Ghi theo lời kể của một bạn.
Tôi sang Ukraine từ năm 2007. Một ngày tháng chín năm đó người thân ở Ukraine gọi điện “em làm hộ chiếu đi rồi sang đây” và dặn thêm “đi giày thể thao, mang áo ấm, mì tôm, lương khô, càng nhẹ càng tốt”. Đa phần người Việt mình muốn được ra nước ngoài làm ăn chẳng thế mà hàng năm lượng kiều hối gửi về chiếm tới xấp xỉ 10 phân trăm GDP. Tùy từng hoàn cảnh từng người nhưng với tôi được ra nước ngoài làm ăn là điều mong mỏi.
Vậy là bắt đầu công đoạn làm hộ chiếu cũng lên tỉnh lên huyện, ra Hà nội khoảng 2 tuần sau trên tay cầm cuốn hộ chiếu trong lòng đầy hoan hỉ và tự hào. Tự hào quá đi chứ vì mọi khi đi đâu cũng chỉ có bằng lái xe mô tô và chứng minh thư bé tẹo ép plastic. Chứng minh thư thì nhang nhác như nhau: Sẹo hay nốt ruồi bên trái, phải trên dưới đôi lông mày, hầu như ai cũng vậy thì phải, chẳng khác gì đi khám bác sỹ “ồ anh chỉ bị máu nhiễm mỡ và huyết áp hơi cao”. Người thân của tôi dặn sẽ có người gọi điện đến, cứ như thế, như thế giống y như mưu kế Khổng Minh ghi trong phong bì.
Một người đàn ông gọi điện đến bảo tôi mang hộ chiếu cho họ. Bản chất là người nhà quê chất phác nhưng đầy sự nghi ngờ với thế giới bên ngoài nhất là dân thành phố. Lúc gặp họ nhìn họ thật oách ngồi chễm trệ trên chiếc Hon đa @ người đẹp đẽ thơm tho đúng là dân dịch vụ sạch từ chân lên đến đầu, chỗ nào hở ra là có phụ kiện đắp vào đó nào là điện thoại bao da găm vào đỉa quần có cái dây lưng bằng da đen xì vàng chóe, nào là đồng hồ, rồi dây chuyền, tóc vuốt keo. Tôi trộm nghĩ cũng phải thôi cái gì đi với cái đó, chân đất mắt toét như mình chỉ có dép lê oai lắm thì có đôi giày mũi nhọn, mà nhọn theo kiểu lỗi mốt.
Sau lúc ngần ngại tôi đưa hộ chiếu cho anh ta, hai tuần sau anh ta gọi đã làm xong thủ tục thu xếp ngày lên đường. Thủ tục là sang Matcova sau đó sẽ đi tiếp sang Ukraine. Sau khi thu xếp xong tôi ra sân bay họ hẹn tôi ở đó, hẹn 9h sáng nhưng đợi đến 13h chiều mới thấy họ đến, thời gian đợi chờ quả thật kinh khủng, nó như một cuộc sát hạch về tính kiên trì. Vừa hồi hộp, háo hức, lo lắng cộng với sự ngơ ngác khi lần đầu đi xa cứ làm tôi bải hoải, lóng ngóng. Sau khi trao đổi với một nhóm người tôi không biết và nói với họ “đây là người sang Nga trong chuyến bay cùng ông, ông giúp họ trên đường đi hộ tôi”. Lại đợi làm thủ tục. Những người gửi hàng sang Nga nhốn nháo chạy đi chạy lại thì thầm to nhỏ với mấy người làm Hải quan, cân đong đo đếm họ nhờ những người như tôi nào là xách hộ thùng chè và các thứ lặt vặt. Tôi đồ rằng họ mang quà sang Nga (sau này mới biết họ đánh hàng sang đó). Xếp hàng trước tôi là một cậu ngoài hai mươi, cái người mà được giao nhiệm vụ giúp chúng tôi trên đường đi dí thùng hàng vào tay cậu ta bảo mang giúp. Cô cân hàng ở băng chuyền hỏi “cái gì thế này?” Chủ hàng trả lời tỉnh queo “thịt chó làm rồi, ướp rồi để sang nấu rượu mận, mấy thùng mắm tôm người khác xách” hầu như đã quen với chuyện này cô hải quan cẩn thận dặn “gói cho cẩn thận vào nhá”. Đến lượt tôi anh ta cũng nhờ (tuy là nhờ nhưng thực ra tôi phải mang vì sợ nhỡ trên đường đi người ta không giúp thì khổ) mang một thùng hàng giống như thùng mì tôm. Cô cân hàng cũng hỏi “cái gì đây?” anh ta trả lời “thùng chè thôi” thấy tôi ngần ngại anh ta bảo “mang đi ông có mỗi cái túi bé tẹo thừa cân thì giúp tôi”. Cô cân ở băng chuyền bảo tôi “anh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nhé” ý nói là nếu có hàng quốc cấm thì tự chịu. Tôi tặc lưỡi “vâng” sau khi làm thủ tục xong xuôi tôi thở phào thế là chuẩn bị lên máy bay.
Khi lên máy bay có mấy người đến dặn từng người như tôi “khai trong cái tờ giấy vàng vàng là đi du lịch nhé”. Mười tiếng sau máy bay hạ cánh xuống sân bay lạ hoắc lạ hơ, một cái xe có đèn nhấp nháy làm hoa tiêu cho máy bay đỗ vào chỗ quy định, máy bay dừng hẳn mọi người lục tục xuống để vào sân bay. Một người Việt Nam hướng dẫn chúng tôi dạt sang một bên như thời kỳ tem phiếu đến cửa hàng bách hóa mà không quen nhân viên, uh thì đợi. Xếp hàng cùng chúng tôi già có, trẻ có, những người như tôi và những người đã sống lâu năm ở Nga. Người đóng dấu nhập cảnh là một phụ nữ to béo, họ thỉnh thoảng nói chuyện với nhau, ném cái nhìn khinh khỉnh đoàn người trước mặt, thực sự trong tôi có cảm giác thà ở nhà còn hơn. Mãi rồi cũng đến lượt, cô ta nhìn mặt cho có lệ vì có vẻ đã quá quen với những trường hợp này. Hộ chiếu của tôi cũng được đóng dấu. Ra ngoài đã thấy mấy người đàn ông đợi chúng tôi ở đó. Một chị lớn tuổi nói vống lên “đm nó cứ hỏi linh tinh mình vừa về cách đây năm tháng, khẩu còn mới tinh thế mà chúng nó đòi phải nộp cho nó 50 xanh mặc cả mãi còn bốn chục” tôi tự an ủi chị ấy sang lâu năm như thế còn vậy huống gì mình. Mấy anh dẫn “tiểu đội” chúng tôi gồm 4 người tiến ra bãi đỗ xe, ở đó đã thấy lỉnh kỉnh nào túi nào hộp, trời bắt đầu se lạnh tôi run run, anh chở tôi về bảo “thời tiết này mát mẻ, bọn em mới lần đầu sang mới run thôi, bọn anh ở đây quen rồi”. Anh ấy có cái xe Lada 2107 loại xe dành chở Bộ trưởng trong thời kỳ bao cấp. Cốp xe được mở và các thùng hàng và túi dứa được tống vào đó. Tôi ngồi vào xe đằng sau cũng lỉnh kỉnh thùng và túi, mùi xin xỉn bốc ra từ những thùng đó. Anh lái xe nói chuyện với bạn “mẹ đặt 15 cân thịt chó mà chúng nó chỉ mang có một yến, hôm nọ đi thế đ… ịt nào vỡ mẹ lọ mắm tôm rửa xe ốm cả người”.
Quãng đường từ sân bay về chỗ tá túc khoảng 40km, trên dọc đường thỉnh thoảng có cô Tây đứng vẫy vẫy. Anh lái xe bảo “sang đây ở lâu không? Mấy em cave đấy, khi nào thằng H (tôi chẳng biết H là ai) nó dẫn đi cho biết mùi Tây”. Sau gần tiếng cũng đến nơi, ở ngoài có cái cổng sắt to tướng được bịt kín bằng những tấm tôn. Một cậu trẻ sinh năm 82 kém tôi vài tuổi đứng sau lần cổng đón chúng tôi. Anh lái xe bảo “anh giao cho chú nhé, hết nhiệm vụ”. Sau này tôi hiểu là những người như tôi phải mang hàng cho họ và họ có trách nhiệm chở chúng tôi về ký túc xá.
Cậu làm kho (nơi chứa những người như chúng tôi) tên S, có làn da xanh mai mái người Nam Định, lịch sự dẫn chúng tôi đi theo hành lang dài đến phòng gần cuối. Sau này cậu S kể cậu cũng chẳng có giấy tờ gì, sống ở đây coi kho giúp “đường dây”. Cậu ta kể mưu mẹo bắt chim bồ câu và hồ hởi “các ông chưa ăn tiết canh chim bồ câu nên chưa biết được cái ngon của nó”. Rồi những cách dùng điện không mất tiền và lằng nhằng toàn chuyện đường phố. Tổng kết lại là người Việt Nam mình ai cũng khôn và thông minh.
Căn phòng khoảng 18 mét vuông khép kín được làm thêm gác xép, trong đó có tivi, lò viba, bồn tắm và toilet. Đoàn chúng tôi 4 người đến đầu tiên, tôi chắc mẩm “cũng rộng rãi thoải mái đấy chứ”. Cậu S lẩm bẩm, tý nữa lại đón mấy đoàn, tôi giật mình hỏi “có nhiều người ở đây không em?” Cậu ta cười “anh cứ ở đi, khi nào đủ người thì biết ngay ý mà”.
Sau đó từng đoàn người đủ các loại vùng miền được đưa vào đó, tổng cộng có khoảng 18 người. Họ đi đủ các nước, Ukraine, Balan, Cezch thậm chí là Đức, Hungari. Sau khi đón đủ người những người đàn ông leo lên gác xép ngủ còn bao nhiêu ở dưới ngủ trên một tấm dát giường được đóng cao như Pallet, ở dưới là chỗ để giày dép, đồ đạc chẳng có mấy vì ai cũng đều phải gọn nhẹ để đi. S thu hết hộ chiếu của mọi người với lời giải thích “nếu trên đường vượt biên công an bắt họ sẽ không trục xuất được vì chẳng biết mọi người ở đâu, đường dây sẽ kéo ra ngoài và trở lại đây. Khi nào đến nơi an toàn sẽ gửi hộ chiếu đến đó”. Ngày hôm sau thêm 2 người nữa được nhập vào kho, hai cậu nghe nói là đi Hàn Quốc về và bảo sang Đức, gớm hai cậu mang hai vali to tướng. Cậu S bảo hai anh xem thế nào bỏ vali đi vì phòng thì bé đồ các anh cồng kềnh lấy đâu ra chỗ mà để. Hai cậu bảo thì vài hôm chúng tôi bay sang Đức rồi. S cười ngặt nghẽo “đã vào đây thì chỉ có bay về Việt nam hoặc là bay lên trời, làm gì có chuyện bay sang Đức”. Hai cậu bảo “đường dây làm thẳng cho chúng tôi sang Đức mà”. S bảo “nếu làm thẳng thì bay luôn chứ vào kho làm gì?”. Ngày hôm sau hai cậu liên tục gọi điện về bảo gia đình đến hỏi dịch vụ. Người nhà trả lời “cứ tạm thời ở đó rồi họ sẽ lo”.
Một đêm qua đi, ai cũng lo lắng bồn chồn chẳng ngủ được, sáng dậy không thấy người trông kho đâu, cửa thì khóa ngoài. Mọi người buồn mở tivi và nhìn ra ngoài trời bằng cái ô cửa sổ bé tý như cái máy tính bảng, ồ tuyết bắt đầu rơi, người nọ thì thầm với người kia, lần đầu tiên thấy tuyết ai cũng tranh thủ ngó một tý. Rồi người coi kho cũng về, mang về cơ man nào là bắp cải, gạo và lạc. Mọi người lục tục nấu ăn thực đơn gồm có bắp cải luộc, lạc rang muối. Mọi người vui vẻ ngồi vào mâm. Lần đầu tiên luộc bắp cải châu Âu (gọi là bắp cải đá) nên không có kinh nghiệm ăn mà cứ như nhai cành khô trong miệng, chỉ chan nước. Chiều thực đơn cũng lại lạc rang muối, bắp cải luộc. Sang ngày thứ hai một chị người Hải Dương bảo “ăn thế này cũng tốt rồi” một người nhanh miệng bảo “sao hôm nay em thấy chị đứng liêu xiêu thế?” Mọi người bàn nhau “ăn thế này sao chịu nổi rồi đến khi đi làm sao có sức”. Mọi người góp tiền mua thêm trứng, dầu ăn và nước mắm. Trứng 1 USD 1 quả, nước mắm 10 USD một chai, dầu ăn cũng 10 USD, gọi điện 1 USD 1 phút.
Ở kho thỉnh thoảng có cậu tên Hưng người Nghệ An ghé qua, cậu ta cùng em gái sang Đức, em gái ở chỗ khác nhưng đã ở Nga tới 8 tháng. Hưng bảo “em thâm niên còn ít, có những người phải ở Nga đến gần 2 năm nhưng chưa đi được. Ở kho khác có mấy người ngồi trước hành lang, người gầy quắt queo, chân run lẩy bẩy. Em đã đi 1 tuần nhưng không vượt được lại phải quay về đây.
Tiểu đội chúng tôi chung một đường dây sang ngày thứ ba người coi kho bảo những người của nhà… chuẩn bị hành lý lên đường. Chở chúng tôi trên chiếc xe cà tang Lada là một đôi tình nhân người Nga, to lớn. Chúng tôi được họ chở đi qua thành phố, mỗi lần qua cảnh sát giao thông, người phụ nữ ấn đầu chúng tôi xuống, chúng tôi cúi thấp và ngả rạp như lúa bị gió xoáy. Rồi cũng đến nơi cần đến đó là một nhà xưởng nửa như nhà hoang nửa có người. Xưởng này làm toàn bộ bằng gỗ, tôi đếm phải đến 1000 mét vuông mặt bằng. Xung quanh được bịt kín bằng gỗ, ở đầu xưởng có xây ngôi nhà bé bằng gạch. Toilet không có (vì nó bị hỏng, bẩn kinh người), nhà tắm lạnh ngắt. Ở đó có cả dòng chữ nguệch ngoạc ghi “Tôi đã từng ở đây: Dũng”. À hóa ra ở đây cũng đã có người VN. Sống trong ngôi nhà xây ở đầu là nhóm người Ajezbaizan ai cũng vàng chóe răng vàng, họ thường rủ anh bạn cùng đi uống rượu. Sau đó anh này bị mấy người Nga cốc vào đầu vì lý do an toàn. Nói chung dân ở đâu cũng thân thiện và tốt như nhau.
Chúng tôi ở đó ba ngày và lên xe vào một buổi tối, xe cứ thế chở chúng tôi về biên giới Nga – Ukraine. Sáng hôm sau chúng tôi xuống đến nơi. Đó là một ngôi nhà của người Nga ở ven rừng, tại đó có đủ các quốc tịch: Băng la đét, Iran, Syria, Libia và Việt Nam. Có 3 người Việt nam quê Hải phòng đã đến đó trước chúng tôi 2 ngày. Họ sang Kiev đoàn tụ với bố mẹ. Người chị 25-26, cậu em 22 và thêm cô em họ lanh chanh cũng tầm tuổi đó. Người Việt Nam gặp nhau thật vui ba chị em kể “Em ở đây 2 ngày rồi, hôm qua đi nhưng không thành đành quay lại, gần sáng mới về đến đây”. Cậu em kể “Mấy thằng này (chỉ sang nhóm người Băng la đét) bẩn tính vô cùng, chúng nó toàn xin đồ ăn của mình, đồ ăn của chúng thì dấu đi, đi vệ sinh toàn lấy tay rửa rồi cầm cả cái ca cho vào thùng nước uống”.
Lúc 7 giờ tối chúng tôi lên chiếc xe chở lợn bịt bùng, chẳng biết nó chở chúng tôi đi đâu, xe dừng lại bên bìa rừng, ở đó có người dẫn đường. Cuộc hành quân bắt đầu chúng tôi và đoàn người đủ loại quốc tịch sang đủ các nước châu Âu, luồn rừng, băng qua con đường nhựa và tiến vào rừng, qua cánh đồng, hình như họ mới gặt, những đụn rơm lúa mì cao như trái núi, có lúc phải lội nước bì bõm. Đến 1 điểm tập kết mọi người dừng lại, im lặng như tờ, chỉ nghe tiếng thở. Người dẫn đường cưỡi con ngựa to lớn mà lần đầu tiên tôi mới nhìn thấy đi dò đường xem có an toàn không. Khoảng hơn tiếng sau người đó quay lại và tiếp tục lên đường, cứ thế đoàn người vượt rừng trong đêm, nhiều người mỏi mệt đi chậm con ngựa đằng sau chúi mõm vào ba lô, vào lưng thúc giục chúng tôi đi nhanh. Rồi chúng tôi đến 1 bờ tường hình như ở đây là biên giới hai nước, ở đó co 2 người đàn ông đứng đợi. Đi một đoạn, người dẫn đường nói tôi chỉ nghe được từ “Ukraine” tôi đoán là họ bảo đây là địa phận Ukraina. Đoàn người tiếp tục đi đằng sau là hai người dẫn đường nửa tỉnh nửa say liên tục dùng gậy vụt vào balo vào những người đi chậm, đoàn người lội qua 1 con suối lạnh ngắt và cứ thế đi cho đến 8 giờ sáng hôm sau thì dừng lại trong rừng. Một kỷ lục đi bộ tới hơn 10 tiếng đồng hồ liên tục. Mọi người đốt lửa sưởi ấm có người ẩu đoảng hơ tất chân bị ướt cháy xém cả. Đoàn người vừa đói vừa mệt. Người dẫn đường đi một lúc và quay lại với mấy quả táo dại bẻ cho mỗi người một nửa, với chai nước đục ngầu như vừa lấy dưới suối. Mọi người ăn táo ngon lành nhưng nước thì xin kiếu. Ông ta ra hiệu “nham nham” “ngoàm ngoàm” tay vân vân như kiểu tiền tiền. Mọi người góp những đồng đô la lẻ nhờ ông ta mua đồ. Lúc sau ông ta quay lại với bánh mỳ, giò tây và nước hoa quả gọi là “nước sốc”. Ngồi ở rừng cho đến 4 giờ chiều thì có chiếc xe thùng Gazen đến đón. Mọi người lục tục chui vào chiếc xe đó. Xe chạy khoảng 3 tiếng thì đến điểm tập kết ở đó đã có mấy xe ô tô hiệu Camry tôi nhanh chóng được tống vào cốp sau nằm trong đó, ba người ngồi trong xe, lại chạy lại đến điểm tập kết. Ở đó có một anh người Việt đón chúng tôi “chúc mừng các em đã đến nơi an tòan” lúc đó tôi mới thấy tự tin và ấm áp. Xe chạy trong thành phố anh nhắc chúng tôi chỉnh lại áo khoác “các em cứ bình thường như đang đi chơi vậy” mọi việc an toàn, chúng tôi đươc gửi vào nhà một cô. Gia đình cô chỉ có hai mẹ con, trước cô bán cà phê Trung Nguyên ở Hà nội sau cô sang bên này, con trai cô học trường hàng không (hay học đại học gì đó tôi đã quên). Cô là họa sĩ. Tôi nhớ con trai cô tên là Th… Chúng tôi ngủ ở đó một đêm, chiều hôm sau chúng tôi được đón tới nhà anh hôm qua đã đón chúng tôi, ăn bữa cơm có dồi lợn, cả nhà vui vẻ sau đó anh đưa chúng tôi lên xe buýt. Tôi vẫn còn nhớ tên anh. Trước khi lên đường Th dúi vào tay chúng tôi 20 gripna.
Chặng đường đi Ukraine thật vất vả nhưng như vậy cũng là may mắn. Các bạn sang châu Âu có giống tôi không?
Thanh Trúc thực hiện
Đặng thương em gái vượt biên
Bão táp nào xô em tới đây?
Sao liều quá vượt biên dài vạn dặm
Đường vùng biên lắm sình lầy hoang vắng
Lắm sói gầy cọp đói lắm mưa rơi!
Có điều chi uẩn khúc trong đời?
Hay nghèo khó phải tìm đường lặn lội
Không việc làm chẳng biết đường vươn tới
Hay chuyện buồng the chăn gối phôi pha?
Quê em ở đâu, cha mẹ làm chi?
Muời tám đôi mươi đã biết những gì?
Mái tóc còn xanh đôi mắt đà khó hiểu
Em nhìn tôi giọt lệ níu bờ mi!
Dừng lại nơi đây hay em vẫn còn đi?
Đường còn dài lắm rừng thiêng nước độc
Em vẫn còn đi chẳng sợ sờn mái tóc
Vượt mâý biên thùy có tới được Pari?
Đặng thương em tôi chẳng biết nói gì
Nhìn đôi mắt mà nghẹn ngào giọt lệ
Hỏi chuyện em em chỉ nhìn chẳng kể
Nát sợi tơ lòng em có hiểu tôi không!