Đụng độ chết người ở Thổ Nhĩ Kỳ

Ít nhất 30 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở Cizre, Thổ Nhĩ Kỳ, từ khi có chiến dịch quân sự hồi cuối tuần trước.

Bộ Nội vụ nói phần lớn người chết là dân quân người Kurd nhưng Đảng Dân chủ Nhân dân theo phe người Kurd (HDP) cho biết trong số đó có 20 dân thường.

Người dân địa phương cho hay Cizre gần như bị ‘phong tỏa’ từ khi quân đội áp đặt lệnh giới nghiêm.

Hôm thứ Năm 10/9, cảnh sát chặn một nhóm nhà lãnh đạo HDP đang tìm cách đi bộ về thành phố này.

Trong nhóm có chủ tịch đảng Selahattin Demirtas và 30 dân biểu. Họ nói rằng họ muốn đánh động dư luận về những gì đang diễn ra trong khu vực đa số người Kurd.

Cảnh sát chặn họ gần Idil, cách Cizre 28km.

Các cuộc đụng độ chết người giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân PKK gia tăng từ khi lệnh ngừng bắn bị phá vỡ hồi tháng 7/2015.

Chiến binh người Kurd tại thành phố Cizre

Máy bay phản lực Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh bom căn cứ PKK ở miền bắc Iraq. Quân đội đã tăng cường an ninh và áp đặt lệnh giới nghiêm toàn khu vực đông nam.

‘Trừng phạt’ Cizre vì bầu cho HDP

Selin Girit, phóng viên BBC tại Istanbul, phân tích:

Những người chỉ trích cáo buộc chính phủ đang ‘trừng phạt’ Cizre vì 85% người dân thành phố này đã bầu cho Đảng HDP trong cuộc bầu cử tháng 6/2015.

Chiến thắng của Đảng HDP trong cuộc bầu cử khiến đảng cầm quyền mất thế đa số trong Quốc hội.

Bầu cử bất thường được dự tính tổ chức ngày 1/11 và đang có quan ngại về an ninh trong cuộc bỏ phiếu, nhất là ở các khu vực phía đông và đông nam có đa số người Kurd.

Ông Ertugrul Kurkcu, một trong những nhà lập pháp thuộc Đảng HDP bị chặn khi đang tìm đường đến Cizre, cho biết nếu không kiềm chế bạo lực ở thành phố này, nó có thể lặp lại trong các khu vực khác.

“Nếu cứ như thế này, mỗi thành phố mà Đảng HDP nhận được sự ủng hộ lớn trong cuộc bầu cử tháng 6/2015 cũng có thể bị đối xử tương tự. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có những hậu quả khủng khiếp,” ông nói.

Ông Demirtas cho hay tình hình nhân đạo ở Cizre đang xấu đi, người dân không thể mua bánh mì và thiếu nước sạch.

Thi thể của một bé trai 10 tuổi thiệt mạng trong vụ bạo động đang được người nhà nạn nhân giữ trong tủ lạnh vì không thể đưa đến nhà tang lễ do lệnh hạn chế di chuyển, phóng viên BBC cho biết.

Một nạn nhân khác, bà Meryem Sune, 53 tuổi, cũng không được chôn cất trong hai ngày và thi thể của bà được giữ lạnh bằng chai nước đá, báo địa phương cho biết.

Bà Sune bị trúng mảnh đạn và chết vì vết thương trở nặng do bà không được đưa vào bệnh viện.

Ông Asiye, nhân chứng ở quận Nur, Cizre, nói với BBC rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ bao vây bên ngoài thành phố mà còn hoạt động bên trong, cản trở người dân đi lại.

Ông cũng nói mình nhìn thấy đám đông đưa một cậu bé 14 tuổi bị thương đến nơi mà họ hy vọng có xe cứu thương.

Image copyrightAFP Image captionNhà lãnh đạo đảng HDP Selahattin Demirtas cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ nội chiến

‘Nguy cơ nội chiến’

Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Selami Altinok cho biết lệnh giới nghiêm sẽ còn tiếp tục đến hết chiến dịch quân sự.

Bộ Nội vụ cũng cho biết nhóm Đảng viên HDP không được phép vào Cizre vì quan ngại an ninh.

Nhưng Saruhan Oluc, một trong những nhà lập pháp Đảng HDP đang tìm đường đến Cizre, bác bỏ điều này.

“Chúng tôi không tin rằng mình phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào từ người dân. Mối đe dọa duy nhất mà chúng tôi phải đối mặt là từ những người lính chặn đường chúng tôi vào thành phố”, ông nói với BBC.

Ông Demirtas cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ đang có nguy cơ nội chiến.

Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang điều tra chủ tịch Đảng HDP về cáo buộc xúc phạm tổng thống.

Họ muốn các nghị sĩ tước quyền miễn trừ của ông này.

Trong một diễn biến khác, chính phủ tạm quyền đã trục xuất một nhà báo Hà Lan.

Nhà báo tự do Frederike Geerdink, người đã bị bắt ngày Chủ nhật 6/9, bị cáo buộc liên quan lực lượng PKK.

Đầu tháng này, hai nhà báo Anh làm cho Vice News cũng bị trục xuất. Đồng nghiệp người Iraq của họ vẫn còn bị giam.

Hơn 40.000 người đã thiệt mạng từ khi lực lượng PKK phát động chiến dịch vũ trang năm 1984, kêu gọi hình thành một nhà nước độc lập của người Kurd trong lòng nước Thổ Nhĩ Kỳ.

Lệnh ngừng bắn bắt đầu vào năm 2013 đã bị phá vỡ tháng 7/2015, sau một vụ đánh bom tự sát bị nghi là do chiến binh Nhà nước Hồi giáo tổ chức gần biên giới với Syria.

Cuộc tấn công này khiến các nhóm người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lẫn nhau.

Theo BBC


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề