Singapore: Chiến lược bắt cá nhiều tay

Với vị trí chiến lược trên đường giao thương hàng hải quốc tế, Singapore đang tận dụng các cơ hội mở cửa thị trường tạo ra từ các hiệp định thương mại tự do để thúc đẩy nền kinh tế trong nước, cho dù đó là Hiệp định TPP do Mỹ dẫn dắt hay Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á do Trung Quốc chủ trì.

“Vì quá nhỏ nên chúng tôi phải chơi với tất cả mọi người, và điều này sẽ cho phép chúng tôi vượt qua tầm vóc của mình.” – đó là phát biểu của bà Annie Koh, Giáo sư ngành tài chính và Giám đốc học thuật Viện Giao thương Quốc tế thuộc Đại học Quản lý Singapore (SMU) về sự tham gia tích cực của Singapore như một trong những quốc gia đầu tiên châm ngòi cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước thành viên.

Thật vậy, khởi thủy của TPP là Hiệp ước Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPSEP) có hiệu lực từ tháng 5-2006 giữa Singapore, Brunei, Chile và New Zealand. Hai năm sau đó, Mỹ, Úc và Peru tỏ ý quan tâm và mong muốn đàm phán thỏa thuận thương mại tự do (FTA) với bốn nước này và từ đó cái tên TPP (Trans Pacific Partnership) hình thành. Malaysia và Việt Nam tham gia đàm phán năm 2010, sau đó đến lượt Mexico và Canada năm 2012 và Nhật năm 2013. Hiện nay, nhiều nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc và Philippines và các nước châu Mỹ Latinh như Colombia cũng đang lăm le tham gia vào cuộc chơi thương mại lớn này.

Hưởng lợi từ TPP

Nền kinh tế các nước thành viên TPP là một thị trường rất lớn của Singapore, chiếm 30% trao đổi hàng hóa trong năm 2013 và khoảng 30% vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo công bố chính thức của Bộ Công Thương Singapore (MTI), lợi ích mà TPP mang lại cho đảo quốc Sư tử sẽ nằm trong ba lĩnh vực chính.

Thứ nhất, TPP sẽ cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Singapore tiếp cận nhanh chóng và toàn diện hơn với các thị trường nước ngoài. Nhà đầu tư Singapore cũng sẽ dễ dàng khai thác việc gỡ bỏ những rào cản về sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực dịch vụ y tế, viễn thông, giao nhận, năng lượng và môi trường tại Brunei, Malaysia và Việt Nam. TPP cũng sẽ cho phép các công ty Singapore hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng và tư vấn tham gia đấu thầu các dự án mua sắm của chính phủ Malaysia, Mexico và Việt Nam mà trước đây chỉ là sân nhà của các doanh nghiệp địa phương.

Lợi ích kế tiếp mà phía Singapore được hưởng là nhờ TPP, sẽ không còn những rào cản về quy chế hay thuế má và tăng cường các dòng chu chuyển thương mại và đầu tư. Nói cách khác, các nước đã cam kết tham gia TPP phải công khai và cắt giảm các chi phí “ẩn” trong thủ tục, quy chế và luật lệ về hải quan có thể cản trở hoạt động kinh doanh, nói thẳng ra là không được tham nhũng. Cuối cùng, TPP sẽ giải tỏa những quan ngại ngày càng tăng của doanh nghiệp và người tiêu dùng như sở hữu trí tuệ và sự tăng trưởng của nền kinh tế số.

Thật ra những “tiết lộ” nói trên của MTI cũng chẳng có gì mới bởi từ lâu Singapore đã là một nền kinh tế mở với 21 FTA và thỏa thuận đối tác kinh tế với nhiều quốc gia và lãnh thổ trước khi “ra biển lớn” TPP. Vì vậy, theo kinh tế gia Michael Wan của ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse chi nhánh Singapore, lợi ích mà Singapore có được từ TPP sẽ chẳng đáng là bao so với kỳ vọng tăng 10% GDP của Việt Nam và 5% của Malaysia vào năm 2025. Ngoài ra, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp Singapore cũng không dễ gì cạnh tranh với các doanh nghiệp Brunei, Malaysia và Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, năng lượng và viễn thông vốn đã dạn dày kinh nghiệm “thương trường” và am hiểu “văn hóa” địa phương. Nhưng dù muốn dù không, Singapore sẽ cố gắng khai thác thêm từ bệ phóng TPP những mối liên kết thương mại và đầu tư với các thị trường chính trong khu vực và nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có các nước châu Mỹ Latinh đang trên đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Và vẫn ủng hộ Trung Quốc

Theo đánh giá của chung của nhiều nhà quan sát, TPP đại diện cho trục chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á và nhằm đối phó với sự trỗi dậy của nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới là Trung Quốc trong khu vực và trên toàn cầu. Ngược lại, Bắc Kinh xem TPP như một cách dàn xếp do Mỹ cầm đầu và cho Trung Quốc ngồi chầu rìa bên ngoài bàn tiệc. Trong khi đó, Singapore lại là bạn hàng thương mại thứ hai của Bắc Kinh và cũng ủng hộ sáng kiến “Nhất đai, nhất lộ” (một vành đai, một con đường) của Trung Quốc. Theo cách nói dân dã của người Việt Nam, các nhà lãnh đạo Singapore có thể đang chơi trò bắt cá nhiều tay khi một mặt cổ xúy cho TPP nhưng cũng nằm trong số những người đầu tiên ký kết tham gia Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc chủ trì.

Trong buổi tiếp Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ tại Dinh Tổng thống nhân cuộc họp thường niên của Hội đồng Liên kết Hợp tác Song phương (JCBC) vào ngày 13-10-2015 vừa qua, Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông mong được gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông Tập viếng thăm chính thức Singapore vào tháng tới để kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Câu hỏi đặt ra là tại sao ông Lý không bay lên Bắc Kinh để chúc tụng mà để cho Chủ tịch Tập phải thân chinh tới Singapore để cụng ly ăn mừng kỷ niệm bạc?

Theo đánh giá của giới truyền thông Singapore, mặc dù ông Tập đã sang đây nhiều lần từ lúc còn là quan chức của tỉnh Phúc Kiến sang học tập kinh nghiệm Singapore và gần đây nhất trên cương vị Phó Chủ tịch Trung Quốc năm 2010, chuyến viếng thăm lần này của ông Tập sẽ mang ý nghĩa quan trọng hơn, không những đẩy mạnh những sáng kiến của JCBC mà còn là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc xem Singapore như một người bạn và đối tác. Trước khi Chủ tịch Tập sang tiếp cận Singapore vào tháng tới, hai bên đã thảo luận việc triển khai thêm một dự án thứ ba ở cấp độ liên chính phủ ở miền Tây Trung Quốc – sau dự án đầu tiên là khu công nghiệp Tô Châu và kế đó là thành phố sinh thái Thiên Tân và khả năng nâng cấp FTA giữa Trung Quốc và Singapore đã được ký kết từ năm 2008.

Theo TBKTSG

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề