IPO Vietnam Airlines: Hai lệnh “khủng” chiếm 98% cổ phần bán được

Đúng như thị trường xôn xao trước phiên IPO, hai lệnh “khủng” tổng cộng hơn 48 triệu cổ phiếu đã trúng thầu trong phiên đấu giá của Vietnam Airlines, chiếm hơn hơn 98% tổng số cổ phần bán được.

Sáng ngày 14.11, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiến hành phần đấu giá công khai ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Giá đặt mua cao nhất trong phiên IPO là 223.000 đồng/cổ phần nhưng với khối lượng mang tính “tượng trưng” 100 cổ phần. Giá đặt mua thấp nhất và cũng là mức giá được đặt lệnh nhiều nhất bằng giá khởi điểm 22.300 đồng/cổ phần. Giá trúng thầu bình quân là 22.307 đồng/cổ phần.

Gây chú ý nhất trong cả phiên đấu giá thuộc về hai lệnh có khối lượng đặt mua cao nhất là 25.760.000 cổ phần, khối lượng cao kế tiếp là 22.562.900 cổ phần. Theo thông tin xôn xao trước phiên đấu giá thì hai nhà đầu tư đặt mua khối lượng “khủng” trên là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Quan sát diễn biến phiên đấu giá cũng cho thấy, ngoại trừ hai lệnh đạt khối lượng cao nhất trúng giá trên thì hơn 1.600 lệnh đặt mua còn lại không có nhiều ấn tượng vì giá chỉ bằng giá khởi điểm và khối lượng chỉ vài ngàn cổ phiếu.

Kết phiên đấu giá, tổng giá trị Vietnam Airlines thu về là 1.093 tỉ đồng tương đương với 49.009.008 cổ phần đã bán được.

Trước đó, theo thông tin công bố từ HOSE, tổng số nhà đầu tư tham gia đợt IPO của Vietnam Airlines là 1.608 nhà đầu tư với khối lượng đăng ký 49.336.200 cổ phần. Trong đó, 2 tổ chức trong nước đăng ký mua hơn 48,3 triệu cổ phần. Không có nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đăng ký tham gia đợt đấu giá này.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư cá nhân không quan tâm nhiều đến đợt IPO này là giá chào bán khá cao, khoảng 2,2 lần giá trị sổ sách và tỷ lệ EV/EBITA (giá trị vốn chủ sở hữu trên thu nhập trước lãi vay và thuế) 2013 là 11,7 lần, trong khi những con số này của các hãng hàng không khác trong khu vực lần lượt là 1,1 lần và 9,0 lần. Ngoài ra, các nhà đầu tư tiềm năng cũng lo ngại vì vẫn chưa có khung thời gian cụ thể về việc niêm yết cổ phiếu Vietnam Airlines trên một sàn giao dịch chứng khoán lớn sau IPO.

Hiện tại vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 10.576 tỉ đồng. Để cổ phần hóa, Vietnam Airlines sẽ tiến hành phát hành thêm 352,5 triệu cổ phần để nâng vốn lên 14.102 tỉ đồng. Trong đó ngoài phần bán đấu giá công khai 49.009.008 cổ phần (3,5%) ra bên ngoài, còn 20,8 triệu cổ phần được chào bán cho cán bộ nhân viên (ESOP) và hơn 282 triệu cổ phần (20%) cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Sau cổ phần hóa, Nhà nước sẽ giữ tỷ lệ chi phối là 75% cổ phần tại Vietnam Airlines trong giai đoạn đầu, tiếp theo sẽ giảm tỷ lệ này xuống mức không thấp hơn 65%, và trong tương lai nữa sẽ ủy quyền cho Bộ Giao thông vận tải quyết định thời điểm giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 65%.

Theo thông tin từ lãnh đạo Vietnam Airlines, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2014 ghi nhận 100 tỉ đồng, so với ợi nhuận kế hoạch cả năm của Vietnam Airlines là 341 tỉ đồng. Được biết, lợi nhuận năm 2013 của Vietnam Airlines là 257,5 tỉ đồng. Trong khi trong năm 2012, cổ đông công ty mẹ chịu lỗ 63 tỉ đồng trong khi cổ đông thiểu số được nhận về gần 206 tỉ đồng.

Thời gian gần đây, nhà đầu tư có thêm cơ hội lựa chọn cổ phiếu ngành hàng không Công ty TNHH Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (Sasco) vừa IPO, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài – Nội Bài (Cargo) đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu tại sàn HOSE. Hiện tại, trên sàn hiện có 3 doanh nghiệp thành viên của Vietnam Airlines niêm yết gồm CTCP Dịch vụ hàng không Sân bay Đà Nẵng (Masco, mã MAS), CTCP In Hàng không (IHK) và CTCP Xuất Nhập khẩu hàng không (ARM).


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề