Yahoo rút khỏi Trung Quốc phù hợp với chiến lược của công ty

Việc Yahoo rút khỏi Trung Quốc và đóng cửa một văn phòng với chỉ 300 nhân viên không phải là một vấn đề lớn. Tuy nhiên, điều này chứng tỏ công ty đã quyết tâm thực hiện chiến lược hiện tại của họ và cũng làm nổi bật lên những rắc rối mà các công ty phương Tây gặp phải ở Trung Quốc.

Thời báo Wall Street đưa tin Yahoo đã đóng cửa trung tâm nghiên cứu ở Bắc Kinh và sẽ sa thải từ 200 đến 300 nhân viên. Động thái này kết thúc cuộc phiêu lưu của Yahoo ở Trung Quốc. Ở một phương diện nào đó, họ đã từng thành công rộng rãi và trên một phương diện khác, họ đã thất bại thảm hại.

Vâng, Yahoo đã chứng tỏ là một nhà đầu tư khôn ngoan khi mua lại 40 phần trăm cổ phần của Alibaba với giá 1 tỷ USD năm 2005 và đạt được lợi nhuận trời cho sau này. 15 phần trăm cổ phần mà họ vẫn đang sở hữu hiện tại trị giá đến 32 tỷ USD. Mặt khác, các thỏa thuận năm 2005 cũng có nghĩa là hoạt động của Yahoo Trung Quốc bị Alibaba tiếp quản.

Yahoo sẽ không bao giờ kiếm được lợi nhuận nào lớn như vậy ở Trung Quốc, và động thái đóng cửa văn phòng cuối cùng của họ ở Trung Quốc là hợp lý vì một số lý do như sau.

Cắt giảm chi phí

Đầu tiên, động thái này phù hợp với chiến lược của Yahoo: tập trung vào các mục tiêu cần thiết và cắt giảm chi phí. Giám đốc tài chính Ken Goldman của Yahoo nói với các nhà đầu tư tại một cuộc họp tháng Ba rằng công ty đang tập trung vào việc tiết kiệm chi phí: Công ty đang “tích cực làm việc trong nội bộ [để tăng] nguồn doanh thu cũng như quản lý chi phí”, ông nói.

Vì vậy, đóng cửa một văn phòng tốn kém và vô dụng trên thực tế ở Trung Quốc và sa thải tối đa là 300 người với chi phí trung bình 200.000 USD/năm sẽ tiết kiệm cho công ty hàng chục triệu đô.

“Việc rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc cũng sẽ giúp Yahoo tránh được những rắc rối với chính quyền Trung Quốc.”

Đối với nhân viên trên toàn cầu của Yahoo, điều này là không có gì mới. Công ty đã từng sa thải nhân viên – vài trăm người cùng một lúc – hàng tuần bắt đầu từ tháng Hai, ở các nước bị ảnh hưởng nhiều nhất là Ấn Độ và Canada.

Đối với các hoạt động không cốt lõi, Yahoo sẽ tách 15 phần trăm cổ phần sở hữu còn lại trong Alibaba thành một công ty riêng vào cuối năm nay để tránh phải trả thuế. Các nhà phân tích tại Nomura tin rằng họ cũng có thể tách cổ phần còn lại trong Yahoo Nhật Bản, một hoạt động không cốt lõi.

Trong tương lai, công ty sẽ tập trung vào việc cải thiện công cụ tìm kiếm với Mozilla và Microsoft để cải thiện việc mất thị phần vào tay Google.

Khó khăn tại Trung Quốc

Việc rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc cũng sẽ giúp Yahoo tránh được những rắc rối với chính quyền Trung Quốc. Gần đây nước này tung ra các quy định nghiêm ngặt mới có hiệu lực từ tháng Ba đòi hỏi các công ty công nghệ nước ngoài bỏ mã nguồn và cài đặt backdoor (một loại trojan cho phép hacker có thể kết nối từ xa tới máy nạn nhân) trong sản phẩm của mình.

Sau khi giải quyết một vụ kiện với hai nhà báo trong năm 2007 vì công ty này đã bàn giao dữ liệu cho chính quyền (kết quả là hai nhà báo bị giam 10 năm tù ở Trung Quốc), Yahoo không muốn chấp nhận rủi ro.

Yahoo không phải là trường hợp duy nhất.

Trong tháng hai, công ty làm game Zynga tuyên bố đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh và Microsoft cũng đang chuyển nhà máy sản xuất điện thoại thông minh của mình sang Việt Nam.

Do những quy định không rõ ràng, thiếu kiến thức thị trường, và cơ chế bảo vệ độc quyền cho các công ty như Sina Weibo và Baidu, phần lớn các công ty công nghệ lớn nhất của phương Tây đã không thành công ở Trung Quốc, mặc dù Facebook và Twitter đang rất phổ biến với những người phá vỡ thành công bức tường lửa (firewall) của chính phủ.

Google cũng là một ví dụ của việc rút ra khỏi Trung Quốc trong năm 2010 sau khi chính quyền buộc họ phải tự kiểm duyệt và đã phát động rất nhiều các cuộc tấn công mạng vào công ty.

Các công ty công nghệ phương Tây khác đang ngày càng vướng mắc vào cuộc chiến tranh phe phái trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc giữa lãnh đạo chế độ hiện nay là ông Tập Cận Bình và cựu Chủ tịch ĐCSTQ ông Giang Trạch Dân.

Microsoft là một ví dụ nổi bật. Vào mùa hè năm 2014, cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc lục soát một số văn phòng Microsoft ở Trung Quốc trong một cuộc điều tra chống lại “hành vi độc quyền”. Thêm vào đó, công ty cũng bị phạt 140 triệu USD cho việc trốn thuế vào cuối năm 2014.

Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã phát động chiến dịch chống tham nhũng nhưng đặc biệt nhắm vào đồng minh của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc.

Ông Giang Trạch Dân, có con trai là ông Giang Miên Hằng sở hữu 50 phần trăm cổ phần của Microsoft Trung Quốc, đã gặp ông Bill Gates nhiều lần. Mặc dù trên thực tế 90 phần trăm phiên bản Windows tại Trung Quốc được ước tính là vi phạm bản quyền, Microsoft vẫn có một chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Tuy nhiên, vì có mối quan hệ đặc biệt với ông Giang Trạch Dân nên chỗ đứng của Microsoft cũng có thể phải trả giá khá đắt khi ông Tập Cận Bình đang thanh trừng phe phái của ông Giang.

Vì lợi ích của chính mình, Yahoo đang cố gắng tránh khỏi những tổn thất, và cả những rắc rối này nữa.

Việt Đại Kỷ Nguyên


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề