Có đến 68,3% người tham gia khảo sát nói họ thường chứng kiến việc cãi vã nhau sau khi va quẹt xe trên đường, trong khi cách “xin lỗi nhau và bỏ qua” chỉ chiếm 31,7% số ý kiến.
Một vụ va quẹt xe trên đường lên cầu Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Sau khi được người dân giúp đỡ, hai bên đã hòa giải với nhau – Ảnh: Hoài Linh
Đó là kết quả cuộc khảo sát nhanh trên một mẫu gồm 60 người dân thuộc các ngành nghề khác nhau đang cư trú tại 18 quận, huyện của TP.HCM.
Khảo sát nhằm tìm hiểu cách ứng xử của người dân trong bối cảnh số lượng xe lưu thông với mật độ dày đặc trên đường phố tại TP.HCM thì việc va quẹt xe khi tham gia lưu thông là điều khó có thể tránh khỏi.
Va quẹt là cãi nhau…
Có 38,3% số người được hỏi cho biết họ thường xuyên chứng kiến những vụ va quẹt xe trên đường phố, 51,7% cho biết họ thỉnh thoảng chứng kiến và chỉ có 10% cho biết ít khi họ thấy việc này. Bên cạnh đó, có đến 75% số người được hỏi cho biết bản thân họ từng có va quẹt xe khi đi trên đường phố, trong khi chỉ có 25% số người cho biết họ chưa từng bị việc này.
Mặc dù việc va quẹt xe trên đường phố là hiện tượng thường xảy ra khi số lượng xe lưu thông với mật độ dày đặc trên đường phố tại TP.HCM, nhưng chỉ có 8,3% số người được hỏi nói rằng cảnh sát giao thông có mặt kịp thời khi xảy ra vụ việc, trong khi có đến 45% số người nói rằng “ít thấy cảnh sát giao thông xuất hiện” và 38,3% số người cho biết “chỉ thấy cảnh sát giao thông xuất hiện khi có tai nạn nghiêm trọng” xảy ra trên đường phố.
Điều này cũng dễ hiểu vì cảnh sát giao thông chỉ thường trực tại các ngã ba, ngã tư hay những giao lộ chứ không hiện diện trên mọi con đường của thành phố nên khó đòi hỏi họ phải xuất hiện kịp thời để giải quyết cho mọi vụ va quẹt xe trên đường.
Có lẽ vì vậy mà có đến 68,3% số người tham gia khảo sát cho biết họ thường chứng kiến việc “cãi vã với nhau” khi xảy ra va quẹt và 20% cho biết họ thấy việc “đe dọa hành hung nhau” khi xảy ra va quẹt. Anh Đỗ Đồng Huy Hoàng (Q.Tân Bình) nói: “Khi va quẹt, tôi thấy họ thường giữ nhau lại, bắt lỗi và đòi bồi thường”.
Có những người còn cho biết họ chứng kiến việc đánh nhau khi xảy ra va quẹt xe, chẳng hạn như ý kiến của anh Đinh Việt Hùng (Q.10): “Có khi các thanh niên còn đánh nhau giữa đường lúc xảy ra va quẹt xe” hoặc nhận xét của ông Trần Văn Tâm (Q.Tân Bình): “Mấy người lớn tuổi thường xin lỗi và bỏ qua, còn người trẻ thì 70% là đánh nhau”.
Trong khi đó, cách ứng xử thể hiện tính văn minh và bình tĩnh đó là “xin lỗi nhau và bỏ qua” chỉ chiếm 31,7% số ý kiến mà thôi.
Không nên dùng bạo lực
Trả lời câu hỏi “Ứng xử thế nào khi có va quẹt xe và bị đe dọa hành hung?”, 72% số người trả lời đã chọn cách “nhờ người xung quanh giúp đỡ” và 70% cho biết sẽ “gọi cảnh sát giao thông hoặc gọi 113” để nhờ giúp đỡ.
Như vậy đa số người chọn cách nhờ sự trợ giúp của người khác hoặc của cảnh sát giao thông hay “nhẹ nhàng giải thích, xin lỗi người đối diện cho họ bớt nóng” như ý kiến của chị Nguyễn Thị Thanh Duyên (Q.Tân Bình).
Nhưng bên cạnh những cách hành xử trên, cũng có nhiều ý kiến cho cách ứng xử có thể dẫn đến hành vi bạo lực khi bị đe dọa hành hung với 42% số ý kiến cho biết họ “sẵn sàng tự vệ” khi bị đe dọa hành hung và đặc biệt có 8,3% số ý kiến cho biết họ “luôn mang theo phương tiện phòng thân khi đi đường”.
Để ứng xử cho phù hợp khi xảy ra va quẹt lúc đi đường, nhiều người trong cuộc khảo sát đã cho rằng không nên dùng bạo lực mà nên chọn cách “một câu nhịn, chín câu lành”.
Như lời tài xế Nguyễn Tâm Thư (Q.Tân Phú): “Làm nghề này tôi thấy nhiều tai nạn xảy ra lắm. Nếu lỡ có va chạm thì trước nhất tôi kiểm tra thương tích. Dù lỗi của ai cũng nên hỏi han, xem người ta có sao không, chủ yếu một câu nhịn chín câu lành”.
Nhưng việc thương lượng hay hỏi han nhau khi xảy ra va quẹt không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được mà tùy vào từng loại người, như ý kiến của chị Vũ Thị Hải: “Nếu chẳng may xảy ra va chạm mà gặp người biết phải trái thì rất dễ, hai bên cùng thỏa thuận, xin lỗi xem có sao không rồi đi, vừa không mất thời gian vừa không gây cản trở giao thông. Còn gặp người khó chịu có khi họ la lối, văng tục thì mình phải kiềm chế, bình tĩnh. Nếu gặp trường hợp nặng thì gọi công an để giải quyết”.
Có một ý kiến khác cũng đáng chú ý là cách xử sự của những người xung quanh khi chứng kiến các vụ va quẹt xe, hình như người ta ngày càng dửng dưng hơn so với trước đây, như lời anh Lư Quốc Dũng (Q.Tân Bình): “Lúc trước tôi thấy khi có va quẹt nhau trên đường phố, người đi đường hay người xung quanh thường giúp đỡ người bị nạn, hỗ trợ sửa chữa. Càng về những năm gần đây, người đi đường ít quan tâm và hầu như không giúp đỡ gì những người bị nạn vì hình như xã hội hiện nay quá phức tạp, họ thấy phiền phức khi đó không phải là việc của mình và sợ ảnh hưởng tới mình”.
Và vì vậy, cách ứng xử được nhiều người cho là nên làm nhất khi xảy ra va quẹt xe là nhẫn nhịn, như ý kiến của anh Phạm Đặng Thanh Tùng (Q.Phú Nhuận): “Nhẫn nhịn là quan trọng, đôi lúc chịu thiệt một tí nhưng an toàn, đỡ phiền phức, tránh được cãi nhau hay ẩu đả. Phải luôn bình tĩnh, không được biểu lộ sự nóng nảy, cau có ra
bên ngoài”.
* Anh Lê Văn Phúc (nhân viên, Q.8):
Theo tôi, nếu có va chạm giao thông nhẹ thì xin lỗi cho qua vì chuyện không đáng, nhưng nếu nặng phải nhờ cảnh sát giải quyết để đảm bảo công bằng cho cả hai bên.
* Anh Nguyễn Minh Chiến (sinh viên, Q.Thủ Đức):
Tôi nghĩ khi có va chạm lúc tham gia giao thông thì mình coi bản thân, tài sản của mình rồi coi tới người va chạm có sao không. Nếu nhẹ thì đi, nặng thì gọi cấp cứu hay là giúp đỡ người bị nặng đi cấp cứu chứ không nên cãi vã vừa mất thời gian vừa không giải quyết được gì.
* Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (nhân viên văn phòng, Q.Gò Vấp):
Tôi thấy phái nữ chạy xe cẩn thận hơn nên ít xảy ra va chạm, nếu có thì họ cũng không phản ứng mạnh lắm, chỉ xin lỗi rồi cho qua. Còn một số trường hợp bây giờ người ta dàn cảnh gây tai nạn để cướp tài sản thì họ rất bạo lực, la lớn tiếng, thậm chí còn đánh người, lúc đó tôi nghĩ phải la to để nhờ người xung quanh giúp đỡ.
Nguồn tuoitre.vn
Trả lời