“Loạn” tuyển sinh vì mỗi trường một kiểu?

Dùng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển, nhiều trường xuất hiện tổ hợp khối thi lạ, thậm chí xét cả học bạ, hạnh kiểm… Thêm nữa, mỗi thí sinh sẽ có từ 6-9 nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ khiến kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 có phần rắc rối, hỗn loạn cho cả nhà trường lẫn thí sinh.

Xuất hiện nhiều khối thi lạ

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 còn khoảng 8 tháng nữa là diễn ra. Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, CĐ công bố phương thức xét tuyển khác nhau, đáng chú ý là sự xuất hiện nhiều tổ hợp môn xét tuyển lạ. Ví dụ ở ÐH Cần Thơ, thí sinh có thể lựa chọn nhiều môn để xét tuyển như: với ngành Luật, ngoài môn Toán hoặc Ngữ văn, thí sinh có thể chọn 2 trong 6 môn thi tốt nghiệp còn lại; Ngành Kỹ thuật môi trường, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Hóa, thí sinh có thể chọn Vật lý, Sinh học hoặc Tiếng Anh.

Lãnh đạo ÐH Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên cho biết, năm 2015 trường tuyển sinh dựa hoàn toàn vào kết quả thi THPT quốc gia. Trường xét điểm 3 môn, trong đó Toán là môn bắt buộc, với 2 môn còn lại, thí sinh được tự chọn trong số 4 môn gồm Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý và Hóa học. Trường ĐH Công nghệ Việt Trì cũng có môn Ngữ văn trong tổ hợp xét tuyển vào các ngành kỹ thuật như Công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, Công nghệ kỹ thuật điều khiển – tự động hóa…

Trường ÐH dân lập Đông Ðô dành nhiều chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển riêng với nhiều tổ hợp môn xét tuyển, gồm các khối thi truyền thống, lẫn nhóm môn mới như Toán – Sinh học – Tiếng Anh. Phương án tuyển sinh riêng của ĐH Thái Bình Dương dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó có các tiêu chí về kết quả học tập THPT, ngoài ra có áp dụng hình thức phỏng vấn bổ sung những trường hợp bằng điểm.

Một số trường ĐH còn thêm điều kiện sơ tuyển như: ĐH Ngoại thương chỉ xét tuyển các thí sinh có điểm trung bình học tập từng lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên và hạnh kiểm khá trở lên. ĐH Bách khoa Hà Nội trước khi xét tuyển từ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng sẽ sơ tuyển các thí sinh có tổng điểm trung bình các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển (của 6 học kỳ) từ 20,0 trở lên. ĐH Y Thái Bình cũng tiến hành sơ tuyển, dựa vào xếp loại hạnh kiểm và kết quả học tập của thí sinh với các môn Toán, Hóa học và Sinh học trong 5 học kỳ THPT (với thí sinh tốt nghiệp năm 2015) hoặc 6 học kỳ (với thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).

Thí sinh rối, trường lo “ảo”

Đánh giá về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2015, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, việc mở ra nhiều tổ hợp môn xét tuyển có thể giúp thí sinh có nhiều sự lựa chọn, qua đó nhà trường sẽ tuyển được đủ chỉ tiêu mong muốn. Tuy nhiên, sự xuất hiện của quá nhiều nhóm môn có nguy cơ khiến cho công tác xét tuyển rối thêm. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh và người nhà cũng rất hoang mang chưa biết nên lựa chọn khối thi nào cho phù hợp để ôn luyện, khâu tổng hợp thông tin cũng rất mất thời gian bởi mỗi trường một kiểu.

Ông Trần Văn Nghĩa – Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ÐT) cũng cảnh báo: “Thay đổi quá nhiều sẽ không có lợi cho chính các trường. Thí sinh có thể e ngại vì các em đã học, luyện thi theo khối thi truyền thống từ khi vào lớp 10”. Bên cạnh đó, ông Nghĩa cũng chỉ ra một mối lo khác, sau khi có kết quả thi mới xét tuyển sẽ rất phức tạp. Thí sinh càng nhiều nguyện vọng thì trường càng nhận được nhiều hồ sơ “ảo”.

Theo Bộ GD&ĐT, nhằm hạn chế thí sinh “ảo”, Bộ dự kiến thí sinh chỉ được đăng ký một số nguyện vọng nhất định, ưu tiên từ trên xuống dưới, thậm chí Bộ còn đang xem xét để đưa phần mềm xử lý thông tin đăng ký của thí sinh. Tuy nhiên, dù thí sinh có vài nguyện vọng (trước đó Bộ dự kiến có 6 nguyện vọng), thì các trường cũng canh cánh mối lo thí sinh “ảo”, nhất là những trường ĐH, CĐ “tốp” dưới, trường ngoài công lập.

PGS Vũ Văn Hóa – Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cho rằng: “Càng nhiều nguyện vọng thì số thí sinh “ảo” càng tăng lên. Hàng năm trường có hơn 10.000 giấy báo nhập học, nhưng chỉ có 2.000 em đến, còn hơn 8.000 giấy báo nhập học bỏ đi khiến lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Trường cũng vất vả trong việc chờ đợi thí sinh…”.

Còn PGS Bùi Xuân Nhàn – Phó Hiệu trưởng ĐH Thương mại đánh giá: “Nếu có 3 nguyện vọng thì đã nhìn thấy có “ảo” rồi. Năm nay, có điểm thi rồi mới đăng ký xét tuyển. Mỗi đợt có nhiều trường cùng xét tuyển, thí sinh đi rải hồ sơ, gây khó khăn cho các trường gọi đủ chỉ tiêu”.

Theo ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD&ĐT), từ ngày 15/10, đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ sẽ được Bộ GD&ĐT công bố để lấy ý kiến trong vòng một tháng. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp ý kiến và đề nghị các trường chỉnh sửa, rồi xác nhận đề án phù hợp. Chậm nhất là ngày 1/1/2015, các trường phải công khai để thí sinh được biết.


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề