Bị mang tiếng là lừa dối đã là không hay rồi nhưng với các vận động viên và chính trị gia Nga thì lệnh cấm tham gia Thế vận hội sắp tới sẽ là một điều thật tai hại.
Và đó chính là mối lo ngại tại đây.
Những phản ứng ban đầu trước những tuyên bố về tình trạng dùng thuốc kích thích và tham nhũng trong thể thao là điều được tiên đoán: đó là sự tức giận và gọi toàn bộ vụ bê bối này là một đòn tấn công “chính trị”.
Thể thao trở thành trận địa mới nhất trong “cuộc chiến” giữa Đông và Tây.
Bác bỏ các cáo giác
Nhưng giọng điệu kể từ sau đó đã thay đổi khi họ nhận ra rằng cần phải giảm thiểu tác hại.
Tối hôm thứ Tư, Tổng thống Putin đã đưa ra bình luận đầu tiên của ông về chuyện này và lời lẽ mang tính hòa giải.
“Tôi đồng ý rằng đây không phải là vấn đề của chỉ riêng nước Nga,” ông nó với các viên chức thể thao đang tụ hội ở Sochi. “Nhưng nếu các đồng nghiệp quốc tế của chúng ta đặt câu hỏi thì chúng ta phải giải quyết chúng.”
Bản thân ông Putin là một người chơi môn judo ở cấp đai đen, ông nhấn mạnh rằng thể thao chỉ “hấp dẫn” khi nó là một cuộc thi công bằng.
“Tại nước Nga chúng ta phải làm tất cả mọi thứ để chấm dứt vấn nạn này,” ông ra chỉ thị với các viên chức thể thao của mình.
Bộ trưởng Thể thao, ông Vitaly Mutko, đã thú nhận là có vấn đề này và chỉ ra rằng Nga đã phế bỏ tới 300 vận động viên không đủ tiêu chuẩn mỗi năm vì chuyện dùng chất kích thích.
Thậm chí như vậy nhưng các viên chức bác bỏ đây là tình trạng doping đó là “có hệ thống” và “do nhà nước tài trợ” như theo miêu tả trong cuộc điều tra của Wada.
Nhận xét về mức độ nghiêm trọng của những cáo giác này, người đứng đầu Cơ quan chống doping của Nga (Rusada) nói: “Những cáo giác chống lại Rusada là dựa trên lời làm chứng cá nhân,” ông Nikita Kamaev nói với báo giới tại trụ sở của cơ quan này hồi trong tuần.
“Khi mà quý vị có một vận động viên đã bị loại bỏ không được thi đấu vì lừa dối và lời nói của họ có giá trị hơn lời nói của chúng tôi thì điều đó khiến cần đặt câu hỏi,” ông lập luận, dường như không nao núng trước những ghi âm bí mật đã được cung cấp như bằng chứng từ những người lên tiếng báo động về tình trạng doping này.
Ông Kamaev bác bỏ cáo giác là các vận động viên Nga đã được báo trước về việc xét nghiệm và ông bỏ qua trước những tuyên bố có sự dính líu của dịch vụ an ninh mật của nhà nước Nga, FSB.
Về phòng thí nghiệm đang là trọng tâm của những tuyên bố tham nhũng này, nhân viên tại đây đã không trả lời điện thoại kể từ khi Giám đốc từ chức hôm thứ Ba.
‘Nền thể thao yếu kém’
Trong khi Nga đang tìm cách trả lời chính thức tới Wada – mà thời hạn chót là ngày thứ Năm – việc đưa tin này trên truyền hình nhà nước là khá lặng lẽ.
Cũng không có mấy trên các mạng xã hội và toàn bộ vụ bê bối này chỉ chủ yếu gói gọn trên các trang thể thao của các báo.
Thể thao thời Soviet vốn là chyện chứng mình sự tối thượng của một cường quốc – với bất cứ giá nào – và vào thời đó thi thố được hỗ trợ bằng chất kích thích do nhà nước tài trợ là chuyện bình thường.
Bản phúc trình của Wada cho thấy cơ chế đó đã không sụp đổ cùng với nước Liên Xô cũ khi những người một thời từng là vận động viên nay trở thành các ông bầu và huấn luyện viên.
BBC tiếng Việt
Trả lời