Tàu chiến Trung Quốc ‘hẹn gặp lại’ tàu Mỹ ở Biển Đông

Một tàu chiến Trung Quốc lập tức bám theo sau tàu khu trục Mỹ USS Lassen khi nó bắt đầu đi vào gần các đảo nhân tạo trên Biển Đông tháng trước, yêu cầu phía Mỹ thông báo ý định và “hy vọng sẽ sớm gặp lại”.

“Các anh đang ở trong vùng biển của Trung Quốc. Ý định của các anh là gì?”, Reuters dẫn lời Robert Francis, sĩ quan chỉ huy trên tàu khu trục USS Lassen, hôm qua mô tả lại đoạn liên lạc với tàu chiến Trung Quốc. Lassen tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm hữu từ bãi đá ngầm của Việt Nam.

Francis kể với báo giới hôm qua khi đang trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ở khu vực cách cực nam quần đảo Trường Sa từ 150 đến 200 hải lý. USS Lassen gia nhập nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt từ tối 4/11, ngay trước chuyến thăm tàu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.

Thủy thủ trên USS Lassen trả lời rằng họ đang hoạt động phù hợp với luật pháp quốc tế và định đi qua thực thể trên biển, thực hiện tự do đi lại, đồng thời thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Phản ứng từ tàu khu trục Trung Quốc “vẫn là cùng câu hỏi, lặp đi lặp lại”, ông Francis cho biết thêm.

Francis cho biết USS Lassen đã “tương tác” với tàu và phi cơ quân sự Trung Quốc khoảng 50 lần kể từ tháng 5 khi tuần tra ở Biển Đông và biển Hoa Đông, hoạt động được mô tả là thường lệ. “Ngày nào đến đây chúng tôi cũng tương tác với phía Trung Quốc”, ông Francis nói.

Giới chuyên gia cho biết Trung Quốc điều động hàng chục tàu hải quân và tuần duyên đến Biển Đông và số lần chạm trán với tàu Mỹ có thể gia tăng bởi Washington dự định tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép. Tần suất tuần tra sẽ là hai lần một quý.

Tàu khu trục Trung Quốc đã theo sau USS Lassen trong 10 ngày trước và sau khi nó tuần tra gần các đảo nhân tạo hôm 27/10, theo Francis. USS Lassen tiến vào khu vực cách nơi Trung Quốc cải tạo đất gần nhất khoảng 6 đến 7 hải lý.

Robert Francis, sĩ quan chỉ huy trên tàu USS Lassen, trả lời báo giới ngày 5/11. Ảnh: AP.

Robert Francis, sĩ quan chỉ huy trên tàu USS Lassen, trả lời báo giới ngày 5/11. Ảnh:AP.

Tuy nhiên, không phải mọi cuộc tương tác giữa hải quân Mỹ – Trung đều căng thẳng.

“Cách đây vài tuần, chúng tôi có liên lạc với một trong những tàu Trung Quốc đi theo sau… (Chúng tôi) nhấc bộ đàm và nói ‘các bạn định làm gì vào thứ bảy này? Chúng tôi có món pizza và cánh gà. Các bạn ăn món gì vậy? Chúng tôi cũng đang lên kế hoạch cho lễ hội Halloween'”, Francis kể lại. Cuộc nói chuyện nhằm “cho họ thấy… chúng tôi là những thủy thủ bình thường như họ, có gia đình như họ”. Thủy thủ Trung Quốc, trả lời bằng tiếng Anh, cũng kể về quê nhà, về gia đình và những nơi đã đến thăm.

Ông Francis nhận định các thủy thủ Trung Quốc khá thân thiện, cả trước và sau khi USS Lassen đi qua quần đảo Trường Sa. “Khi rời đi họ nói ‘này, chúng tôi không thể đi cùng các bạn nữa rồi. Chúc các bạn có chuyến đi tốt lành. Hy vọng sẽ gặp lại mọi người'”.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines. Bắc Kinh còn ngang nhiên chiếm các bãi đá ngầm ở Trường Sa của Việt Nam và tiến hành bồi đắp phi pháp thành các đảo nhân tạo.

Bắc Kinh chỉ trích Washington về đợt tuần tra trên Biển Đông. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Nghiệp Toại chiều tối 27/10 triệu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Max Baucus để trao công hàm phản đối. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo hải quân nước này điều hai tàu khu trục tên lửa “Lan Châu 170” và “Đài Châu 533” áp sát tàu tuần tra của Mỹ để theo dõi mọi động thái.

Đây là chuyến tuần tra đầu tiên của Mỹ trong phạm vi 12 hải lý quanh các thực thể, kể từ khi Trung Quốc bắt đầu bồi đáp đá trái phép ở Trường Sa cuối năm 2013.

Nguồn vnexpress.net


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề