Trong năm 2014, trên chính trường châu Âu đã xảy ra nhiều biến động, sự đi xuống của cả lực lượng cánh tả và trung hữu, nhất là sự gia tăng ảnh hưởng của các đảng phái cực hữu, cực đoan. Dấu hiệu này cho thấy, sự trỗi dậy của tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc, chống hội nhập tại châu Âu.
Mối nguy đang rình rập châu Âu
Tại cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tháng 5 vừa qua, các đảng cực hữu và chống hội nhập châu Âu đã giành thắng lợi lớn vượt ngoài nhận định (140/751 ghế). Trong đó, Đảng Mặt trận quốc gia (FN) cực hữu ở Pháp và đảng Độc lập (UKIP) ở Anh giành được nhiều phiếu nhất. Riêng đối với FN, tỷ lệ 25 ghế giành được tại Nghị viện châu Âu lần này vượt xa so với 3 ghế năm 2009. Đặc biệt, kể từ những cuộc bầu cử châu Âu đầu tiên vào năm 1979, đây là lần đầu tiên hai chính đảng lớn nhất của Pháp là Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) trung hữu và đảng cánh tả Xã hội (PS) cầm quyền bị một đảng cực hữu đánh bại.
Mặc dù chưa đủ để có tiếng nói quyết định tại thể chế quan trọng này của châu Âu, nhưng các đảng phái cực hữu, chống hội nhập châu Âu sẽ gây sức ép lớn đối với các chính đảng cánh tả và trung hữu khác. Theo ông Martin Schulz, cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu, “chiến thắng của FN là một sự tồi tệ đối với EU, khi một đảng theo tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại giành được tới 25% phiếu ủng hộ”. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank-Walter Steinmeier thì nhận định, chiến thắng của FN là một dấu hiệu “nghiêm trọng. Nhiều phe phái chống châu Âu, dân tộc chủ nghĩa đang tiến vào Nghị viện châu Âu”.
Tại các nước như Anh, Đan Mạch, Pháp, Đức,.. uy tín của các đảng theo xu hướng dân tộc cực đoan còn vượt trên một số đảng khác. Ở Pháp, tại cuộc bầu cử địa phương tháng 3-2014, FN đã thu được thắng lợi lớn khi giành được 11 vị trí Thị trưởng, hơn 1.500 ghế tại các Hội đồng địa phương và đã bắt đầu tạo dựng cơ sở ở các địa bàn. FN giờ đây không phải là lực lượng xem thường mà có vị trí như lực lượng chính trị thứ ba tại Pháp, sau Đảng Xã hội (PS) cánh tả và Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) trung hữu. FN còn đang đưa ra chiến lược lâu dài nhằm mục đích nắm giữ quyền lực cao nhất trên chính trường Pháp.
Ở Anh, Đảng Độc lập (UKIP – có khuynh hướng bài châu Âu), cũng giành chiến thắng lớn nhất, với 28% phiếu bầu, vượt cả đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron và đảng Lao động đối lập. Đây là bước ngoặt đối với UKIP, bởi hiện không có ghế nào tại Quốc hội Anh. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn một thế kỷ mà đảng Bảo thủ hoặc đảng Lao động không thắng trong một cuộc bầu cử cấp quốc gia. Lãnh đạo UKIP tuyên bố, đảng này đang trên đà để góp mặt nhiều nghị sĩ trong quốc hội Anh. Thủ tướng Anh Cameron phải thừa nhận, các cử tri đang có sự bất mãn sâu sắc đối với châu Âu và thông điệp của họ đã được gửi tới các chính khách bằng những phiếu bầu.
Thêm những lo ngại tại Đan Mạch và Áo, nơi phe cực hữu đạt số phiếu bầu khá cao. Ngay cả ở Đức, quốc gia đầu tàu của EU, đảng chống châu Âu AfD cũng giành được 6% phiếu bầu. Nhiều cuộc tuần hành của những phần tử cực đoan tại Đức trong năm qua càng khiến châu Âu lo ngại. Vào tối thứ hai hàng tuần, hàng nghìn người thuộc đảng AfD tuần hành mang theo cờ Đức và khẩu hiệu chống người nhập cư, chống người Hồi giáo. Tháng 12 này, ở Đức còn rộ lên các cuộc tuần hành của hàng chục nghìn người thuộc phong trào mới PEGIDA (quy tụ các thành phần cực hữu và lôi kéo nhiều người khác tham gia).
Tại Đức, ước tính có tới hơn 20.000 phần tử cực hữu đang hoạt động, trong đó 25% là phần tử phát xít mới. Theo bà Magali Balent, Giám đốc Viện Robert Schuman, các nhóm cực hữu, cực đoan đang muốn thu hút sự chú ý bằng cách gây ra các vụ việc tại châu Âu, nhằm gây mất ổn định và tạo cơ hội liên kết.
Nhiều người gốc Do Thái trở thành mục tiêu của các vụ tấn công. Nhiều nhà thờ, cửa hàng cửa hiệu của người Do Thái tại Pháp, Đức, Bỉ, Italia, Hà Lan bị đốt phá. Điển hình, vụ một tay súng người Pháp gốc Angiêri, Mehdi Nermmouche, xả súng làm 4 người gốc Do Thái thiệt mạng ngay trước cửa Bảo tàng Do Thái ở Bruxelles (Bỉ) tháng 5-2014.
Tại Hungary, Phong trào Jobbik cực đoan cũng là đảng lớn thứ ba ở nước này và có một số ghế trong Quốc hội. Ở Ba Lan, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, các phần tử cực đoan cũng đang hướng theo hoạt động tương tự Jobbik.
Còn tại Ucraina, tiếng nói của đảng Cánh hữu (Right Sector) và Tự do (Svoboda) mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cũng đang ngày càng có trọng lượng đối với chính quyền nước này.
Nhìn vào thực tế này có thể nhận thấy, xu hướng chống châu Âu, cực đoan, bài ngoại dần hiện rõ và đã thể hiện một vị thế trong Nghị viện châu Âu, làm thay đổi cục diện chính trị chung của châu Âu. Đặc biệt, những “con số biết nói” cho thấy, ngày càng có nhiều cử tri không tin tưởng vào một EU nhất thể hóa, một ngôi nhà chung, cũng như tương lai của khối này.
Lý do lực lượng cực hữu tại châu Âu gia tăng
Cả Liên hiệp châu Âu đang ngập chìm trong khó khăn, trên cả phương diện chính trị, ngoại giao, nhất là về kinh tế – tài chính nhằm duy trì đồng tiền chung euro. Sự sụt giảm kinh tế khiến đời sống người dân thêm chật vật. Thất nghiệp gia tăng. Làn sóng nhập cư vào EU không giảm. Những yếu tố đó khiến lớp trẻ châu Âu thêm bất mãn, nảy sinh tư tưởng bài ngoại, gia nhập các nhóm cực đoan, chống người nước ngoài…
Theo nhiều nhà phân tích, chủ nghĩa dân tộc mới đang hình thành tại châu Âu cũng là một trong những nguyên nhân. Cùng với đó, không ít chính phủ cánh hữu đổ trách nhiệm “gây ra kinh tế suy thoái, xã hội mất ổn định” là do người nhập cư, đồng thời áp dụng biện pháp cứng rắn đối với người nhập cư Hồi giáo… Hơn nữa, ngày càng nhiều người châu Âu cho rằng “người nhập cư đang xâm nhập văn hóa và chiếm công ăn việc làm của họ”. Những tư tưởng như vậy góp phần nảy sinh và gia tăng thành viên ở những đảng phái cực đoan, chống người nhập cư như: Liên minh phương Bắc (Legard Nord) ở Italia, Đảng Vlaams Belang (Bỉ), đảng Nhân dân ở Áo; tổ chức Bình minh vàng ở Hy Lạp, Đảng Độc lập của Anh, đảng Thuần Phần Lan ở Phần Lan, phong trào Cách mạng thanh niên quốc gia (JNR) ở Pháp, Đảng Tự do (PVV) của nghị sĩ Hà Lan chống Hồi giáo Geert Wilder…
Trong năm qua, ngày càng có nhiều cử tri châu Âu từ quan điểm bảo thủ chuyển sang dân tộc, cực đoan. Đáng báo động là chủ nghĩa cực hữu, cực đoan đã được hình thành từng bước và đang gây dựng lực lượng trên toàn châu Âu. Thêm nữa, Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, Lamberto Zannier, còn nhận định, tình trạng căng thẳng giữa Phương Tây và Nga cũng đang góp phần tạo cơ hội cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, cực đoan ở châu Âu.
Hành động của các nhà lãnh đạo châu Âu
Thực tế đáng báo động này đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo EU và lãnh đạo mỗi quốc gia thành viên. Nếu tình trạng như hiện nay tiếp diễn sẽ càng cổ vũ cho những nhóm có tư tưởng chống hội nhập châu Âu hay không muốn tồn tại thể chế EU, hoài nghi về tương lai của châu Âu. Việc điều chỉnh chính sách định hướng cho EU thời gian tới càng cấp bách hơn bao giờ hết. Và, cho dù các đảng phái có khuynh hướng bài châu Âu giành thắng lợi ở nhiều nước, song người dân EU vẫn hy vọng vào những chương trình hành động thực sự của các nghị sĩ thuộc các đảng ủng hộ châu Âu với tỷ lệ đa số tại Nghị viện châu Âu. Đó là chương trình cải cách kinh tế, biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm để dần lấy lại uy tín của đông đảo cử tri.
Đối với châu Âu, 2015 vẫn là năm có nhiều mối nguy rình rập, khi vừa phải đối mặt với nỗi lo khôi phục kinh tế, vừa phải đối mặt với sự lớn mạnh của các đảng phái cực hữu, chống hội nhập châu Âu.
Nguồn: Báo Nhân dân
Trả lời