Hacker Anonymous khét tiếng nhất thế giới – Những điều chưa biết

Hacker Anonymous không phải một tổ chức tội phạm mạng, đây chỉ là nhóm hacker có những hoạt động mang tính chất chính trị, không có “đầu sỏ” và trụ sở hoạt động có thể ở bất cứ đâu chúng muốn.

Trong thời đại công nghệ số, việc sử dụng Internet, sử dụng máy tính trở thành một công việc thường ngày của hàng tỷ người dân trên thế giới. Mạng Internet, máy tính mang lại cho con người rất nhiều tiện ích về chia sẻ, kết nối và tìm hiểu thông tin nhưng cũng mang lại không ít phiền toái cho người sử dụng và cơ quan quản lý, đặc biệt là vấn đề máy tính bị lây nhiễm virus hay bị tin tặc tấn công.

Thông thường nhất là những vụ tấn công máy tính, hệ thống mạng để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng, thông tin cá nhân, tống tiền nạn nhân. Nguy hiểm hơn là những vụ phát tán virus với tốc độ chóng mặt mà phải mất rất nhiều thời gian người ta mới tìm được cách ngăn chặn.Nguy hiểm hơn nữa là những vụ đánh sập máy tính, hệ thống mạng, thay đổi giao diện trang web. Đa phần những vụ tấn công này đều vì mục đích kinh tế và rất dễ tìm ra thủ phạm.

11

Những tên tội phạm giấu mặt

Nhưng những vụ tấn công của Anonymous hoàn toàn ngược lại. Mục đích của chúng là vấn đề chính trị, băng nhóm này hoạt động không theo quy luật, không có cơ cấu tổ chức rõ ràng nên cho đến bây giờ nó vẫn là một ẩn số lớn với cơ quan chức năng các nước và toàn thế giới.

Anonymous không phải là một tổ chức tội phạm

Anonymous được thành lập từ năm 2003 trên một diễn đàn đăng ảnh mang tên Imageboard 4 chân. Nhưng Anonymous không phải là một tổ chức tội phạm mạng, mọi hacker trên thế giới đều có thể tự xưng là thành viên của nhóm này và hoạt động độc lập với nhau.

Anonymous chỉ là nhóm hacker có những hoạt động mang tính chất chính trị, hay còn gọi bằng thuật ngữ “hacktivists”. Anonymous không có tên trùm và trụ sở hoạt động có thể ở bất cứ đâu chúng muốn. Nhóm hacker này hoạt động trên nguyên tắc số đông, tức là chúng chỉ tổ chức tấn công vào một địa chỉ nào đó khi có phần lớn thành viên tán thành.

Nhóm có số lượng thành viên đông đảo trên khắp thế giới, sử dụng thủ đoạn từ chối dịch vụ (DDoS) để thực hiện các cuộc tấn công đại trà vào các website, hệ thống máy chủ của những cơ quan, tổ chức chính phủ hoặc doanh nghiệp có liên quan đến các hoạt động mà nhóm hacker này cho rằng “gây hại” đến sự tự do Internet hoặc có liên quan đến những sự kiện mà nhóm này quan tâm.

Tính đến cuối năm 2011, nhóm hacker này có khoảng 1.000 thành viên, chủ yếu là thanh niên (đôi khi cũng có những người khá lớn tuổi), chuyên gia công nghệ thông tin và những người có thời gian, có vốn kiến thức về công nghệ thông tin, phần mềm. Họ là những người sử dụng mạng ở khắp mọi nơi trên thế giới, có quan điểm nhiều chiều về nhiều chủ đề, không có tên tuổi rõ ràng và liên lạc với nhau bằng những bí danh trên mạng xã hội.

Biểu tượng của Anonymous.

Biểu tượng của Anonymous.

Ban đầu, Anonymous chỉ đăng những bức hình châm biếm để phản đối và kêu gọi trả đũa lại những chiến dịch do thám thông tin của một số nước phương Tây và Mỹ nhưng dần dần Anonymous chuyển sang tấn công vào trang web của các cơ quan chính phủ như Mỹ, Israel, Tunisia, Uganda; các trang về lạm dụng tình dục trẻ em trực tuyến, các cơ quan bảo vệ tác quyền, trang web của Nhà thờ Khoa luận học (Church of Scientology), Hiệp hội Phim ảnh, Hiệp hội Công nghiệp thu âm của Mỹ và một số công ty, tổ chức tài chính như PayPal, MasterCard, Visa và tập đoàn Sony. Biểu tượng duy nhất gắn liền với nhóm hacker này là hình ảnh một người đàn ông đeo chiếc mặt nạ Guy Fawkes trong bộ truyện tranh “V for Vendetta”.

Anonymous đã từng tấn công vào các trang web của CIA, FBI, NATO, Liên Hiệp quốc, Malaysia, Singapore, tập đoàn Sony và mới đây nhất là Úc…

Kẻ gây ra những vụ tấn công mạng “có một không hai”

Dựa vào những thông điệp mà nhóm Anonymous để lại sau khi thực hiện các cuộc tấn công và những dòng thừa nhận trách nhiệm trên blog hay Twitter, tất cả các cuộc tấn công của nhóm đều nhằm mục đích “đấu tranh vì tự do ngôn luận”, thể hiện sự bất đồng chính kiến, thể hiện sự phản đối trước một chính sách nào đó hoặc đơn giản chỉ là để dằn mặt bất cứ ai có ý định vạch mặt hoặc buộc tội thành viên của nhóm hay những người nhóm tôn sùng. Tấn công mạng được nhóm hacker sử dụng như một thứ vũ khí hiệu quả để đạt được mục đích.

Anonymous tấn công vào trang web của cá nhân, tổ chức, trang web Chính phủ nhằm lấy cắp được những thông tin cá nhân như mã số an ninh hay địa chỉ… cho đến kêu gọi người dân chống đối chính phủ của một nước.

Đầu tiên là vào cuối năm 2006, Anonymous tấn công vào trang web của một phát thanh viên nổi tiếng nước Mỹ, Hal Turner khiến ông này thiệt hại hàng ngàn đôla Mỹ chi phí đường truyền mạng.

Tháng 6-2009, nhóm Anonymous đã câu kết với The Pirate Bay (một trang chia sẻ dữ liệu lớn nhất thế giới) cung cấp cho những người dân Iran bất đồng ý kiến với chính phủ nước này một cách để lên kế hoạch biểu tình và liên lạc với thế giới bên ngoài.

Nhóm Anonymous hoạt động vì mục đích chính trị

Nhóm Anonymous hoạt động vì mục đích chính trị

Kết quả là một cộng đồng Iran nặc danh với hơn 22.000 người sử dụng ra đời. Hơn thế, trang này còn cung cấp cho những người hoạt động xã hội ở Iran công cụ liên lạc với nhau; tư vấn họ cách giấu thông tin cá nhân và tránh bị phát hiện.

Cuối năm 2010, khi Julian Assange, chủ trang WikiLeaks, bị bắt giam và buộc phải ngừng tiết lộ những thông tin mật mà Julian đang nắm giữ, nhóm Anonymous đã thể hiện sự ủng hộ WikiLeaks bằng cách thực hiện các chiến dịch tổng tấn công DDoS vào các website và tổ chức có quan điểm chống trang mạng này.

Trong vụ tấn công này, Paypal trở thành nạn nhân đầu tiên vì công ty trên đã cho ngừng các hoạt động quyên tiền ủng hộ WikiLeaks trên trang web của mình. Tiếp theo đó là Amazon, MasterCard vì đã chặn các hoạt động chuyển tiền và phong tỏa tài khoản của Julian.

Tháng 2-2011, với mục đích trả đũa, Anonymous đã tấn công vào tài khoản Twitter và LinkedIn của ông Aaron Barr – một CEO của công ty HBGary và lấy cắp được những thông tin cá nhân như mã số an ninh hay địa chỉ nhà của ông. Vì trước đó, ông Aaron Barr công bố với báo giới là đã phát hiện ra nhận dạng của những người đứng đầu nhóm Anonymous và sẽ công bố những kết quả tìm hiểu của mình tại Hội nghị an ninh ở San Francisco.

Hơn nữa, Anonymous còn đột nhập vào website của công ty HBGary, truy cập vào các tài liệu mà công ty này thu thập được về các thành viên của nhóm hacker, rồi công bố hơn 60.000 thư điện tử của các nhân viên điều hành công ty lên một số trang mạng trao đổi file như Bit Torrent và chèn vào đó một thông điệp do chúng tự thiết kế.

Biểu tượng của nhóm

Biểu tượng của nhóm

Tháng 3-2011, Anonymous tuyên bố kế hoạch đăng tải những thư điện tử tiết lộ những tài sản tham nhũng và gian lận có được từ hệ thống Ngân hàng Mỹ. Đầu tháng 4-2011, nhóm hacker tấn công DDoS vào trang web của tập đoàn Sony và hệ thống dịch vụ của PlayStation với lý do là hãng này đưa đơn kiện hacker nổi tiếng “GeoHot” Hotz vì đã bẻ khóa chiếc máy PlayStation 3.

Cuối tháng 4, Anonymous tiếp tục tổ chức 2 đợt tấn công lớn vào mạng PlayStation Network, Qriocity và Sony Online Entertainment với tổng số thông tin dữ liệu cá nhân bị đánh cắp là hơn 100 triệu tài khoản.

Với lý do phản đối động thái chặn các trang chia sẻ file ở Malaysia và chủ trương kiểm duyệt nội dung các trang web của chính phủ nước này, nhóm Anonymous đã đe dọa tấn công trang web wwwmalaysia.gov.my vào ngày 16/6/2011. Có thể là tấn công thay đổi giao diện hoặc đánh sập trang web hoặc đánh cắp các dữ liệu cá nhân, thẻ tín dụng hoặc các dữ liệu tài chính từ trang web chính phủ này.

Vào ngày 16-6, đúng như lời đe dọa, 50 website của chính phủ Malaysia trở thành mục tiêu tấn công DDoS của nhóm Anonymous, trong đóm có 41 website bị ngưng trệ hoạt động. Rồi sau đó không lâu, nhóm hacker cũng tấn công vào trang web của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ với cùng một lý do là kiểm duyệt Internet.

Mới đây nhất ngày 4-11-2013, Anonymous nhánh ở Indonesia đã tiến hành một vụ tấn công mạng quy mô lớn, làm thay đổi giao diện của hơn 170 trang web trên khắp nước Úc, nhằm phản đối việc các đại sứ quán Úc bí mật do thám, nghe lén điện thoại các nước châu Á. Các trang web bị Anonymous tấn công đều có giao diện đổi thành quốc kỳ Indonesia với dòng chữ “Ngừng do thám Indonesia”.

Cũng với lý do trả đũa tuyên bố của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long rằng sẽ truy tìm kẻ đe dọa tấn công hệ thống mạng của chính quyền nước này (vì chính quyền Singapore đưa ra một số quy định cấp phép mới dành cho báo mạng điện tử), ngày 7-11, nhóm Anonymous đã tổ chức tấn công vào trang web của ông tại địa chỉ www. Pmo.gov.sg và thay đổi nội dung trang chủ. Chúng để lại biểu tượng đặc trưng của nhóm trên trang chủ kèm dòng tít đầy mỉa mai “Thật tuyệt khi được làm người Singapore hôm nay” cùng một bức ảnh châm biếm và một thông điệp “Anonymous Singapore đã ở đây, BIATCH” (BIATCH là một từ lóng được giới trẻ trên mạng sử dụng với nghĩa miệt thị). Vụ tấn công diễn ra chỉ một ngày sau khi Thủ tướng Lý Hiển Long đưa ra tuyên bố trên. Ngoài trang chủ, các nội dung còn lại của trang web vẫn hoạt động bình thường.

Nguồn: PetroTimes


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề