EU đạt thỏa thuận về 120 ngàn di dân

Các bộ trưởng nội vụ châu Âu vừa thỏa thuận được kế hoạch chuyển 120.000 di dân sang sống ở châu Âu.

Họ sẽ được đưa từ Italy, Hy Lạp và Hungary đến các nước trong EU.

Bốn nước Trung Âu bỏ phiếu chống đối.

Nhưng đa số đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch, có hiệu lực trong vòng hai năm tới.

Trước đó, Thủ tướng Hungary nói biên giới châu Âu đang bị đe dọa bởi làn sóng di cư, trước một tuần hội đàm căng thẳng về vấn đề này.

Ông Viktor Orban cho biết người di cư đã ‘phá cửa’ và cần có một lập trường thống nhất về vấn nạn này.

Các bộ trưởng Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia đã họp về đề xuất hạn ngạch của EU mà họ phản đối.

Một số nước EU muốn người di cư được san sẻ đồng đều hơn trên toàn EU.

Đức và Pháp ủng hộ kế hoạch chia sẻ trách nhiệm tái định cư 120.000 di dân từ Hy Lạp, Ý và Hungary.

Cảnh sát Hungary và người tỵ nạn tại cửa khẩu với Croatia

Trao quyền cho quân đội

“Họ đang ùa vào nước chúng ta”, ông Orban nói, ngay trước khi Quốc hội Hungary đồng ý trao thêm quyền cho quân đội.

“Họ không chỉ đang đập cửa mà còn phá cửa đè lên chúng ta. Biên giới của chúng ta đang bị đe dọa. Hungary bị đe dọa và cả châu Âu cũng vậy”.

Luật mới cho phép quân đội Hungary dùng đạn cao su, hơi cay và súng bắn lưới để kiểm soát người nhập cư ở biên giới.

Hãng AFP tường thuật rằng cảnh sát bây giờ được phép vào nhà riêng của dân để truy tìm những người mà họ cho rằng đã nhập cư bất hợp pháp.

Ông Orban, vốn bị chỉ trích nặng nề từ những người đồng cấp về quan điểm đối với người nhập cư, đã phát biểu vào lúc bắt đầu một tuần hội đàm quan trọng.

Sau cuộc họp hôm thứ Hai 21/9 ở Prague, bộ trưởng ngoại giao Czech Lubomir Zaoralek cho biết các ngoại trưởng Đông Âu ‘rất kiên định’ nhằm đạt được một giải pháp với các đối tác EU.

Hôm thứ Ba 22/9, các bộ trưởng nội vụ và tư pháp EU họp tại Brussels để quyết định nơi tái định cư những di dân từ Hy Lạp, Ý và Hungary

Hôm thứ Tư 23/9, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ họp hội nghị thượng đỉnh bất thường để giải quyết những vấn đề đang còn chia rẽ.

Một lượng lớn người muốn xin tỵ nạn đang từ phía nam châu Âu đổ về các tuyến đường đến Đức.

Cảnh sát Hy Lạp ước lượng 8.500 người đã qua nước này đến Macedonia trong một ngày.

Cảnh sát Áo cho biết 24.000 người di cư đến cuối tuần qua. Vài ngàn người khác đến hôm thứ Hai 21/9.

Phóng viên BBC Anna Holligan cho biết hàng trăm người di dân cắm trại tại Nickelsdorf, biên giới Áo-Hungary. Hai chiếc xe buýt chở di dân tiếp tục đến đây.

Hầu hết di dân đến từ Hungary và Croatia. Budapest đang gấp rút dựng một hàng rào mới dọc biên giới với Croatia.

Chính phủ Hungary mua quảng cáo trên báo Lebanon để khuyến cáo người di cư không đến châu Âu

‘Cuộc sống tốt đẹp hơn’

Trong các diễn biến khác:

Tại Hy Lạp, Reuters tường thuật rằng một vài chiếc tàu chở người di cư cập đảo Lesbos trong lúc một cơn bão đang đổ vào biển Aegean. Ít nhất 13 người thiệt mạng khi một chiếc thuyền bị lật úp gần Lesbos vào cuối tuần.

Tại Croatia, khoảng 40 xe buýt đến trại Opatovac ở biên giới với Serbia. Tám chiếc xe buýt rời đi sáng thứ Hai 21/9 đưa di dân đến biên giới Hungary.

Chính phủ Hungary mua quảng cáo trên các báo Lebanon để khuyến cáo người di cư không tiếp tục đến châu Âu. Tổ chức Bác sĩ không biên giới cũng đăng thông báo trên báo Lebanon kêu gọi châu Âu mở cửa biên giới cho người tỵ nạn.

Trước việc châu Âu chia rẽ, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố ‘không nước nào ở EU được miễn trừ’ việc nhận người tỵ nạn.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk nói rằng EU nên giúp người tỵ nạn Syria có ‘một cuộc sống tốt đẹp hơn’.

Ông Chris Morris, phóng viên BBC tại Brussels cho biết các nước Đông Âu nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ biên giới bên ngoài của EU và phân biệt giữa người di cư và người tỵ nạn kinh tế.

Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere lặp lại lời kêu gọi hạn chế lượng người tỵ nạn vào châu Âu.

Ông đề xuất EU tạo ra ‘nhóm nước độ lượng để đưa người từ khu vực khủng hoảng vào EU và tái định cư họ trên khắp châu Âu’.

Theo BBC tiếng Việt


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề