Đại biểu VÕ THỊ DUNG (TP.HCM) đã đặt vấn đề như vậy trước đề xuất xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm ăn thua lỗ, đang tiến hành cổ phần hóa.
Trước đây Vinashin, Vinalines làm ăn thua lỗ cuối cùng ngân sách nhà nước cũng gánh chịu, hàng chục ngàn tỉ đồng của nhân dân trôi đi. Bây giờ lại có chính sách để hợp thức những cái thua lỗ mà không ai chịu trách nhiệm.
Chính phủ trình nội dung này ra vì cho rằng không xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp này thì không tiến hành được cổ phần hóa, nguyên nhân đó khó chấp nhận |
Đại biểu VÕ THỊ DUNG (TP.HCM) |
Giải thích rõ hơn về quan điểm của mình, bà Dung nói:
– Hiện nay chúng ta nói giữa các thành phần kinh tế phải bình đẳng với nhau, vậy xóa nợ thuế cho các DNNN sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Điều đó cử tri và nhân dân không thể chấp nhận.
* Chính phủ trình ra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế có điều khoản đề nghị xóa nợ thuế cho các DNNN đang tiến hành cổ phần hóa, nhưng không kèm theo các thông tin về doanh nghiệp, số tiền nợ thuế được xóa. Phải chăng đây là điểm mấu chốt làm các đại biểu Quốc hội như bà không yên tâm?
– Đầu tiên phải tìm ra nguyên nhân vì sao DNNN đó nợ. Muốn xóa nợ thuế cho doanh nghiệp nào thì Quốc hội phải có nghị quyết riêng, đại biểu phải có danh sách từng DNNN được đề nghị xóa nợ thuế để xem xét.
Không thể dùng một chính sách để áp cào bằng cho tất cả DNNN nợ thuế và mở đường tháo chạy nợ thuế cho những doanh nghiệp khác. Chính phủ phải báo cáo đầy đủ với Quốc hội để đại biểu còn về báo cáo lại với cử tri, chứ không thể bàn ở nghị trường rồi thôi.
Một chính sách cào bằng như vậy sẽ không giải quyết được sự bất bình đẳng. Nguy hiểm hơn là tạo ra sự chai lì với các DNNN chưa nộp thuế. Vì đằng nào họ cũng biết khi cổ phần hóa sẽ được xóa nợ thuế. Thậm chí phải đặt trường hợp có những doanh nghiệp dùng tiền để nộp thuế cho vào túi riêng, tham ô tham nhũng, nay lại được Nhà nước xóa nợ.
Phải tính đến trách nhiệm người quản lý điều hành doanh nghiệp, chứ không thể chỉ có ngân sách nhà nước gánh, những người lao động chân chính phải gánh. Tôi không tin chính sách xóa nợ thuế sẽ thúc đẩy được quá trình cổ phần hóa, trái lại sẽ để lại hậu quả về tài chính. Trước hết là hậu quả về lòng tin của nhân dân sẽ suy giảm.
* Tại cuộc thảo luận, có ý kiến của một số đại biểu Quốc hội đặt ra vấn đề liệu có lợi ích nhóm trong việc xóa nợ thuế này hay không? Ý kiến của bà như thế nào?
– Tôi chưa thấy rõ chính sách này sẽ tạo ra lợi ích nhóm thế nào, nhưng nói sòng phẳng là không công bằng. Tại sao doanh nghiệp tư nhân nợ thuế thì chẳng những phải trả nợ mà còn đóng tiền phạt, trả lãi suất do chậm nộp thuế, trong khi DNNN được xóa? Đồng thời, bây giờ đặt ra chính sách này là tạo tiền đề cho những DNNN làm ăn thua lỗ sẵn đường để chạy.
Trong bối cảnh Chính phủ đang rất căng thẳng về ngân sách, phải vay nước ngoài đảo nợ, rồi tạm ứng của Ngân hàng Nhà nước, thoái vốn nhà nước khỏi các doanh nghiệp lớn để lấy tiền chi tiêu trước mắt thì việc xóa nợ, cho không, bỏ qua một khoản ngân sách là điều không chấp nhận được.
Có vô lý không khi ngân sách những năm vừa qua rất khó khăn, năm 2016 tiếp tục khó khăn, không có tiền để tăng lương mà lại đi xóa nợ thuế cho DNNN thua lỗ?
Theo TTO
Trả lời