“Chúng tôi khóc vì thần tượng thì đã sao”

Đến hẹn lại lên, cứ hễ sao Hàn tới Việt Nam là lại sẽ xuất hiện tầng tầng lớp lớp các thể loại anti-Kpop “đội lốt cao nhân”. Không những phát ngôn ra những lời khó nghe về các thần tượng, mà những nhân vật này còn tự cho mình cái quyền đánh giá, nhận xét, thậm chí là chà đạp lên cảm xúc cá nhân của người khác.

Câu chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Mỗi lần sao Hàn đến Việt Nam là những fan Kpop như chúng tôi lại được dịp trải qua vô số những cung bậc cảm xúc khác nhau. Bên cạnh sự háo hức, hạnh phúc khi sắp được hít thở cùng một bầu không khí với thần tượng của mình, thì xen lẫn đó còn có chút lo lắng, sợ sệt khi nghĩ tới cảnh bản thân sắp bị đem ra làm “mồi nhắm” cho một bộ phận mang tên “anh hùng bàn phím”.

2

Một trong những ví dụ điển hình chính là câu chuyện đón thần tượng. Cùng thử làm một phép so sánh nhỏ: Nếu fan Việt ra sân bay đón sao US.UK, giơ băng rôn biểu ngữ và hô hét tên thần tượng thì đó sẽ được gọi là “fan thân thiện”, “fan văn minh”, “yêu thần tượng chân chính”. Nhưng nếu những người bước từ cổng ra mang quốc tịch Hàn thì mọi thứ sẽ thay đổi 180 độ. Chúng tôi sẽ nghiễm nhiên biến thành một lũ trẻ hư hỏng, chuyên làm chuyện rảnh nhảm vô ích và trở thành những “sinh vật” cần phải được cách ly khỏi xã hội càng sớm càng tốt.

Hình ảnh một anh chàng khóc trong vui sướng khi được gặp nhóm nhạc mình yêu thích có thể trở thành nguyên liệu cho cả một chùm ảnh chế kéo dài từ năm này sang năm kia. Người ngoài thì thấy vui, thấy hả hê, thấy “chết mày chưa, cho mày chừa”, nhưng liệu đã bao giờ họ đặt bản thân mình vào người khác?

3

Tôi thật sự thắc mắc không hiểu cả đời họ đã bao giờ yêu mến, hâm mộ ai bằng cả con tim chưa? Và nếu có thì khi gặp thần tượng của đời mình, họ sẽ phản ứng như thế nào? Liệu họ sẽ đứng từ xa nở nụ cười mãn nguyện hay làm khuôn mặt “poker face” lạnh lùng? Không, chắc chắn không. Nếu thật sự được đứng gần thần tượng đến vậy, tôi dám cá 100% họ sẽ không làm vậy.

Có người lại lên tiếng bảo rằng: “Tại sao không để dành nước mắt cho bố mẹ, cho gia đình và những người thân yêu mà lại phí phạm cho những người không quen không biết?”. Câu trả lời của tôi sẽ là: “Vâng, bố mẹ của tôi vẫn khỏe. Họ đang ở nhà và hoàn toàn tôn trọng quyết định của tôi, không cần chờ đến khi bạn phải can thiệp ý kiến”. Thêm một điều nữa, từ khi nào nước mắt lại sinh ra chỉ được quyền rơi vì gia đình? Có người khóc vì những câu chuyện cảm động hay một hoàn cảnh bất hạnh vô tình gặp trên đường. Có người rơi nước mắt khi xem những bộ phim có kết cục bi thảm. Và kể cả những giọt nước mắt của những cổ động viên bóng đá khi đội tuyển của mình thua cuộc. Nếu nói bằng lý lẽ của những “bậc cao nhân” trên thì chẳng lẽ tất cả những giọt nước mắt này đều là vô nghĩa, là dư thừa, là không xứng đáng sao?

Tôi cảm thấy thật sự ganh tị với các bạn fan Vpop, fan USUK, fan Jpop. Họ được quyền yêu thương thần tượng của mình một cách vô điều kiện mà không sợ bị ai phán xét. Còn với fan Kpop thì lại vô cùng cực khổ. Cái mác “fan cuồng” gần như trở thành hàng “độc quyền” của những ai hâm mộ Kpop. Hàng trăm dự án, chương trình ý nghĩa được tổ chức nhưng chẳng một ai quan tâm, chẳng một ai thèm viết về chúng. Nhưng chỉ cần một chút sơ hở nhỏ là cả một cộng đồng bị lôi ra “xử án”. Chửi fan chưa đã thì sẽ quay sang chửi tiếp thần tượng.

Đã không ít lần tôi tức đến phát khóc chỉ vì nghe được những câu nói đại loại như: “Ôi cái thằng đó có gì đâu mà mày thích vậy?”, “Cái con đó tao thấy chỉ nổi vì phẫu thuật thẩm mỹ thôi chứ hát hò chả ra cái gì!”… Tôi ước gì trước khi đưa ra những lời phán xét đó, họ thật sự bỏ ra vài phút để nghe, để đọc, để tìm hiểu về những người mà họ đang gọi là “con đó”, “thằng đó”. Nếu biết được quá trình tập luyện, biểu diễn của sao Hàn vất vả, cực khổ và áp lực ra sao thì chắc hẳn họ đã không buông ra những từ ngữ kia. Chúng tôi có thể “chết đứ đừ” trước nhan sắc lung linh của một thần tượng nào đó, nhưng nếu như họ không thật sự có tài năng, bản lĩnh cũng như những tính cách tốt đẹp khác thì còn lâu chúng tôi mới chịu ở lại và ủng hộ họ bằng cả tuổi trẻ của mình như vậy.

Tôi viết ra những dòng này không phải để chống lại cả thế giới, cũng chẳng phải xưng oai thiên hạ tỏ vẻ ta đây. Tôi viết ra chỉ mong mọi người hiểu và có cái nhìn tích cực hơn đối với fan Kpop. Đặc biệt là trong vấn đề thể hiện tình cảm. Khóc, cười, hờn, giận – xét cho cùng thì cũng chỉ là những cảm xúc mang tính cá nhân. Vậy tại sao nhiều người lại thích mang cảm xúc của người khác ra để trêu đùa, đánh giá hay thậm chí là chà đạp đến như vậy?

Tôi hi vọng tất cả mọi người trên thế giới này đều sẽ được gặp thần tượng của mình để hiểu được cảm giác đó thật sự như thế nào. Khóc vì thần tượng thì đã sao chứ? Nếu cuộc đời mà chẳng có cái gì để yêu thích đến mức phát khóc thì chẳng phải đó là một cuộc đời quá vô nghĩa và nhàm chán hay sao? Nên dẫu có ai đó phê phán, dè bỉu những giọt nước mắt của chúng tôi thì chúng tôi vẫn sẽ khóc. Vì đó là những giọt nước mắt được tạo nên từ niềm hạnh phúc đã đạt đến đỉnh điểm. Và xét đến tận cùng, thì niềm hạnh phúc, cảm xúc chân thật nào cũng xứng đáng được tôn trọng.

Báo Du học


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề