TPHCM: Không ngập chỉ là… giấc mơ (!)

Theo PGS – TS Hồ Long Phi, nhà nước phải thay đổi “thái độ” chống ngập và người dân phải “thích nghi với lũ”. Thái độ chống ngập phải tích cực hơn và truy trách nhiệm cả những bên gây ngập. Còn người dân phải tập thích nghi với “cuộc sống có ngập” vì không ngập chỉ là giấc mơ.

Ngập là tất yếu!

PGS – TS Hồ Long Phi – Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC), ĐHQG TPHCM – cho rằng, chính quá trình đô thị hóa quá nhanh mà không chú trọng đầu tư hạ tầng chống ngập đã góp phần không nhỏ vào tình trạng ngập khủng khiếp của TPHCM hiện nay.

Tối 15/9, TPHCM bị “nhấn chìm” do cơn mưa lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (ảnh Đình Thảo)
Tối 15/9, TPHCM bị “nhấn chìm” do cơn mưa lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (ảnh Đình Thảo)

“Quá trình xây dựng đô thị, phát triển hạ tầng của TPHCM đã bắt đầu từ hàng chục năm trước. Trong khi đó, công tác chống ngập của thành phố chỉ mới bắt đầu khoảng 10 năm trở lại đây. Thông thường, khi chi 10 đồng cho phát triển đô thị như xây khu chung cư, khu công nghiệp, khu dân cơ mới… thì phải có 2 đồng dành cho hạ tầng chống ngập. Nhưng thực tế con số này ở TPHCM chưa tới 10% của yêu cầu đó nữa”, TS Hồ Long Phi nói.

Theo ông Phi, để giải quyết hết tất cả những điểm ngập của thành phố thì mất khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong 5 năm tới cần ít nhất là 50.000 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn ngân sách cam kết chỉ là 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Con số này quá chênh lệch. Điều này chứng tỏ tính cam kết về mặt chống ngập chưa cao.

“Việc chống ngập không phải thể hiện ở văn bản mà nó thể hiện ở việc phân bổ vốn. Trong khi đầu tư cho phát triển công trình hạ tầng giao thông là hàng chục ngàn tỷ đồng thì đầu tư cho chống ngập chỉ khoảng vài trăm đến 1.000 tỷ đồng thì không thấm vào đâu”, ông Phi nói.

Một nguyên nhân nữa làm cho công tác chống ngập thêm bất cập là lượng mưa ngày càng lớn và đỉnh triều ngày càng cao. Trong 5 năm trở lại đây, số trận mưa lớn trên 100 mm ngày càng nhiều và dồn dập, từ đầu năm 2015 đến nay xuất hiện 4 – 5 trận mưa lớn. Cho nên theo ông Phi, chuyện ngập là tất nhiên.

Chống ngập thì ít, gây ngập thì nhiều

Giao thông thành phố hỗn loạn (ảnh Đình Thảo)
Giao thông thành phố hỗn loạn (ảnh Đình Thảo)

“Trước tình hình hiện nay của thành phố thì chắc chắn là không có giải pháp chống ngập ngắn hạn. Không thể nói năm trước làm mà năm sau giải quyết xong. Ngoài ra, nguồn vốn hạn chế vì kinh tế khó khăn. Trong khi vốn thành phố không đủ thì vốn trung ương cũng không cấp, còn vốn ODA không phải nói đi vay là có. Có thể nói nguồn vốn là cam go nhất, trở ngại lớn nhất”, ông Phi nói.

Trở ngại thứ hai là thiếu sự đồng bộ trong công tác chống ngập. Trong khi chống ngập thì chỉ có 1 – 2 đơn vị thực hiện (chủ yếu là Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TPHCM) với nguồn vốn hạn chế, còn gây ra ngập thì có rất nhiều đơn vị. Điển hình là việc lấn chiếm, san lấp kênh rạch, bê tông hóa,… Thậm chí, người dân cũng tham gia gây ngập khi vứt rác bừa bãi làm cảng trở quá trình tiêu thoát nước.

Ông Hồ Long Phi cho rằng, việc giải quyết tình trạng ngập phát sinh từ những dự án mới hình thành thì toàn bộ ngân sách thành phố phải gánh chịu. Trong khi bản thân những chủ dự án này chỉ biết kinh doanh lấy tiền. Thực tế là người ta không quy trách nhiệm gây ngập mà chỉ quy trách nhiệm tại sao không chống được ngập.

“Tôi cho rằng điều này chưa ổn. Cứ như vậy thì khi nào chống ngập cho xong. Cuộc đua chống ngập sẽ không bao giờ chấp dứt. Vì vậy, chống ngập phải xuất phát từ hai hướng đối lập. Như vậy, việc chống ngập sẽ hiệu quả và nhanh hơn”, ông Phi nói.

Thay đổi thái độ chống ngập và “thích nghi với lũ”

Chiều 17/9, tức gần 3 ngày sau cơn mưa “lịch sử”, tầng hầm để xe của chung cư Green Hill (quận Bình Tân) vẫn còn chìm trong biển nước (ảnh Đình Thảo)
Chiều 17/9, tức gần 3 ngày sau cơn mưa “lịch sử”, tầng hầm để xe của chung cư Green Hill (quận Bình Tân) vẫn còn chìm trong biển nước (ảnh Đình Thảo)

Theo ông Hồ Long Phi, thành phố đang đối diện với tình trạng ngập nặng và phải thích nghi với nó. Để “thích nghi với lũ” thì tiến hành 2 nhóm giải pháp. Thứ nhất là làm chậm dòng chảy tràn vào đô thị. Đây là giải pháp khả quan và trong vòng 5 năm tới sẽ thấy lợi ích của nó.

“Phải xem việc trữ nước để hạn chế gây ngập cũng quan trọng như là thoát đi vậy. Không nhất thiết phải tống khứ nước đi ngay. Nếu hệ thống cống không kịp thoát nước thì nước từ chỗ này sẽ chảy sang chỗ khác, không ngập trong hẻm thì ngập đường phố. Trữ nước để giảm tải cho hệ thống thoát nước và cũng phục vụ cho nhiều việc khác trong đời sống hằng ngày. Đối với giải pháp, thành phố phải có quyết tâm chính trị cao thì mới làm được”, ông Phi nhấn mạnh.

Ông Phi dẫn chứng: “Khi xúc tiến triển khai xây dựng hồ điều tiết Bàu Cát (quận Tân Bình), UBND quận Tân Bình cho rằng có hệ thống cống rồi, đã hết ngập rồi việc xây hồ cứ từ từ. Điều này cho thấy tầm nhìn của chúng ta chưa đủ xa. Hiện tại không ngập nhưng chắc gì những cơn mưa lớn sắp tới, hay năm sau quận Tân Bình không bị ngập. Nếu mình không tiến hành thì phải trả giá. Đừng có để ngập rồi mới làm. Hồ điều tiết là phải làm trước khi ngập.

“Điều này cho thấy quyết tâm của mình trong việc xây dựng các hồ dung tích lớn để trữ nước chưa cao lắm. Đây là công viên, đất nhà nước, người ta làm hồ bên dưới rồi khôi phục bề mặt mà phía quận Tân Bình còn không muốn làm thì hỏi làm sao vận động nhân dân làm những hồ trữ nước kiểu này”, ông Phi bức xúc.

Ông Phi đề nghị, thành phố phải có chủ trương rõ ràng để khuyến khích các đơn vị công như bệnh viện, trường học, bệnh viện,… làm hồ điều tiết. Đối với đất còn dư ở các dự án, công trình, thành phố cũng cần quy định trách nhiệm xây hồ điều tiết để trữ nước, hạn chế đưa nước về hệ thống cống của thành phố.

Cần vận động người dân xây bể chứa nước trong nhà. Kinh phí để xây dựng một bể/bồn chứa nước là khoảng 2 triệu đồng/m3. So với hàng trăm nghìn tỷ đồng để chống ngập thì rẻ hơn nhiều.  Ngoài ra, thành phố cần có chính sách hỗ trợ người dân để xây bể chứa, mua bồn chôn dưới đất. Việc này tạo ra thái độ tích cực của người dân trong công tác chống ngập.

“Thứ hai là xã hội phải thích nghi cho cuộc sống đỡ bị xáo trộn nhất mỗi khi ngập vì mưa lớn. Hiện nay, nhiều tầng hầm để xe hơi bị ngập là do không phòng bị và cứ nghĩ là không bao giờ ngập. Mà chuyện đó chỉ là giấc mơ thôi. Không ngập do mưa thì cũng ngập do bão. Cho nên, việc xây dựng công trình ngầm thì phải có giải pháp chống ngập đi kèm. Đừng để ngập mới tính. Phải làm sao cho mình đỡ thiệt hại nhất, đỡ bức xúc nhất trước chứ đừng trông chờ vào hệ thống thoát nước, công trình chống ngập của thành phố sẽ bảo vệ mình. Người dân cũng phải chủ động ứng phó để hạn chế thiệt hại trong gia đình khi ngập”, ông Phi nói.

Theo Dân trí


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề