“Ütopia địa đàng trần gian”

Những bạn mê phim Hàn có lẽ còn nhớ giây phút xấu hổ của anh chàng sinh viên Luật Harvard trong bộ phim nổi tiếng một thời “Chuyện tình Harvard”. Ngay buổi học đầu tiên, chàng trai này đã bị quê độ trước vị giáo sư khó tính vì không chuẩn bị bài ở nhà. Bài tập hôm đó của chàng là phải đọc xong cuốn sách “Ütopia” của Thomas More.

Thật tiếc vì chi tiết này trong phim không tạo ra được hiệu ứng với công chúng như cuốn “Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của Edward Tulane” trong phim “Vì sao đưa anh tới” năm ngoái, vì thực ra “Ütopia” vẫn được coi là một trong những cuốn sách quan trọng nhất của nhân loại, đơn giản vì nó đã ảnh hưởng tới rất nhiều người, là động lực cho rất nhiều sự kiện quan trọng toàn cầu.

“Ütopia” thực sự đã tạo ra sự thay đổi cho thế giới.

Cuốn sách này rất mỏng, chỉ hơn 100 trang, trong đó có 60 trang là nội dung chính. Nhưng chừng ấy là đủ để độc giả bị ấn tượng – cũng như ấn tượng với cách viết ngắn gọn, hàm súc, tập trung vào thẳng vấn đề của Thomas More.

Cuốn sách rất ngắn này nói gì? Tác giả giới thiệu với chúng ta một nhân vật tưởng tượng, Raphael Hythloday, nhà du hành vừa trở về từ đất nước xa xôi Utopia (có nghĩa là một nơi không tồn tại). Khi gặp More, Raphael kể về đất nước mà ông vừa tới, rồi More viết một cuốn sách về những điều ông được nghe.

Để tóm tắt lại về thiên đường trên mặt đất trong sách của Thomas More không dễ. Trong “Utopia”, ông miêu tả một xã hội lý tưởng, một xã hội có niềm tin mạnh mẽ dựa trên tiêu chuẩn của chính mình.

“Utopia” được viết chỉ vài năm sau cuốn “The Prince” (Quân vương) của Machiavelli, nhưng sự khác biệt giữa hai cuốn sách này rất lớn. Trong sách của mình, thay vì đề cao sức mạnh của vương quyền, More chỉ cho độc giả thấy hậu quả của các sai lầm trong việc cai trị ở xã hội Anh thời bấy giờ. Ông yêu cầu mọi người hãy phê phán xã hội, phản biện xã hội nhằm cải thiện xã hội. Trong sách, Thomas More cũng kể về các phương pháp mà người Utopia áp dụng để xây dựng một xã hội tốt đẹp, trong đó, từng cá nhân đều tốt đẹp. Tư tưởng của More có rất nhiều điểm gặp gỡ với tư tưởng vô vi của Lão Tử ở phương Đông trong cuốn “Đạo đức kinh”.

Nhiều điều trong “Ütopia” từng bị coi là điên rồ, nhưng đã trở thành bình thường trong xã hội hiện đại. Và như vậy, có thể coi cuốn sách là một tiên tri, rằng mơ ước sẽ trở thành sự thật, vì xã hội lý tưởng mà ông miêu tả trong tác phẩm có một mối liên quan mật thiết đến nước Anh ở thời điểm ông đang sống, và thậm chí ở xã hội ngày nay – sau 500 năm.

Nhìn gần hơn, với mỗi cá nhân,”Utopia là một bản thống kê đầy đủ những thiếu sót của con người và là một câu chuyện thú vị… Tôi nghĩ “Ütopia” chính là một ảo mộng của nhân gian, cái mơ ước tử tế không bao giờ thực hiện được vì rào cản lại chính là bản thân con người. Biết vậy, mà những người tử tế vẫn mơ ước, vẫn trân trọng ‘Utopia’, và đó chính là vẻ đẹp của cuốn sách, là cái giá trị vượt thời gian nhắc nhở chúng ta rằng con người vẫn có ý muốn hoàn thiện mình” – dịch giả của cuốn sách, Trịnh Lữ, đã viết như vậy.

Đoạn yêu thích nhất của người viết bài này trong cuốn sách của Thomas More là đoạn kể lại cách mà người Utopia dùng để giảm thiểu sự quan trọng của vàng, tiền và trang sức trong đời sống của họ – những thứ chỉ hấp dẫn và chinh phục được trẻ con nơi đây. Những người nô lệ bị đánh dấu bằng việc bị bắt đeo đầy vàng, và “… người Utopia không thể hiểu được tại sao lại có người mê mẩn được vẻ óng ánh buồn thảm của một hòn đá bé xíu trong khi họ có toàn bộ sao sáng trên trời để chiêm ngưỡng – hoặc làm sao có người ngu ngốc đến nỗi tưởng mình hơn người khác chỉ vì mặc quần áo dệt bằng sợi len mịn và nhỏ hơn người ta. Nói cho cùng thì len là quần áo của cừu và không thể làm cho ai thành cái gì hơn cừu được”.

Một phát hiện thú vị khác: người dân Thuỵ Sỹ hóa ra chính là nguyên mẫu để Thomas More mô tả về người Venalia trong cuốn sách. Chỉ vài trăm năm trước đây thôi, người Thuỵ Sỹ nổi tiếng là những lính đánh thuê có mặt ở trong hầu hết quân đội châu Âu thời bấy giờ: “quả thực họ được thiên nhiên nhào nặn ra chỉ để dành cho mục đích chiến tranh. Họ luôn tìm kiếm cơ hội để đánh nhau, và khi thấy có cuộc chiến nào ở đâu, họ lập tức đàn lũ kéo đến đăng làm lính đánh thuê với giá rẻ mạt cho bất kỳ phe nào. Bởi giết là cách duy nhất mà họ biết để kiếm sống”. Từ đất nước của những kẻ sống nhờ nghề chém giết thuê trở thành đất nước thịnh vượng bậc nhất thế giới với những người dân yêu chuộng hoà bình – hành trình của Thuỵ Sỹ trong vài trăm năm qua có thể cũng là “không tưởng”?

Ngoài ra, lý do riêng tư để người viết bài thích quyển sách, đó là vì ý tưởng của tác giả, rằng người ta không thể đạt được điều gì tốt đẹp hơn, nếu người ta không có niềm tin, thậm chí là trí tưởng tượng – những điều cho phép chúng ta có động lực để tin và hành động để điều tốt đẹp hơn là hoàn toàn có thể.

Và Thomas More đã tạo ra các bằng chứng cho điều ấy.

Theo Đẹp Online


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề