Truyền thông Trung Quốc nhiều năm qua không ngừng đầu độc người dân của chính nước này rằng Việt Nam đã gây sự và buộc Bắc Kinh phải phản kích tự vệ trên biển.
Trên trang mạng tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc là baidu, chỉ cần gõ dòng lệnh đơn giản: hải chiến 1988 hoặc Trung Việt hải chiến 88 sẽ cho ra hàng triệu kết quả.
Những bài viết trên báo chính thống nước này, và hiếu chiến hơn cả là các trang tin đều na ná nội dung: Trung Quốc đã thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo năm 1988 khi đối đầu Việt Nam.
Bằng giọng văn xuyên tạc sự thật, bịp bợm, sặc mùi ‘nước lớn’, những bài viết nói trên vu vạ cho Việt Nam là nước đã chủ động nổ súng trước trong sự kiện ngày 14/3/1988.
Trang video lưu trữ lớn nhất Trung Quốc Youku đăng tải hàng chục video khoe khoang chiến tích được gọi bằng cái tên: Cuộc chiến tự vệ phản kích Việt Nam trên biển.
Việc các chiến sĩ hải quân Việt Nam nắm tay nhau thành vòng tròn bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo, bị xuyên tạc thành: Việt Nam đã cử lính vũ trang chiếm đảo, thách thức Trung Quốc.
Trong đoạn clip ghi lại cảnh Trung Quốc nã pháo cỡ lớn, đại liên bắn chìm tàu HQ – 604, bắn cháy tàu HQ – 505 được mô tả rằng: “Chúng ta (Trung Quốc) không bao giờ là người nổ phát súng đầu tiên, nhưng cũng không bao giờ cho phép họ (Việt Nam) ngông cuồng gây chiến”.
Đây là sự bịp bợm, dối trá của truyền thông Trung Quốc trước việc nhiều sử gia, hãng thông tấn uy tín đều cho biết chiến hạm Trung Quốc đã tàn bạo xả súng vào các chiến sĩ hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma – khi mà họ chỉ có cuốc xẻng cùng lá cờ Tổ quốc trên tay đang khẳng định chủ quyền một cách hòa bình.
Gạc Ma – Nỗi đau không bao giờ quên
Nhiều trang tin quân sự Trung Quốc như Thiết Huyết (tiexue) hay Chinamil v.v. huyênh hoang: Sau cuộc chiến năm 1979 vào biên giới phía Bắc Việt Nam, quân đội Trung Quốc đã có cuộc chiến oanh liệt, chiến thắng hải quân Việt Nam ở Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam).
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến trái chiều cho rằng thực ra Trung Quốc đã không thực sự đạt được ý đồ khi huy động lực lượng hải quân với vũ khí hạng nặng nhưng chỉ chiếm được duy nhất đảo Gạc Ma, còn lại Cô Lin và Len Đao vẫn do các chiến sĩ Việt Nam giữ vững từ đó đến nay.
Lý giải việc vì sao hải quân Trung Quốc buộc phải rút lui sau nhiều ngày liên tục khiêu khích ở cụm đảo Gạc Ma, chuyên gia quân sự Đài Loan Nguyên Lạc Nghĩa, thừa nhận: “Hải quân Trung Quốc sau đó buộc phải rút lui bởi chúng ta không thể điều không quân tới. Năng lực phòng không của Việt Nam là rất mạnh, vì thế đưa không quân phối hợp hải quân đánh lâu dài ở Trường Sa là không thể được vào thời điểm đó”.
Trong khi đó, giáo sư lịch sử nổi tiếng Trung Quốc Trác Cường, nói: “Ngay sau năm 1979, Việt Nam đã không ngừng phát triển kinh tế, quốc phòng. Người Việt Nam cũng có tâm lý đề phòng Trung Quốc từ xa xưa. Cho nên, việc chiếm giữ các đảo ở Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) là điều không hề dễ dàng chút nào”.
Thâm hiểm, kích động
Trung Quốc khi mới thành lập, thoát họa xâm lăng năm 1949 từng tuyên truyền: “Trung Quốc sẽ không bao giờ là cường quốc bởi cường quốc chính là bá quyền, là bắt nạt các nước khác có tiềm lực yếu hơn”.
Thế nhưng ngày nay, truyền thông Trung Quốc ra rả luận điệu: Trung Quốc là người anh lớn, Việt Nam là người em nhỏ. Thậm chí, nhan nhản trên các mạng xã hội, trang tin tổng hợp của nước này là câu nói: biển Nam Trung Hoa sẽ sớm là biển quốc nội của Trung Quốc.
Thâm hiểm hơn, trang tin Bắc Kinh buổi sáng còn có bài viết nhận định: Trung Quốc sẽ sớm hạ thủy ‘quái vật biển’, cắt đứt hy vọng của Việt Nam ở Biển Đông.
‘Quái vật biển’ ở đây được cho là thành phố nổi mang tên ‘Hy vọng – 7’, thực chất là hòn đảo nổi di động có sức chứa 490 người.
Theo đó, vẻ ngoài của ‘Hy vọng – 7’ khá giống giàn khoan Hải Dương 981 từng xâm phạm chủ quyền Việt Nam hồi tháng 5 năm ngoái ở Biển Đông. Nhưng hòn đảo nổi này còn bộc lộ dã tâm lớn hơn: Sức chứa nhiều người, đủ sức biến thành căn cứ quân sự được đặt ở bất cứ nơi nào tại quần đảo Trường Sa.
Bắc Kinh buổi sáng loan tin, Trung Quốc đã thử nghiệm ‘Hy vọng – 7’ từ tháng 11 năm ngoái và ‘sẽ sớm hạ thủy hòn đảo di động này trong năm 2015’.
Một mặt, Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị cho những bước đi khiêu khích, hiện thực hóa đường lưỡi bò đòi chủ quyền với diện tích hơn 80% ở Biển Đông – điều bị cả thế giới lên án.
Nhân chứng kể lại giây phút căm phẫn trong trận Hải chiến Gạc Ma 1988
Mặt khác, một bài bình luận trên mạng China.com còn không giấu diếm mưu đồ nham hiểm: Hãy khiến cho Việt Nam phản ứng trước, khi đó chúng ta (Trung Quốc) sẽ có cái cớ hoàn hảo thực hiện chiến tranh trên biển để chiếm các đảo tại Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam).
Các trang mạng xã hội Trung Quốc cũng xuất hiện những ý kiến tương tự như trên, tất cả đều chung mục đích kích động các chiến sĩ hải quân Việt Nam ở Trường Sa nổ súng trước để Trung Quốc lại một lần nữa lu loa chiêu bài ‘phản kích tự vệ’ hòng dùng vũ lực chiếm những hòn đảo mà Việt Nam đang có đầy đủ bằng chứng chủ quyền.
Còn nhớ, một số hành động quá khích đã xảy ra năm 2014 trong vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Khi ấy, một vài kẻ hung hăng đã đập phá, hành hung công nhân Trung Quốc tại khu công nghiệp Bình Dương và tại Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Sự việc đã gây ảnh hưởng xấu đến quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam.
Trong khi thế giới đang ủng hộ Việt Nam, những kẻ quá khích đội lốt ‘yêu nước’ đã bôi nhọ hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.
Trận chiến Gạc Ma và chiến công của tàu HQ505
Trở lại sự kiện 14/3/1988, khi mà chính truyền thông Trung Quốc cũng thừa nhận sự thất bại trước tinh thần quả cảm, anh dũng, mưu trí của hải quân Việt Nam, vẫn có vài kẻ không ngừng tìm cách kích động hận thù dân tộc.
Thế nhưng, một số người dù vô tình hay hữu ý đã chỉ chăm chú vào việc kích động chiến tranh, hằn thù dân tộc mà quên hẳn đi những người lính đã hy sinh xương máu, tính mạng để giữ vững Cô Lin, Len Đao và nhiều đảo khác.
Ngay cả Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam – thuyền trưởng tàu HQ – 505 tham gia sự kiện ở Trường Sa năm 1988 cũng từng nói: “Nhắc đến ngày 14/3/1988, chúng ta không chỉ nhắc đến những liệt sĩ bất khuất trên đảo Gạc Ma, mà còn là một chuỗi sự kiện sau đó và cho đến tận ngày nay, khi các chiến sĩ Hải quân Việt Nam vẫn đang chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Rõ ràng, một số thế lực diều hâu ở Trung Quốc đang mong chờ, và đang kích động những kẻ bán nước đội lốt ‘tưởng nhớ liệt sĩ Gạc Ma’ gây ra những hành động để nước này có cái cớ gây sự, tái hiện cái gọi là ‘chiến tranh phản kích tự vệ’.
PetroTimes
Trả lời