rằng họ phải chạy chỗ thế này, phải xử lý bóng thế kia, phải đặc biệt chú ý đến vị trí thi đấu, phải theo người thay vì nhìn bóng…mà họ không đủ nhạy cảm, đủ tinh tế để thẩm thấu những gì ông nói thì ông cũng chịu.

Hãy nhìn cách Văn Biển xử lý tình huống dẫn tới bàn thua thứ 2. Hãy quan sát cặp trung vệ thường xuyên mất vị trí ra sao trong các tình huống Malaysia tấn công…chúng ta sẽ thấy vấn đề nằm ở chính bản thân họ chứ không phải người đã huấn luyện họ những tháng qua.

Đã không có những biểu hiện cảm xúc đặc biệt nào từ Toshiya Miura mỗi khi ống kính máy quay lia đến ông. Chỉ có sự im lặng bao trùm. Ông đứng im, không hò hét, không vung tay. Không phải vì ông không nhận ra vấn đề của tuyển Việt Nam là gì. Đơn giản vì ông không thể ra sân đá bóng thay các cầu thủ được.

Theo TTVH.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề