2 con tin bị sát hại – Nhật Bản sửa đổi chính sách đối ngoại?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định sẽ “không nhượng bộ trước những kẻ khủng bố” vì đã hành quyết con tin nước này.

Thông tin về vụ con tin thứ 2 của Nhật Bản là nhà báo Kenji Goto bị IS sát hại ngày 1/2 là cú sét và cũng là một thách thức chính trị cực lớn với chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản.

Theo hãng tin BBC, vụ Kenji Goto nêu ra nhiều câu hỏi về sự an toàn của công dân Nhật trong và ngoài nước trong tương lai, mức độ ủng hộ của công chúng đối với chính sách đối ngoại chủ động và các triển vọng lập pháp 2015 nhằm cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật bản (SDF) đóng một vai trò tích cực hơn ở nước ngoài.

Người dân Nhật Bản vừa trải qua 2 cú sốc về tinh thần, cũng như khoảng thời gian đằng đẵng và nặng nề khi 2 công dân của họ cuối cùng cũng bị Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sát hại dã man, bất chấp các nỗ lực đàm phán thương thuyết.

Chính cuộc khủng hoảng con tin này đang đặt ra thách thức cho chính sách của ông Abe trong tương lai cũng như đặt ra bài toán cho người dân Nhật… Đồng ý hay không đồng ý tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài dù là tối thiểu? Điều này đồng nghĩa với việc giải thích lại khái niệm hòa bình trong Hiến pháp 1947 của Nhật Bản.

Không từ bỏ cuộc chiến chống khủng bố

Từ trước Nhật Bản đã tỏ rõ lập trường của mình rằng sẽ không bao giờ khuất phục trước khủng bố. Điều này được nhấn mạnh lại trong trong buổi họp 1/2 với Hội đồng an ninh Quốc gia Nhật Bản, Thủ tướng Abe nói thêm rằng Nhật Bản có trách nhiệm lớn đối với cộng đồng quốc tế trong việc đấu tranh chống khủng bố. Nhật Bản vẫn tiếp tục mở rộng hoạt động nhân đạo như cung cấp thực phẩm, thuốc men cho những người dân tị nạn tại Trung Đông.

Như vậy, trong những trường hợp cụ thể Nhật Bản sẽ đưa ra những chính sách phù hợp với chính sách ngoại giao của mình, phù hợp với lợi ích quốc gia, ngay cả trong những trường hợp khẩn cấp nhất. Tuy nhiên, sau vụ việc hai con tin bị hành quyết, Nhật Bản sẽ tích cực hơn trong cuộc đấu tranh chống khủng bố.

Người dân Nhật bản giơ biểu ngữ "Kenji Goto: không gây chiến" sau khi nhà báo Goto bị IS sát hại (ảnh: EPA)

Người dân Nhật bản giơ biểu ngữ “Kenji Goto: không gây chiến” sau khi nhà báo Goto bị IS sát hại (ảnh: EPA)

Nhìn lại lịch sử, từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, người dân Nhật bản luôn tỏ rõ sự ác cảm với ý kiến tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài, và phản ứng quyết liệt với những sự hỗ trợ của chính phủ dành cho Mỹ và liên quân trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài.

Cựu Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đã cung cấp sự hỗ trợ mạnh mẽ về hậu cần, tài chính cho nỗ lực tái thiết Iraq của liên quân do Mỹ đứng đầu. Năm 2004, ông từ chối yêu sách của khủng bố là rút lực lượng phòng vệ Nhật Bản SDF đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình khỏi Iraq, dẫn đến vụ phiến quân Hồi giáo cực đoan hành quyết công dân Nhật Bản Shosei Koda.

Khi trở lại chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản năm 2012, ông Abe càng đẩy mạnh các chính sách đối ngoại chủ động. Và vụ khủng hoảng con tin là chất xúc tác mạnh mẽ cho tuyên bố “Nhật sẽ không nhượng bộ trước khủng bố” và sẽ “hợp tác với cộng đồng quốc tế buộc lực lượng khủng bố phải trải giá cho tội ác của mình”.

Ông Abe cam kết Nhật sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ về nhân đạo và kinh tế cho những nước trong khu vực bị kẹt giữa cuộc chiến chống IS.

Trước khi Goto bị IS xử tử, một số chính trị gia đối lập ở Nhật lên án chính phủ cầm quyền, cho rằng việc Thủ tướng Abe công bố về gói viện trợ 200 triệu USD cho cuộc chiến chống khủng bố là nguyên nhân khiến công dân nước này “gặp nạn”, đẩy Tokyo vào cuộc khủng hoảng con tin chưa từng có.

Bất chấp những cáo buộc của phe đối lập, Thủ tướng Abe vẫn kiên định với chủ trương chống khủng bố. Sau thông báo ngày 20/1 của IS rằng tổ chức này sẽ chặt đầu hai con tin, Thủ tướng Abe đã triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia và lập ra một ban quản lý khủng hoảng để hợp tác với các nước chủ chốt trong khu vực, trong đó có Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Mục đích là giải quyết xung đột thông qua đàm phán với các bộ tộc địa phương ở Iraq hoặc có thể qua một bên trung gian với nhóm bắt cóc con tin.

Nhưng để giữ vững vị thế thống nhất với Mỹ không cúi đầu trước yêu sách khủng bố, Abe dường như có rất ít lựa chọn hành động theo cách mà ông có.

Cú hích cho việc giải thích lại Hiến pháp?

Các chuyên gia khẳng định, vụ IS sát hại hai con tin người Nhật sẽ thôi thúc Thủ tướng Shinzo Abe mạnh tay hơn trong việc thay đổi Hiến pháp nước này để cho phép quân đội có thể tiến hành các chiến dịch giải cứu con tin ở nước ngoài.

Theo đó, ông Abe muốn các nhà lập pháp Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quân đội nước này tham gia hỗ trợ các đồng minh của mình ở nước ngoài chiến đấu với kẻ thù và coi đó là sự phòng vệ tập thể.

Đây có thể được coi là sự thay đổi lớn nhất về chính sách quân sự của Nhật Bản kể từ khi quân đội nước này được thành lập từ 60 năm trước sau thất bại ở Thế chiến thứ 2.

Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự của Lực lượng phòng không tháng 10/2014 (ảnh: Reuters)

Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự của Lực lượng phòng không tháng 10/2014 (ảnh: Reuters)

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yuriko Koike nhấn mạnh: “Điều quan trọng là hệ thống pháp luật của chúng ta cần phải bảo vệ được các công dân của mình. Sau vụ IS hành quyết công dân Nhật Bản, tôi nghĩ rằng việc bàn thảo để thay đổi chính sách quân sự là rất cấp thiết”.
Tuy nhiên, bà Koike cho rằng, ngay cả khi đã thay đổi khung pháp lý của mình, Nhật Bản cũng chưa thể tiến hành được những chiến dịch giải cứu con tin hiệu quả như lực lượng đặc nhiệm của Israel từng làm năm 1976 để cứu các con tin tại sân bay Entebbe ở Uganda. Mặc dù vậy, bà Koike lên tiếng cho rằng: “Nếu chúng ta không chuẩn bị, chúng ta sẽ chẳng thể làm gì được”.

Về phía người dân Nhật Bản, vụ sát hại con tin của IS dù tác động nhiều đến tâm lý của họ song việc họ có sẵn sàng ủng hộ vai trò mới của Lực lượng phòng vệ Nhật bản hay không thì chưa thể khẳng định. Thêm vào đó, có lo ngại rằng ông Abe còn đang thúc đẩy một chương trình thay đổi Hiến pháp rộng lớn hơn, với chính sách an ninh rõ nét hơn nữa.

Theo nhận định của BBC, Thủ tướng Abe đang cần đến sự sắc sảo và khéo léo về chính trị để lôi kéo công chúng về phía mình, trong khi vẫn thể hiện được rằng ông đang có được sự tin tưởng và các kỹ năng cần thiết để gìn giữ an toàn cho đất nước và con người Nhật Bản./.

Nguồn: VOV News


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề