Syria: Mỹ quay sang Iran để tìm giải pháp
Các nước Phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, như đang cầu viện đến Iran để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Vào hôm qua, 26/09/2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và đồng nhiệm Iran đã tiếp xúc với bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York. Đây là lần đầu tiên mà hai người gặp nhau kể từ khi Teheran và Lục cường đạt được thỏa thuận về hạt nhân Iran vào tháng 7 vừa qua.

Phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, ông John Kerry đã bày tỏ hy vọng: « Tôi xem tuần lễ này là một cơ hội lớn cho mọi nước để đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết một số vấn đề cấp bách của Trung Đông… Chúng ta cần phải đạt được hòa bình và tìm ra một giải pháp cho Syria, Yemen ngay từ trong khu vực… ».

Theo giới quan sát, vào lúc Mátxcơva đang có dấu hiệu ghi điểm trong việc thúc đẩy một giải pháp cho Syria trong đó Nga có vai trò quan trọng, và vào lúc Washington đang bị vố đau trong chủ trương huấn luyện và võ trang cho lực lượng nổi dậy Syria gọi là « ôn hòa », việc phương Tây tìm cách lôi kéo Iran vào có thể được giải thích bằng sự kiện Teheran là đồng minh của cả Mátxcơva lẫn Damas.

Cho đến nay, Washington vẫn chủ trương gạt bỏ Bashar al-Assad ra khỏi mọi giải pháp cho vấn đề Syria, kể cả trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria. Trong khuôn khổ chiến lược đó, Washington đã chi phí rất nhiều cho một chương trình đào tạo và trang bị vũ khí cho một lực lượng nổi dậy Syria được đánh giá là ôn hòa để cho lực lượng này đối phó được với tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Vố đau mới nhất của Mỹ tại Syria

Thế nhưng, mới đây, Lầu Năm Góc đã phải miễn cưỡng thừa nhận một số thất bại đau đớn. Hôm 25/09 vừa qua, Bộ Tư lệnh Lực lượng Mỹ ở Trung Đông (Centcom) đã thừa nhận rằng mới đây, một đơn vị quân nổi dậy Syria được Mỹ huấn luyện và trang bị đã giao nộp 25% vũ khí được cung cấp cho « một trung gian tình nghi thuộc Mặt trận al-Nosra (chi nhánh của Al Qaeda tại Syria) ». Số vũ khí nộp cho một lực lượng thuộc diện kẻ thù của Mỹ này gồm « 6 chiếc xe pick-up và một phần đạn dược ».

Chương trình huấn luyện của Mỹ đề ra mục tiêu đào tạo và võ trang cho khoảng 5.000 phiến quân mỗi năm và trong vòng ba năm. Thế nhưng, cho đến nay, mới chỉ có hai nhóm gồm 54 và 70 chiến binh hoàn tất chương trình đào tạo. Khi nhóm đầu tiên được cử trở lại Syria vào tháng Bảy vừa qua, nhiều thành viên của nhóm này đã bị Mặt trận al-Nosra bắt cóc.

Theo RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề