Đi vào vùng chiến sự
Đại tá Đỗ Ngọc Bình, nguyên Phó trưởng phòng Tuyên truyền đặc biệt (TTĐB), Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị, thời điểm 1988 là đại úy, Trợ lý Phòng nghiên cứu địch, thuộc Cục Tuyên truyền đặc biệt (sau đổi thành Cục Dân vận) kể: “Ngay khi xảy ra trận 14.3.1988, phía ta đã đề nghị phía Trung Quốc cho 2 tàu Đại Lãnh, Mỹ Á vào khu vực biển Gạc Ma để cứu hộ, vớt thương binh, tử sĩ nhưng họ kiên quyết không cho. Sau đó chúng tôi được lệnh ra Cô Lin – Len Đao làm nhiệm vụ phiên dịch, tuyên truyền với Trung Quốc để trợ giúp công tác trục vớt tàu HQ-604, HQ-605 bị bắn chìm, tìm kiếm thi thể anh em”.
Sáng 19.4.1988, 3 sĩ quan của Cục TTĐB là đại úy Đinh Xuân Bình, đại úy Đỗ Ngọc Bình và thiếu úy Bùi Quang Tiến được Thiếu tướng – Cục trưởng Đặng Văn Duy gọi lên giao nhiệm vụ “Khẩn trương ra công tác Trường Sa”, nhận quân tư trang chiến đấu và mỗi người 1 khẩu súng K59 cùng 3 cơ số đạn.
Tổ công tác do đại úy Đinh Xuân Bình làm Tổ trưởng và “hàng khủng” được Cục TTĐB ưu ái cấp mang đi làm nhiệm vụ tuyên truyền, “đấu khẩu” thời điểm ấy là giàn loa OZC78 của Liên Xô (cũ). Sáng hôm sau, cả tổ đi máy bay quân sự từ Sân bay Gia Lâm vào Sân bay Cam Ranh. Gần 1 tuần nằm chờ tàu, nghe đài Trung Quốc nắm tình hình Trường Sa và dịch thuật phục vụ chỉ huy, đêm 26.4.1988, tổ TTĐB lên tàu đổ bộ HQ-513 chở tăng, pháo tăng viện cho Trường Sa.
Đại úy Đỗ Ngọc Bình (bìa trái) và trung tá Nguyễn Văn Dân (chỉ huy trưởng Cụm 2 Trường Sa) trên điểm san hô nhô cao nhất của đảo Cô Lin cắm cờ Tổ quốc, tháng 4.1988 – Ảnh tư liệu – Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam
Đấu khẩu với lính Trung Quốc
Đại úy Đinh Xuân Bình, Tổ trưởng TTĐB tại Cô Lin – Len Đao năm 1988, giờ đã 69 tuổi nhưng vẫn đều đặn lên lớp giảng dạy tiếng Trung cho sinh viên Đại học Hải Phòng. Nhớ lại thời gian 3 tháng trời giữ Trường Sa, ông trầm giọng: “Đó thực sự là những ngày sinh tử, bởi chúng tôi toàn tàu thuyền nhỏ, vũ khí thông thường nhưng liên tục phải đối mặt với tàu lớn, vũ khí hiện đại của Trung Quốc. Chúng nổ súng là mình chắc chắn hy sinh” và đanh gọn: “Mỗi khi tàu Trung Quốc áp sát, bộ đội sẵn sàng súng ống sau vị trí chiến đấu, chúng tôi phải nhanh chóng triển khai loa đài và đứng hẳn ra ngoài, cầm micro nói bằng tiếng Trung, loa mở hết cỡ âm vang: Đây là vùng biển Việt Nam, các bạn đã vi phạm chủ quyền chúng tôi, yêu cầu các bạn rời khỏi đây ngay lập tức”…
Ông Đinh Xuân Bình kể lại cho cháu ngoại nghe về những tháng ngày giữ Trường Sa – Ảnh: Vũ Xuân Khánh
Ngày 205.1988, đại úy Xuân Bình đi tàu HQ-188 tuần tra, trinh sát ở bãi cạn Ba Đầu, phát hiện Trung Quốc thả phao chủ quyền (là những đoạn tre buộc một tấm tôn nổi trên mặt nước), ở dưới gài mìn. Khi móc dây thừng kéo phao ra, 2 tàu Trung Quốc chạy đến ép sát ta, lính trên tàu lăm lăm súng AK chĩa sang. Đại úy Xuân Bình chĩa loa sang tàu Trung Quốc dằn giọng tiếng Trung: “Tàu Trung Quốc tránh ra. Nếu còn đặt vật thể lạ, chúng tôi sẽ tiếp tục phá bỏ”, khiến binh lính đối phương tròn mắt ngạc nhiên “Sao nói rành mạch như người Trung Quốc?” và 2 tàu dãn đội hình bỏ đi. Ngày 30.5.1988, đại úy Xuân Bình cùng tàu trinh sát HQ-187 áp sát bãi cạn Huy Gơ ngăn chặn đối phương đang xây nhà cao chân. Ngay lập tức, tàu chiến Đông Tiêu 283 của Trung Quốc lao ra truy đuổi, quay súng pháo chuẩn bị khai hỏa. “Anh em nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu, nói với nhau là sẽ hy sinh như Gạc Ma. Nhưng thấy ta dàn đội hình chiến đấu, tàu Trung Quốc dừng lại không truy đuổi”, ông Xuân Bình kể vậy và lắc đầu: “Ngày nào cũng gặp và bị tàu Trung Quốc khiêu khích nên phải tránh mắc mưu gây hấn. Tương quan lực lượng không cân sức, nếu đụng độ thì mình sẽ đổ máu nhiều hơn. Ngay như ngày 13.5.1988, tàu HQ-613 chở đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu vào đảo Len Đao, tàu 699 của Trung Quốc tiến sát phát loa xua đuổi. Uất lắm nhưng cứ phải kệ nó!”.
Đại úy Đinh Xuân Bình trên đảo Cô Lin, tháng 4.1988 – Ảnh tư liệu của đại úy Đinh Xuân Bình
Trong hơn 3 tháng bám trụ Cô Lin – Len Đao, tổ TTĐB được chia ra làm nhiệm vụ trên 2 tàu trực HQ-614 và HQ-188. Giàn loa OZC78 đi theo đại úy Xuân Bình sang tàu gỗ HQ-188 làm nhiệm vụ phục vụ chỉ huy. Đại úy Ngọc Bình ở lại tàu HQ-614 trực Cô Lin phải sử dụng loa pin để đấu khẩu. “Ngày 29.5.1988, tàu vận tải đổ bộ Trung Quốc chạy tốc độ cao áp sát tàu HQ-614. Tôi đang nằm trên boong, mở mắt ra đã thấy tàu nó to như quả núi lù lù ngay sau mạn và lính tráng mặc quần áo rằn ri đứng đầy trên boong. Không kịp gọi thuyền trưởng, tôi vớ ngay cái loa pin để cạnh bên, nói hết cỡ bằng tiếng Trung: “Cảnh cáo các bạn đã có hành động khiêu khích quân sự”. Anh em trong khoang bật dậy, ôm súng lao vào vị trí chiến đấu”, ông Đỗ Ngọc Bình kể lại.
Sống chết vì Trường Sa
Mốc chủ quyền cũ trên đảo Len Đao. Để chụp được mốc chủ quyền và người đồng đội Phòng TTĐB của Quân chủng Hải quân này, ông Đinh Xuân Bình phải ngâm mình xuống nước, chĩa máy ảnh lên chụp – Ảnh: Đinh Xuân Bình
Trước khi ra Trường Sa, đại úy Đinh Xuân Bình được cấp 1 máy ảnh chụp phim đen trắng và trong suốt 3 tháng làm nhiệm vụ, ông nhớ nhất là tấm bia chủ quyền trên đảo Len Đao.
“Bia chỉ cao khoảng 60cm, muốn chụp cả bia, tôi phải moi cát rồi dìm mình xuống nước chỉ thò mỗi đầu lên để máy ảnh không bị ướt. Thân bia bị mờ do sóng biển, tôi phải lấy cát trát kỹ, mới nổi lên hình ngôi sao 5 cánh và chữ Việt Nam”, ông Xuân Bình say sưa kể tiếp: “Ở đảo Cô Lin, bộ đội phải thay lá cờ hằng ngày vì sóng gió quá mạnh. Mỗi lần tàu chúng tôi cập mạn HQ-505, anh em gian khổ thiếu thốn nhưng vẫn nhường chúng tôi từ ca nước ngọt cho đến chiếc bắp cải cuối cùng. Hồi ấy, cứ những lúc căng thẳng đối đầu với tàu Trung Quốc, lại nhìn vào xác tàu HQ-505 nằm trên Cô Lin để động viên: Gần trăm anh em vừa hy sinh, mình càng không thể sợ hãi, sờn lòng”…
Các sĩ quan Hải quân trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trên vùng biển Trường Sa, tháng 4.2014 – Ảnh: Mai Thanh Hải
Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, thời điểm tháng 4.1988 là Chỉ huy Cụm 2 Trường Sa chia sẻ: “Hồi ấy tôi chỉ biết tổ TTĐB là quân Bộ Quốc phòng. Đến giờ vẫn phục vì mấy anh em Văn phòng, nhưng lăn lộn, vượt qua được mọi khổ cực – hy sinh như lính chiến. Có điều mà đại tá Nguyễn Văn Dân không biết: Đại úy Đỗ Ngọc Bình giấu không cho vợ là cô giáo Đào Thị Hằng và con gái nhỏ mới 2 tuổi biết mình đi chiến đấu ngoài Trường Sa; đại úy Đinh Xuân Bình cũng giấu việc mẹ già đang hấp hối và mãi đến 24.6.1988 anh mới biết mẹ đã mất được 1 tháng…
Tháng 3.2016, tròn 28 năm sau ngày xảy ra trận chiến 14.3.1988 trên vùng biển Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao, chúng tôi về Long An, ra Hải Phòng tìm gặp những người lính đặc biệt, nghe lại bao câu chuyện đặc biệt, nhưng tuyệt nhiên không thấy đặc biệt, khi 2 anh Bình đều rắn rỏi: “Dù đã nghỉ hưu, nhưng Quân đội cần, chúng tôi vẫn lên đường ra bảo vệ Trường Sa”. Bởi vì các anh là những người lính, của địa đầu Trường Sa…
“5 giờ sáng 14.3.1988, tàu Trung Quốc hạ xuồng đưa lính đổ bộ vào đảo Gạc Ma, giương lưỡi lê dàn xông vào tổ chốt bảo vệ đảo. Tên chỉ huy quát bằng tiếng Việt: “Đây là lãnh thổ của Trung Quốc, các anh rút khỏi đây ngay!”. Trung úy Trần Văn Phương, Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma trả lời: “Đây là lãnh thổ Việt Nam, các anh đã xâm phạm, hãy rút khỏi đây, đừng gây đổ máu vô ích!”. Bọn chúng xông vào giật cờ của ta nhưng không được nên dùng lưỡi lê đâm và xả súng bắn vào Lanh. Thấy đồng đội bị thương, trung úy Phương xông vào cứu, nhưng địch nổ súng bắn thẳng khiến anh hy sinh ngay tại chỗ.
Cùng lúc ấy, các tàu của Trung Quốc đồng loạt nổ súng tấn công vào các tàu vận tải HQ-604 (đang neo đậu tại Gạc Ma), HQ-605 (Len Đao), HQ-505 (Cô Lin) khiến tàu HQ-605 bị chìm ngay sau đó. Thiếu tá Vũ Huy Lễ – Thuyền trưởng HQ-505 ra lệnh ủi bãi Cô Lin, trước sự tấn công dữ dội của 2 tàu chiến Trung Quốc. 8 giờ sáng, HQ-505 ủi lên bãi cạn, 2/3 thân tàu bị bốc cháy, bộ đội trên tàu vừa giữ đảo, vừa dập lửa cứu tàu. Tàu HQ-605 đưa bộ đội lên cắm cờ ở đảo Len Đao. 8 giờ 30 phút, tàu của địch bắn tàu 605 bốc cháy. Qua cuộc đụng độ, 64 đồng chí hy sinh và mất tích (Lữ đoàn có 19 đồng chí).
Sự kiện 14.3.1988 là hành động có tính toán nằm trong mưu đồ xâm lược của Trung Quốc, chúng còn đổi trắng thay đen vu cáo Việt Nam nổ súng tấn công tàu khảo sát của Trung Quốc. Hành động gây chiến trên, không chỉ là cuộc đụng độ của hai lực lượng trên biển mà nó đã được sắp đặt từ chóp bu của nhà cầm quyền Trung Quốc”…
(Lịch sử Lữ đoàn 146 – Đoàn Trường Sa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân)
Mai Thanh Hải – Vũ Ngọc Khánh (thanhnien.vn)
Trả lời