Sau hai ngày nghỉ ngơi ở Manali, thành phố nghỉ mát nằm cách New Dehli gần 500 cây số, chúng tôi tiếp tục lên đường đến Ladakh, vùng đất được mệnh danh là thiên đường của Ấn Độ.
Đường lên thiên đường xem ra không khác lắm đường xuống… địa ngục. Xe liên tục vượt qua những con đèo hiểm trở dài dằng dặc.
Sau hai trăm cây số chạy qua những sườn núi thưa thớt cây cối có rải rác những ngôi làng nhỏ thì hoàn toàn không thấy bóng dáng con người nữa, hai bên đường chỉ còn những ngọn núi trơ trọi cát đá.
Đất mặt trăng
Đường đi mỗi lúc một xấu dần, nhiều người muốn nín thở khi xe hết bon bon lội qua suối rồi lại ì ạch bò trên quãng đường nhỏ xíu một bên là vách đá, một bên là vực sâu hun hút.
May sao thỉnh thoảng đoàn cũng nhìn thấy những chiếc lều phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách và cảm thấy ấm lòng giữa một không gian mênh mông mà quá ít dấu hiệu của sự sống. Nhiều sách tiếng Anh từng gọi Ladakh là Moonland, có nghĩa là đất mặt trăng có lẽ cũng vì khung cảnh đất đá hoang vắng nguyên sơ nơi đây.
Giờ xe đã lên đến độ cao gần năm ngàn mét so với mực nước biển, khách trên xe đã có người than nhức đầu khó thở do không khí loãng. Trời dần tối, trăng mười sáu bắt đầu sáng vằng vặc cả góc trời, những ngọn núi lạnh lẽo khô cằn lúc ban chiều dưới ánh trăng bỗng lấp lánh như dát bạc.
Những tảng đá trắng trên núi bắt ánh sáng nhìn như ngọc ngà trong đêm, thật đẹp!
Cảnh đẹp trên đường lên núi cao
Xe hạ độ cao để tiến vào Ladakh, vùng đất huyền thoại này nằm giữa hai dãy núi Karakoram và dãy Zanskar cao chót vót. Hai bên đường bắt đầu thấy có xóm làng, điều đặc biệt là dù nhà cửa thưa thớt nhưng các tòa tháp Phật giáo lớn nhỏ thì có rất nhiều, cờ phướn Tây Tạng rực rỡ cũng xuất hiện ở nhiều nơi.
Chẳng trách dẫu tọa lạc ở bang Kashmir vốn nổi tiếng với những cuộc giao tranh liên miên, Ladakh lại được coi là thánh địa yên bình, là nơi được du khách yêu mến bởi cảnh đẹp và bề dày lịch sử văn hóa đáng nể.
Thủ phủ Leh trong mùa xuân
Từ ngàn năm trước, Ladakh đã không xa lạ với những thương nhân trên con đường tơ lụa. Nhà sư Huyền Trang khi đi thỉnh kinh cũng đã từng đặt chân lên vùng đất này. Ngày nay, Ladakh được chia làm hai khu vực là Kargil và Leh. Tại Leh, lượng tín đồ Phật giáo đông đảo đã biến thủ phủ này thành một vương quốc Phật giáo có nền văn hóa đặc sắc.
Tín ngưỡng ở đây là sự tổng hòa của tín ngưỡng Phật giáo Kashmir với cổ giáo Bon và Phật giáo Tây Tạng. Vì thế mà khi đặt chân vào Leh, nhiều người tưởng mình đang ở Lhasa, Tây Tạng.
Kiến trúc nhà dân nhìn khá đặc trưng với vật liệu đá, đất và gỗ
Phố xá ở Leh chỉ đủ cho du khách đi bộ trong một giờ đồng hồ. Kiến trúc phố núi khá đồng nhất, nhà cao lắm cũng chỉ một hai lầu. Thơ mộng nhất là những ngõ nhỏ quanh co với các ngôi nhà có tường bao thấp, bên tường nhà nào cũng trồng hoa đào trắng tinh khôi.
Đa số nhà phố ở đây đều có khoảnh vườn nhỏ trước nhà trồng khoai tây, cà bắp… Cạnh bên khu vực trung tâm là một ngọn đồi. Từ bất kỳ góc nào của Leh, du khách đều có thể thấy cố cung Leh Palace nằm trên lưng chừng ngọn đồi này.
Cố cung được xây dựng vào thế kỷ XVI khá đồ sộ và cổ kính. Mới nhìn tưởng gần, thật ra đường lên Leh Palace mất nhiều thời gian do ngoằn ngoèo và khá xấu. Bên trong cung điện cảnh sắc đã hoang tàn sau mấy trăm năm bị bỏ phế.
Phong cảnh đặc trưng của Ladakh
Rời cung điện, chúng tôi lần theo bờ dốc toàn đá để lên ngôi chùa cổ nằm ở đỉnh đồi. Chùa được xây dựng cách đây gần 600 năm nên không gian nội thất xưa đã bị hư hại nhiều, chỉ có bức tượng Phật Di Lặc cao 4,5 mét là còn uy nghi sừng sững.
Đứng từ đỉnh đồi nhìn xuống toàn cảnh phố Leh thấy lòng thật thư thái, yên bình. Phố xá ở đây còn nguyên vẻ đẹp mộc mạc tự nhiên như bao đời qua. Tối đến, Leh đi ngủ khá sớm. Các cửa hàng đóng cửa im lìm cho phù hợp với ánh đèn phố leo lét, may sao vẫn còn khu ăn uống khá nhộn nhịp.
Ẩm thực ở Leh hấp dẫn với các quán người Hoa, quán Ấn Độ và cả nhà hàng kiểu Âu có nhiều món ngon, khẩu vị tinh tế. Mỗi người khách chỉ cần bỏ ra hơn 100 ngàn đồng Việt Nam là có được bữa ăn ngon miệng và no bụng.
Những bảo vật của ngày xưa
Ngày thứ hai ở Leh chúng tôi đi thăm các tu viện nổi tiếng quanh thành phố. Xe đi qua những cung đường cao nguyên đẹp tuyệt vời dưới trời trong xanh vời vợi. Thảo nguyên cũng từng mảng xanh tươi nổi bật trên nền núi tuyết trắng tinh. Những xóm làng heo hút nằm dưới chân núi xám xịt cứ chạy vùn vụt qua cửa xe.
Tu viện Hemis trong một ngày hội
Vượt qua 50 cây số, cả đoàn đến với tu viện Hemis được xây dựng từ những năm 1630. Đây là tu viện lớn nhất Ladakh với khoảng 400 người theo học. Mua vé vào hết khoảng 50 ngàn đồng Việt Nam, chúng tôi được tham quan tu viện và khu bảo tàng dưới lòng đất của Hemis.
Bước vào sân lớn, hiện ra trước mắt mọi người là quần thể chính điện Hemis màu sắc rực rỡ, bên trong chính điện tường treo đầy những bức thangka cổ tuyệt đẹp. Chúng tôi lên tầng 2 của chính điện, nơi có khám thờ đại sư Liên Hoa Sanh, người được coi là ông tổ Phật giáo Tây Tạng.
Sau lưng khám thờ này có đường leo lên trên nóc của tu viện, từ đây nhìn ngắm cảnh vật xung quanh thật thích mắt. Gần tu viện nhất là mấy xóm nhỏ, mỗi xóm chỉ có chừng chục ngôi nhà xây bằng đá và bùn tạo nên phong cách khá ấn tượng giữa vùng núi cao.
Tượng Phật trong tu viện Thiksey
Không chỉ có kiến trúc cổ xưa và tranh quý, Hemis còn hấp dẫn với bảo tàng dưới lòng đất. Bảo tàng trưng bày những bộ sưu tập về điển tích Phật giáo, tranh tượng, đồ tế lễ, trang phục, vũ khí… là chứng nhân cho hơn một ngàn năm tồn tại của Phật giáo vùng Hy Mã Lạp Sơn và Phật giáo ở Ladakh. Có quá nhiều hiện vật quý giá mà chúng tôi phải cố gắng ghi nhớ trong đầu vì bảo tàng không cho quay phim chụp ảnh.
Quần thể tu viện Thiksey
Nổi tiếng thứ hai sau Hemis còn có tu viện Thiksey, đường đến Thiksey chạy qua con đường hai bên trồng cây dương xanh ngắt. Tuy sự giàu có không bằng Hemis nhưng Thiksey tạo ấn tượng ngay cho người tham quan bởi vẻ bề ngoài khoáng đạt.
Quần thể tu viện xây kín hết một ngọn đồi được bao bọc bởi hoang mạc và các trảng cát mênh mông. Nhìn xa, Thiksey như một cụm công trình tôn giáo mà chùa này chồng lên chùa kia, chùa kia chồng lên chùa nọ thành một khối xây dựng đè lên nhau.
Tu viện này lớn hơn cả cung điện của nhà vua và từ cửa vào có rất nhiều đường lên đỉnh đồi. Chúng tôi đi men theo một con đường mòn uốn quanh các tòa nhà quét vôi màu tươi rói để rồi hiện ra phía cuối con đường là chính điện Thiksey uy nghiêm.
Sức hấp dẫn của Thiksey không chỉ nằm ở cảnh quan tứ bề mà còn cả bên trong mỗi khám thờ. Thiksey xây vào thế kỷ XV, ngoài khám thờ cũ, tu viện còn có một khu mới xây vào năm 1980.
Nổi bật trong khám thờ này là tượng Phật Di Lặc cao 15 mét có tạo hình ấn chuyển pháp luân rất sống động. Các nghệ nhân mất đến bốn năm để tạo tác nên họa tiết rất tinh tế, tổng thể dù phối màu rực rỡ nhưng vẫn toát lên vẻ hiền từ thanh khiết.
Kiến trúc của Thiksey và một số tu viện trong Ladakh không chỉ đơn thuần là phục vụ cho tôn giáo mà còn mang tính phòng thủ. Điều đó lý giải phần nào địa thế xây các tu viện vùng này thường là nơi hiểm trở, yết hầu trên những đường cái quan hay những khu vực bờ sông lớn.
Nhờ đó mà ngoài vẻ đẹp thanh tịnh hướng đến tâm linh, các tu viện còn là nơi du khách đến để ngắm được toàn cảnh vẻ hùng vĩ của vùng núi non Kashmir.
Theo Doanh nhân Sài Gòn.
Trả lời