Pháp cố gắng khẳng định vai trò trên hồ sơ Syria
Trên trang mạng của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quan hệ Quốc tế IRIS, giám đốc Viện ông Pascal Boniface phân tích về sự thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại giao của Paris đối với Syria.

Pascal Boniface: “Đúng là Pháp đã thay đổi quan điểm trên hồ sơ này. Cho tới nay, Paris chỉ chấp nhận tham gia liên minh chống khủng bố tại Irak, thể theo yêu cầu của chính quyền Bagdad. Pháp chủ trương một nước Syria ‘không có Bachar Al Assad và cũng không có sự hiện diện của quân Hồi giáo thánh chiến cực đoan Daech’. Tới nay, Paris đã từ chối mở chiến dịch oanh kích tại Syria vì muốn tránh để một phần công luận diễn giải sự can thiệp đó như một cách gián tiếp ủng hộ hay nhìn nhận tính chính đáng của chế độ Bachar Al Assad tại Damas. Nhưng giờ đây tình huống đã thay đổi.

Daech đang trở thành kẻ thủ chính và là mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh của chính nước Pháp. Tổng thống Hollande nhấn mạnh: Pháp can thiệp tại Syria để ‘tự vệ’ trong một tình huống đặc biệt. Phải nói rằng đây là một cách diễn giải luật quốc tế khá rộng rãi của Paris”.

François Hollande đã liên tục khẳng định rằng, Syria không có tương lai nếu ông Bachar Al Assad tiếp tục nắm quyền. Luận điểm đó có còn tính thời sự hay không ? hay đây chỉ là một tiếng nói đơn lẻ trong lúc nhiều quốc gia khác trên thế giới không còn gắn liền số phân Al Assad với tương lai của Syria ?

Pascal Boniface: “Tổng thống Nga Vladimir Putin quan niệm Bachar Al Assad có một chỗ đứng trong tương lai của Syria. Thủ tướng Đức, Angela Merkel, cũng cho rằng quốc tế phải nói chuyện với ông Al Assad. Chỉ có Pháp là gạt bỏ khả năng này. Đây cũng là lập trường của Mỹ. Về thực chất, quan điểm của Pháp có thể chấp nhận được khi biết rằng người tị nạn Syria bỏ xứ ra đi vì họ chạy trốn chế độ của Damas. Số này đông hơn là thành phần phải tha phương cầu thực vì Daech.

Chính quyền của ông Bachar Al Assad gây ra nhiều nạn nhân và phải chịu trách nhiệm về những hành vi đó. Do vậy Pháp cho rằng, giúp đỡ chế độ Damas chẳng khác nào việc củng cố vị thế của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria. Những nhà phân tích về tình hình Syria hay các chuyên gia nghiên cứu về tổ chức Daech đều cho rằng, hai vấn đề này gắn liền với nhau.

Trong khi đó nếu chúng ta nhìn lại cuộc nổi dậy của người dân Syria, thì ban đầu đây là một cuộc nổi dậy ôn hòa. Thế rồi chính ông Bachar Al Assad đã chọn lấy giải pháp đàn áp. Damas đã dùng các phương tiện quân sự để đẩy lui một cách thô bạo các thành phần chống đối, và qua đó đẩy số này vào vòng tay của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Với hậu quả ngày nay là Syria đang bị tàn phá: một nửa dân số tại quốc gia này phải di dời chỗ ở. Về phía Damas, thì cho dù được đồng minh thân thiết là Nga hỗ trợ, chính quyền Damas vẫn mất dần quyền kiểm soát đất nước.

Trước tình huống đó, đúng là chúng ta có thể nói chuyện với Al Assad, nhưng để dàn xếp cho nhân vật này ra đi và nếu có thể thì quốc tế nói chuyện với ông ta để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi cho Syria. Matxcơva có thể chấp nhận luận điểm đó với điều kiện quyền lợi của Nga tại Syria phải được bảo đảm. Nga có thể nhấp nhận giải pháp đó cho Syria với điều kiện trong chính quyền mới tại Damas sẽ có một số những nhân vật cũ, nhưng không có mặt của Bachar Al Assad”.

Syria liệu có là bàn đạp để Nga trở lại trường quốc tế ?

Pascal Boniface: “Từ hai năm nay, khi khủng hoảng Ukraina bùng lên, Nga rơi vào thế cô lập. Thực tế thì khác hẳn: thứ nhất là tổng thống Putin thực sự được công luận Nga ủng hộ. Thứ hai là Matxcơva không bị các quốc gia đang trỗi dậy coi là một nước lớn với thái độ ngạo mạn như là các siêu cường của phương Tây. Tại thượng đỉnh nhóm BRICS quy tụ 5 nền kinh tế đang lên hồi năm 2014, bốn đối tác còn lại trong nhóm này đã rất vui vẻ đón ông Putin. Nói tới sự cô lập của Nga trên bàn cờ quốc tế, đó chỉ là một sự cô lập tương đối.

Đừng quên rằng, năm 2013 sau khi chính quyền của tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học đàn áp phe nổi dậy thì Nga đã đóng vai trò quan trọng khi đứng ra làm trung gian để đạt được thỏa thuận hủy vũ khí hóa học Syria. Vấn đề còn lại là quốc tế phải tìm hiểu vì sao Matxcơva can thiệp vào Syria và can thiệt như thế nào.

Phải chăng là Nga muốn bảo vệ tới cùng chế độ của ông Al Assad hay đó chỉ là một đòn để Matxcơva giành lại thế thượng phong trên hồ sơ này, gia tăng ảnh hưởng với chính quyền của Bachar Al Assad và qua đó bảo vệ chặt chẽ hơn những quyền lợi của Nga tại Syria ?

Trước mắt chưa ai biết rõ là Nga đang muốn gì. Có điều, ngay cả trong trường hợp Matxcơva gia tăng ảnh hưởng của mình với Damas, Nga cũng không thể giúp đỡ chính quyền hiện tại của Syria mãi được. Lợi ích của Nga trong tương lai tại Syria có lẽ là ủng hộ một tiến trình chuyển đổi, với những yếu tố khác ngoài Bachar Al Assad. Nhưng đó sẽ là một sự chuyển đổi khác hẳn so với những gì đã diễn ra ở Irak hồi năm 2003 hay tại Libya hồi năm 2011″.

RFI tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề