Việt Nam hội nhập sâu rộng từ năm 2015. Những dịch chuyển về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả lao động sẽ diễn ra với tốc độ cực lớn. Nhưng, các doanh nghiệp vẫn thong thả, bình chân như vại. Đây là một thách thức rất lớn.
Bước ngoặt tạo ra cơ hội
Trong năm 2015, hàng loạt hiệp định thương mại tự do sẽ được ký kết. Ngoài việc chính thức thành lập Công đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam có thể ký kết 6 hiệp định thương mại tự do (FTAs), bao gồm Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ASEAN+6 FTA (RCEP), Việt Nam-EU FTA, Việt Nam-Hàn Quốc FTA, Việt Nam- Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazaxtan FTA, và EFTA (FTA giữa VN và 4 nước Trung, Bắc Âu).
Những nỗ lực mở cửa lần này được đánh giá là rất “dũng cảm”, bởi không nước nào trong ASEAN dám tham gia đầy đủ các hạng mục với các đối tác lớn trong các FTAs, nhất là TPP, như Việt Nam. Hơn thế, trong hầu hết các FTAs, Việt Nam thường là nước có trình độ phát triển thấp nhất nhưng dám “bước chân” vào chung sân chơi và chơi sòng phẳng cùng các ông lớn.
Tại Hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp trong tình hình kinh tế mới” mới đây, TS. Võ Trí Thành trích dẫn các phân tích đánh giá cho thấy, nếu Việt Nam tham gia TPP, xuất khẩu và GDP có thể tăng thêm tương ứng 68 tỷ USD và 36 tỷ USD, hay 28,4% và 10,5% vào năm 2025 so với kịch bản nếu không tham gia TPP.
TS. Võ Trí Thành phân tích, TTP bao gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia,… vốn là thị trường xuất khẩu lớn có lợi cho nhiều mặt hàng của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản,… Phần lớn các mặt hàng này có khả năng mở rộng thị trường và gia tăng xuất khẩu do thuế suất giảm sâu. Như ngành dệt may, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 50% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam với thuế suất trung bình 17,3%, cao nhất 32%, sẽ giảm xuống 0%.
“Chưa bao giờ cơ hội kinh doanh, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận lại cao như bây giờ. Đứng theo chiều rộng TPP là 30% thương mại và 40% GDP toàn cầu. ASEAN+6, 16 nước 30% thương mại và 30% GDP toàn cầu. Dân số riêng trong ASEAN+6 đã 1,3 tỷ, Ấn Độ 1,1 tỷ, ASEAN 600 triệu. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu thích ăn diện, toàn lớp trẻ nên thị trường rất mênh mông rộng lớn”, ông Thành chia sẻ với các DN.
Tiếp nữa là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng để tận dụng lợi thế mới mà TPP đem lại. Dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn.
Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất xét trong trung và dài hạn, đó là việc thực thi cam kết cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó không chỉ hấp dẫn đầu tư, mà còn tạo nền tảng phân bổ các nguồn đầu tư hiệu quả, dù đó là vốn trong nước hay vốn nước ngoài.
Đừng thờ ơ, bình chân như vại
Nhiều tính toán và lập luận cho thấy tiềm năng và cơ hội to lớn do hội nhập đem lại. Song, bài học sau 8 năm gia nhập WTO của Việt Nam cho thấy, cơ hội có khi lại trở thành thách thức nếu thiếu ứng xử chính sách vĩ mô thích hợp và những cải cách bên trong cần thiết.
Tác động tổng thể của hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam có thể rất tích cực, song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp. Việt Nam phải mở cửa mạnh hơn và do vậy, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Những ngành vốn được bảo hộ nhiều và những doanh nghiệp kém cạnh tranh sẽ phải giảm sản xuất, thậm chí thu nhỏ hoặc phá sản. Các vấn đề xã hội có thể nảy sinh đáng kể nơi này nơi kia. Giảm thiểu phí tổn điều chỉnh và những rủi ro xã hội trong quá trình hội nhập cũng là bài toán Việt Nam cần thực sự quan tâm giải quyết.
Chia sẻ những thách thức mà nhiều DN có thể sẽ gặp phải sau bước ngoặt hội nhập 2015, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hội nhập sẽ ảnh hưởng tới không chỉ DN, mà cả từng người lao động, trong đó có ông.
“Chúng ta sẽ không được miễn trừ trong hội nhập”, ông Hiếu nói. Do đó, các chuyên gia khuyên DN Việt cần xây dựng chiến lược kinh doanh tổng thể và cho hội nhập.
Nhìn chung, với các FTAs Việt Nam đang đàm phán, có những hiệp định rất sâu, hướng tới mục tiêu tự hóa thương mại, dịch vụ và đầu tư như TPP và VN-EU. TPP đặt rất cao luật chơi, không phân biệt nước cao nước thấp, nước giàu nước nghèo. Câu chuyện giúp đỡ nằm bên ngoài hiệp định.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, 2015 nhẽ ra sẽ là một năm rất sôi động nhưng trên thực tế, mức độ quan tâm không được nhiều. Nền kinh tế đang đứng trước một điểm nút. Những dịch chuyển về hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và cả lao động sẽ diễn ra với tốc độ cực lớn. Nhưng các DN vẫn thong thả, bình chân như vại, điếc không sợ súng. Đây là một thách thức rất lớn.
Khảo sát nhanh của TS. Nguyễn Trí Hiếu cho thấy, chỉ khoảng vài phần trăm số DN trả lời cho biết có chuẩn bị cho hội nhập, 10% chưa chuẩn bị gì, một số nói thẳng không quan tâm.
2015 được xem là năm có dấu hiệu phục hồi chung, tăng trưởng tốt lên so với năm trước đó, 3 tháng đầu năm 2015 còn tăng trưởng tốt hơn nữa. Nghỉ Tết rất nhiều, làm ít, số lượng DN “chết” nhiều hơn nhưng tăng trưởng vẫn cao hơn. Phân tích kỹ có thể thấy, động lực chính cho sự phục hồi chính là khối DN FDI.
Sự tăng trưởng của khối FDI không có gì lạ bởi Việt Nam đang nằm trong một khu vực năng động nhất. Các FTAs Việt Nam tham gia đang bao trùm toàn bộ khu vực mà một trăm nữa vẫn phát triển năng động nhất thế giới.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà AEC xây một mô hình khu vực có thị trường sản xuất chung và nền sản xuất chung. Bởi đây là nền sản xuất nối với Đông Á và toàn cầu. Qua Việt Nam có thể nối được với Hoa Kỳ và EU. Đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các DN Việt nên xác định các lĩnh vực thế mạnh của mình như nông nghiệp, dệt may, da giày, đồ gỗ, du lịch, IT,… Bên cạnh đó, phải tìm cách tham gia vào các mạng sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực/toàn cầu. Thương mại hàng trung gian, linh kiện trở thành “nhân tố hết sức năng động”, cùng với đó là dịch vụ hỗ trợ và kết nối gia tăng.
VNN
Trả lời