Giới chức Hoa Kỳ: Sự lên xuống của một châu Âu tự do tùy thuộc vào Ukraine

Một giới chức cấp cao của Hoa Kỳ hôm thứ Ba nói rằng vụ xung đột ở miền đông Ukraine đã trở thành chiến trường cho một châu Âu hòa bình và tự do.

Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Victoria Nuland nói tại một cuộc họp ở Viện Brookings có trụ sở ở Washington rằng: “Tất cả chúng ta đều biết rằng hôm nay, một châu Âu toàn diện, tự do và hòa bình lên hay xuống cùng với Ukraine. Tiền tuyến tự do của Ukraine cũng là của chúng ta.”

Washington và các đồng minh Âu châu đang đánh giá lại các phương án đối phó với sự can dự của Nga vào vụ xung đột, sau khi xảy ra nhiều vụ vi phạm lệnh ngưng bắn. Bài phát biểu của bà Nuland chứa một giọng điệu thách thức rõ ràng.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lời đả kích hôm thứ Hai, đổ lỗi cho phương Tây về sự gia tăng bạo động mới đây, và lên án quân đội Ukraine là hành động như một đội quân viễn chinh của NATO.

Ông Stephen Sestanovich, đại sứ lưu động của Liên bang Xô viết cũ, nói rằng bao trùm lên cuộc chiến chính trị giữa Moscow và Kiev là một vụ xung đột ngày càng tăng giữa Nga và NATO.

Ông Sestanovich nói với đài VOA: “Đó là một cuộc xung đột ngày càng kéo dài hơn và có khả năng gây thiệt hại hơn đối với tất cả các bên. Ông Putin đã tự thuyết phục bản thân và nay nhiều nhà lãnh đạo Tây phương đang thuyết phục bản thân họ rằng đây là một hình thức lằn ranh chia rẽ cơ bản ở châu Âu và không thể nào quay trở lại được.”

Bà Nuland nêu ra rằng các lực lượng liên minh nay được bố trí trên bộ, trên biển và trên không ở Ba Lan, Bulgari, và Rumani, và rằng đây là lần đầu tiên NATO đang nâng cấp khả năng củng cố nhanh chóng dọc theo rìa phía đông.

Bà nói tiếp: “Chúng ta phải thiết lập các trung tâm chỉ huy và kiểm soát ở tất cả sáu quốc gia tiền tuyến. NATO là một liên minh phòng thủ. Mục tiêu của chúng ta là ngăn chặn xâm lược. Nhưng nếu không làm được điều đó, chúng ta phải sẵn sàng.”

Hoa Kỳ và châu Âu đã áp đặt một loạt các biện pháp chế tài kinh tế ngày càng gay gắt đối với Nga vì sự hỗ trợ nước này dành cho các phần tử đòi ly khai đang chiến đấu ở miền đông Ukraine. Cả Kiev và Moscow cáo buộc nhau liên tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hồi tháng 9, 2014.

Theo lời ông Jeffrey Feltman, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, gần 50 thường dân đã thiệt mạng và 150 người khác bị thương nặng trong cuộc xung đột hồi tuần trước. Tổng cộng, đã có 5.000 người chết kể từ khi cuộc xung đột bùng ra.

Người thân của nạn nhân thiệt mạng do trúng pháo khóc thương tại một nghĩa trang ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine, 27/1/2015

Người thân của nạn nhân thiệt mạng do trúng pháo khóc thương tại một nghĩa trang ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine, 27/1/2015

Hoa Kỳ đã cáo buộc nhóm phiến quân ly khai được Nga hậu thuẫn về việc cố chiếm thêm lãnh thổ và mở rộng ranh giới kiểm soát của họ ngày càng sâu vào bên trong miền đông Ukraine.

Chế tài và các nỗ lực tiến tới hòa giải chính trị cho tới nay đã không đạt được kết quả.

Ông Sestanovich nói nhiều chuyên gia, kể cả chính ông, đã liên tục đánh giá thấp các tầm mức của cuộc xung đột. “Đối với tôi, điều hợp lý là ông Putin tìm cách giảm bớt xung đột và đối đầu với phương Tây. Ông thực sự được ích lợi gì qua điều ấy? Ông đã nhiều lần chứng minh là chúng ta sai.”

Giáo sư Aurel Braun của trường Đại học Toronto, chuyên về quan hệ giữa Nga và NATO, nói rằng Nga viện cớ sự bành trướng của NATO cho cuộc chiến đấu, nhưng ông cho rằng mối quan ngại chủ yếu của ông Putin là có một quốc gia Slav ở ngay biên giới Nga đã thành công trong việc trở thành một nền dân chủ Âu châu hiện đại.

Ông Braun cảnh báo rằng các biện pháp chế tài của phương Tây để đối đáp là chưa đủ. Ông nói: “Nga đã đề xuất một chính sách rất hung hãn và sai lầm đang được khích lệ không phải nhờ sức mạnh của Tây phương mà là được dung dưỡng bởi sự yếu đuối của Tây phương. Đó là một tình huống hết sức nguy hiểm và tôi nghĩ qua việc không có phản ứng lúc này, phương Tây có thể phải phản ứng một cách đau đớn và nguy hiểm hơn trong tương lai.”

Nga đã nhất mực cho rằng sức mạnh không thể giải quyết được vụ xung đột, và đã kêu gọi Kỉev thương lượng với các phần tử đòi ly khai. Phe nổi dậy, được sự yểm trợ của trọng pháo và các huấn luyện viên Nga, đã đề nghị Nga thu nhận vùng Donetsk ở miền đông Ukraine.

Năm 2014, Moscow đã sáp nhập nước cộng hòa tự trị Crimea ở miền nam Ukraine.

Ngay lúc này, những lời yêu cầu của Ukraine xin viện trợ sát thương của phương Tây đã không được đáp lại. Nhưng Thứ trưởng Nuland không dự báo chính sách của Washington sẽ đi về đâu.

“Điều chúng ta muốn nhìn thấy là bạo động chấm dứt vì thế chúng ta không phải đi đến điểm đó. Nhưng nếu sự tự chế mà những nước khác đã chứng tỏ không được đáp lại, thì rõ ràng chúng ta phải duyệt lại những gì chúng ta đang làm.”

Nhưng bà Nuland nói có một cách dễ dàng để chấm dứt bạo động, và để Moscow phục hồi quan hệ với phương Tây.

Bà nói: “Cách đó rất đơn giản. Ngay khi Nga để cho Ukraine kiểm soát biên giới quốc tế bên phía họ, và ngưng dung dưỡng cuộc xung đột, tình hình sẽ tốt hơn. Vũ khí và các chiến binh sẽ dừng lại, con tin sẽ trở về nhà, các biện pháp trừng phạt có thể bắt đầu được bãi bỏ, và cuộc chiến mà Moscow gọi là một vấn đề nội bộ của Ukraine sẽ thực sự trở nên là đúng như thế.”

Người thân của nạn nhân thiệt mạng do trúng pháo khóc thương tại một nghĩa trang ở thành phố cảng Mariupol, Ukraine, 27/1/2015.

Theo Voa


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề