Kế hoạch đưa tàu chiến hoặc máy bay quân sự Mỹ vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở biển Đông, nếu diễn ra, có thể mở ra một mặt trận căng thẳng mới giữa 2 nước này.
Theo các chuyên gia an ninh, những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải của Washington phải diễn ra thường xuyên mới đạt được hiệu quả mong muốn, nhất là khi Bắc Kinh đang có tham vọng bành trướng sức mạnh quân sự ở Đông Nam Á và xa hơn. “Kiểu tuần tra này không thể chỉ một lần rồi thôi mà phải diễn ra thường xuyên để tăng sức nặng cho thông điệp của mình” – ông Ian Storey, chuyên gia về biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nhận định.
Bà Bonnie Glaser, chuyên gia an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), dự báo các sứ mệnh trên có thể sẽ thường xuyên bởi hải quân Mỹ không muốn bị gạt ra rìa hoàn toàn ở biển Đông. “Không ai muốn Trung Quốc đơn phương áp đặt một khu vực cấm đi lại và kiểm soát vùng biển không phải của mình” – bà Glaser nói với Reuters.
Một số chuyên gia khác lo ngại Trung Quốc sẽ tìm cách cản trở Mỹ, đe dọa gây ra căng thẳng quân sự và chính trị. Chẳng hạn, tàu hải quân Trung Quốc có thể cản trở hoặc bao vây tàu Mỹ, làm leo thang cuộc đối đầu.
An ninh hàng hải, nhất là tình hình biển Đông, chắc chắn là một trong những nội dung thảo luận chính khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp người đồng cấp Indonesia Joko Widodo ở Nhà Trắng vào tuần tới.
Trả lời báo The Wall Street Journal (Mỹ), ông Luhut Pandjaitan – Bộ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị, pháp lý, an ninh của Indonesia – cho biết Mỹ có quyền cho tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo nói trên bởi đó là vùng biển quốc tế. Ngoài ra, quan chức này khẳng định Jakarta không công nhận cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để mưu đồ độc chiếm biển Đông, đồng thời sẽ sớm đóng vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết xung đột ở vùng biển này.
Theo NLĐ
Trả lời