Kinh tế vẫn dựa vào xuất khẩu tài nguyên

Dù chủ trương hạn chế khai thác tài nguyên, khoáng sản đã được thực hiện, song nền kinh tế vẫn còn dựa đáng kể vào việc bán những tài sản quốc gia này. Theo các chuyên gia, việc khai thác, xuất khẩu tài nguyên để phục vụ cho tăng trưởng là không bền vững do nguồn tài nguyên thiên nhiên chỉ có hạn.

Doanh nghiệp vẫn muốn bán tài nguyên để kiếm lời

Năm 2014 Việt Nam sản xuất được 71 triệu tấn xi măng, trong đó xuất khẩu cũng lên đến 21 triệu tấn, thu về gần 1 tỉ USD. Trong hội thảo về ngành xi măng vừa diễn ra, một lãnh đạo Bộ Xây dựng đã bày tỏ sự ủng hộ việc xuất khẩu xi măng bởi tài nguyên đá vôi nước ta có đến 12 tỉ tấn, “sử dụng cả trăm năm cũng không hết”. Nhưng TS Trần Văn Huynh, khi còn là Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: Không nước nào làm xi măng để xuất khẩu vì giá trị không cao, mặt khác đây thực chất là xuất khẩu tài nguyên của đất nước.

Thực tế, việc xuất khẩu xi măng mới chỉ diễn ra vài năm trở lại đây khi bất động sản trong thời kỳ “đóng băng”, nguồn cung xi măng vượt quá nhu cầu trong nước. Bối cảnh này buộc các doanh nghiệp xi măng phải tìm đường xuất khẩu như một “chiếc phao cứu sinh”.

Không chỉ có doanh nghiệp ngành xi măng mới phụ thuộc vào xuất khẩu. Giữa tháng 4 năm nay, Hội doanh nghiệp khai thác và Chế biến quặng sắt với hàng loạt doanh nghiệp ở các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn… đã có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính đề nghị giảm thuế xuất khẩu quặng sắt từ mức 40% xuống còn 5%; mở rộng hạn ngạch xuất khẩu quặng sắt… Lý do là theo các doanh nghiệp này, có tới 90% số doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt đã phá sản và 10% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và nguy cơ cũng phá sản. Kiến nghị này đưa ra trong bối cảnh quặng sắt là mặt hàng hạn chế xuất khẩu.

Điều cần lưu ý, sở hữu thuế xuất khẩu quặng sắt ở mức “kịch khung” (40%) là do tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ, Chính phủ đã giao “Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thuế xuất khẩu lên mức phù hợp đối với mặt hàng không khuyến khích xuất khẩu, tài nguyên, nguyên liệu thô”. Quặng sắt là một trong những mặt hàng nằm trong danh sách đó. Ngoài ra, mới đây, tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo “không xuất khẩu quặng thô”.

Xuất khẩu dầu thô, than đá để “kích” tăng trưởng

Câu chuyện xuất khẩu của ngành xi măng hay của các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu quặng sắt là những lát cắt cho thấy xuất khẩu tài nguyên ở nước ta vẫn được xem trọng. Trong một báo cáo vừa công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức thừa nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ trong quý I (tăng 6,03%) chủ yếu là do đóng góp đáng kể của ngành khai khoáng mà chủ yếu là khai thác xuất khẩu dầu thô, than đá, công nghiệp chế biến chế tạo. Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn nhận định: Trong các quý tới nếu ngành khai khoáng không duy trì mức tăng như quý I thì tăng trưởng kinh tế có thể sẽ chậm lại.

Trong một nghiên cứu vừa công bố đầu tháng 5, nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã phân tích cụ thể hệ lụy của việc tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. VEPR cho rằng: Do giá giảm sâu, các doanh nghiệp dầu khí và xăng dầu tại Việt Nam tăng cường xuất khẩu dầu thô và nhập khẩu sản phẩm xăng dầu qua chưng cất. Khối lượng dầu thô xuất khẩu tăng mạnh trong quý I, đạt gần 2 triệu tấn. Việc gia tăng xuất khẩu này chỉ có lợi nếu giá dầu thô tiếp tục giảm, nhưng khi phần lớn dự báo nhận định giá dầu sẽ hồi phục dần và khó giảm dưới 50 USD/thùng, tăng bán dầu thô không hoàn toàn có lợi.

Thực tế, không phải quý I năm nay, kinh tế mới dựa vào dầu thô, than đá… Vào năm 2014, việc tăng cường khai thác và xuất khẩu những mặt hàng này đã giúp kinh tế đạt được mức tăng trưởng ở mức xấp xỉ 6%. TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế- xã hội quốc gia cho biết: Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014 cao hơn năm 2013 chủ yếu do bán thêm 1 triệu tấn dầu thô, khoảng 500.000 tấn than. Việc này không chỉ năm 2014 mà cả mấy năm trước nếu không đạt tăng trưởng theo kế hoạch thì phải khai thác thêm dầu thô, than đá để đạt chỉ tiêu…

Theo tính toán của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2014, tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản vẫn chiếm tới 44,3% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Dù đánh giá vai trò của khai thác và xuất khẩu dầu thô đối với nền kinh tế có giảm song theo chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh, khai thác và xuất khẩu dầu thô nói chung, thu ngân sách Nhà nước từ dầu thô nói riêng vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Thậm chí, nó là cứu cánh trong một số giai đoạn phát triển của nước ta. Chẳng hạn giai đoạn 2002-2008 dầu thô liên tục đóng góp từ 20-30% vào tổng thu ngân sách Nhà nước.

TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển nhấn mạnh: Tăng trưởng kinh tế không nên dựa quá nhiều vào xuất khẩu dầu thô mà phải đổi mới mô hình tăng trưởng. Bài học từ nước Nga cho thấy, nếu dựa quá nhiều vào xuất khẩu dầu thô, nước xuất khẩu sẽ gặp thiệt hại lớn khi giá dầu giảm.

Theo các chuyên gia, cần tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo hướng giảm tỷ trọng của nhóm sản phẩm thô và sơ chế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, tăng nhanh tỷ trọng của nhóm sản phẩm chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Ngoài ra, cần ưu tiên phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao để tăng nguồn hàng xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao.

Vũ Lan Phương (Theo Báo Hải Quan)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề