Công an điều tra quản lý trại tạm giam: Sẽ thêm nạn nhân bị nhục hình, bức cung?

Tại buổi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam, nhiều đại biểu đã có ý kiến tập trung vào vấn đề làm sao để khắc phục hiện tượng bức cung, nhục hình cũng như giảm thiểu trường hợp bị đánh chết trong trại tạm giam, tạm giữ.

Liên quan đến hiện tượng bức cung, nhục hình đối với người bị tạm giam, tạm giữ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) nhấn mạnh ngay từ ý phát biểu đầu tiên:

“Xin lưu ý đây là quy định về tạm giữ, tạm giam, những người đang được coi là không có tội và đang được điều tra để chứng minh cả hai khả năng, họ có thể có tội hoặc vô tội. Bộ luật tố tụng hình sự và luật này cũng như pháp luật liên quan khác tạo tiền đề và hành lang pháp lý để khắc phục tình trạng vi phạm quyền con người, quyền công dân trong việc tạm giữ tạm giam”.

Đại biểu này cho rằng: “Đây là tạm giữ, tạm giam, tức là đang điều tra và họ có thể vô tội. Cho nên đưa về cho Bộ Tư pháp quản lý để bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, hoặc được đối xử theo nguyên tắc suy đoán vô tội, đồng thời cũng là một kênh giám sát chống bức cung, mớm cung và nhục hình, tiêu chí chung là việc tạm giữ, tạm giam phải độc lập đối với điều tra viên, công tố viên”.

Còn đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP.Hải Phòng) thì cho rằng việc để xảy ra hiện tượng bức cung, nhục hình không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam thực hiện, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong nhà tạm giữ, trại tạm giam nơi cơ quan quản lý thi hành án và hỗ trợ tư pháp công an cấp tỉnh, cấp huyện quản lý.

Vì vậy, dù vô ý hay cố ý thì đó cũng là phần lỗi của cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam. Xét về bộ máy thì cơ bản mô hình hiện nay đã tách biệt giữa hệ thống cơ quan điều tra cùng cấp với các cơ sở tạm giữ, tạm giam nhưng vẫn do công an cấp huyện, tỉnh quản lý chung về nhân lực, con người và bộ máy, ngay cả  việc điều động, bổ nhiệm nhân sự cũng bị phụ thuộc, thiếu khách quan.

Đại biểu này cho rằng cần thiết phải tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự, cơ quan công an cấp tỉnh, huyện để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam, giữ.

Ông Vinh cũng đề nghị tổ chức quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống mô hình dọc giao công tác tổ chức quản lý giam giữ cho Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Tổng cục VIII thuộc Bộ Công an quản lý và chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại tạm giam hiện nay để đảm bảo tính độc lập, tránh việc cơ quan điều tra hình sự cùng cấp lạm dụng bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra xác minh.

Về vấn đề tổ chức lại nhà tạm giam, tạm giữ, đại biểu Điểu K’Rứ (tỉnh Đăk Nông) cho rằng việc này là cần thiết và phải tổ chức theo hệ thống dọc do Bộ Công an quản lý từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo tính độc lập và tính thống nhất về tổ chức, tránh việc cơ quan điều tra có thể lạm dụng việc quản lý để bức cung, nhục hình.

Về phân loại quản lý tạm giữ, tạm giam, đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu phân loại người bị tạm giữ, tạm giam với người tạm giữ, tạm giam lâu ngày nên bố trí phòng giam giữ riêng để tránh trường hợp “ma cũ bắt nạt ma mới”, “đại bàng” trong trại giam. Trong thực tế đã xảy ra những trường hợp tù cũ đánh tù mới dẫn đến chết người trong trại giam.

Nguồn motthegioi.vn


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề