Con rồng kinh tế Hồng Kông đã bị Bắc Kinh cưa sừng

Cuộc biểu tình dài ngày của sinh viên Hồng Kông vốn là một sự kiện nóng bỏng nhất ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung trong thời gian vừa qua có vẻ như đã đi đến hồi kết với thất bại cay đắng cho phe sinh viên.
Không đạt được những mục tiêu mong muốn, cuộc biểu tình đang xẹp dần và không còn nhận được sự chú ý cao độ như thời điểm ban đầu nữa. Hồng Kông đã thất bại trong cuộc chiến giành lại những vị thế vốn có của nó là một trung tâm tài chính và kinh tế độc lập, và giờ đây khi cuộc biểu tình gần như đã thất bại, Hồng Kông nhận thức rõ hơn ai hết, nó chỉ là một thuộc địa kinh tế của đại lục.

Nếu có một đặc điểm nổi bật nhất của Hồng Kông trong suốt thời gian hình thành và phát triển, thì đó là sự độc lập. Độc lập với chính Trung Quốc trong đó Hồng Kông là một phần lãnh thổ vì hòn đảo này thuộc quyền của Anh sau khi nhà Thanh ký văn kiện cho Anh thuê trong thời hạn 100 năm. Độc lập với chính nước Anh khi chính quốc ở tít xa nửa vòng trái đất. Hồng Kông ngay từ đầu đã là một thực thể được trao quyền tự trị với một thống đốc người Anh nhận ủy nhiệm của Nữ hoàng Anh quốc.

Vì thế, khi Hồng Kông được trả về Trung Quốc năm 1997, đó được xem là một cuộc sum họp kỳ lạ nhất. Hồng Kông quá dân chủ sau 100 năm hình thành và phát triển dưới quy chế tự trị, còn Trung Quốc dù đã mở cửa nhưng vẫn còn quá cứng rắn và khắc nghiệt. Vị thế của Hồng Kông một khi đã được trả về Trung Quốc sẽ tùy thuộc vào tầm quan trọng của hòn đảo được mệnh danh là con rồng Châu Á này với Trung Quốc.

Khi mà Trung Quốc vẫn khó khăn, Hồng Kông là một tài sản vô giá không chỉ về lãnh thổ mà còn về kinh tế nữa, dễ hiểu khi đó Bắc Kinh mềm mỏng với Hồng Kông một cách chưa từng thấy. Nhưng khi Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thế giới và Hồng Kông chỉ còn đóng góp 3% vào GDP của cả nước, thì không có gì khó hiểu khi bàn tay của Bắc Kinh bắt đầu siết lại.

Cuộc biểu tình của sinh viên Hồng Kông vì thế là điều đã được dự đoán trước ngay từ khi hòn đảo này được trả về Trung Quốc, nhưng đã diễn ra muộn hơn gần 20 năm. Người Hồng Kông vốn sinh trưởng trong sự tự do giờ đây ngạt thở trong chính sách của Bắc Kinh. Sự phản kháng là điều tất yếu. Nhưng cái cách mà cuộc phản kháng kết thúc nhanh và êm thấm thì lại là điều ít ai ngờ đến. Còn trên thực tế đó không có gì là khó hiểu, khi mà giờ đây với Trung Quốc, Hồng Kông không còn là một viên ngọc trên vương miện nữa mà chỉ còn là một thuộc địa kinh tế không hơn không kém.

Cách thức giải quyết cuộc biểu tình của Bắc Kinh đã cho thấy điều đó. Thay vì trấn áp mạnh tay, Bắc Kinh chỉ đơn giản là gọi đến những nhà tài phiệt hàng đầu Hồng Kông, và cả những nhà lãnh đạo các tập đoàn kinh tế đại lục đang giữ vị thế quan trọng ở hòn đảo này đến. Hồng Kông là một trung tâm tài chính, vì thế đánh vào tài chính thì Hồng Kông sẽ suy sụp.

Qua gần hai thập kỷ hòa vào nền kinh tế Trung Quốc, những tỷ phú Hồng Kông như Lý Gia Thành ngày càng có nhiều quyền lợi kinh tế ở lục địa, đồng thời số doanh nghiệp và tập đoàn đại lục vào Hồng Kông cũng ngày càng nhiều. Không khó hiểu khi những người chống biểu tình mạnh mẽ nhất lại chính là người dân Hồng Kông, trong đó có cả những vị phụ huynh của những sinh viên biểu tình. Cuộc biểu tình càng lâu, thì hậu quả với những gia đình Hồng Kông lại càng lớn.

Vai trò và vị thế của Hồng Kông đã không còn mạnh như trước đối với một Trung Quốc giờ đã là một cường quốc kinh tế, nhưng không phải vì thế mà Hồng Kông không còn tiếng nói với Bắc Kinh. Giá trị của Hồng Kông lớn hơn con số 3% mà hòn đảo này đóng góp vào nền kinh tế Trung Quốc.

Hồng Kông sẽ vẫn là một trung tâm tài chính quan trọng cho cả vùng Hoa Nam vốn vẫn là vùng kém phát triển hàng đầu ở Trung Quốc. Thành phố Quảng Châu chỉ đóng vai trò là cánh cửa mở cho hàng hóa thế giới và Trung Quốc, chứ không thể tác động đến sự phát triển ở các tỉnh miền Nam như Quảng Đông, Quảng Tây như Hồng Kông.

Chính vì điều này nên giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đã chọn giải pháp mềm để dẹp cuộc biểu tình thay vì sự cứng rắn cần thiết để chứng tỏ quyền lực tối thượng. So với hầu hết các tỉnh thành khác của Trung Quốc, Hồng Kông vẫn có sự độc lập lớn hơn nhiều dù Hồng Kông có thể không đọ lại với một số vùng khác như Thượng Hải về tầm quan trọng của kinh tế với Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn cần Hồng Kông để phát triển khu vực miền Nam theo mô hình New York tỏa rộng ra Manhattan hay Long Island của Mỹ. Những điều này khiến Hồng Kông hơn ai hết hiểu rõ rằng, họ đang chỉ là một thuộc địa kinh tế của chính đất nước mình mà thôi.

Nguồn: Reuters, Một Thế giới


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề