Hội nghị G-20 ở Brisbane (Úc), các nhà lãnh đạo quốc tế đã “tập kích” Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng màn đón tiếp lạnh lùng và những lời chỉ trích dữ dội.
Theo báo The Australian, nước chủ nhà Úc đã thể hiện thái độ lạnh lẽo với tổng thống Nga ngay khi ông đặt chân xuống sân bay Brisbane.
Đón tiếp ông Putin là Thứ trưởng quốc phòng Stuart Robert, một quan chức cấp thấp trong nội các Thủ tướng Úc Tony Abbott. Bộ trưởng tư pháp Úc George Brandis cũng có mặt tại sân bay nhưng không hề chào hỏi ông Putin.
Sau đó, ông Brandis đến chào đón nồng hậu Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Khi ông Abbott gặp ông Putin tại hội nghị G-20, cả hai bắt tay một cách lạnh nhạt và chỉ trao đổi vài câu ngắn với nhau.
Nhật báo Courier-Mail khi đưa tin về hội nghị G-20 đã đăng trang nhất bức ảnh một con “gấu Nga” so găng với “chuột túi Úc”, phía trên là tựa đề “Chiến tranh lạnh như băng”.
Đồng loạt chỉ trích
Tại Brisbane, ông Putin trở thành “bia đỡ đạn” của các nhà lãnh đạo phương Tây.
Cuộc gặp mặt căng thẳng nhất diễn ra giữa ông Putin và Thủ tướng Canada Stephen Harper. Khi ông Putin bước lại gần bắt tay ông Harper, nhà lãnh đạo Canada nói sỗ sàng: “Tôi sẽ bắt tay ông, nhưng tôi chỉ muốn nói với ông một câu thôi. Đó là hãy rút khỏi Ukraine”.
Nguồn tin báo chí Úc tiết lộ ông Putin đã “phản ứng không tích cực” với lời lẽ của ông Harper.
Sau đó Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng cảnh báo ông Putin: “Nga sẽ tiếp tục bị cô lập nếu vẫn vi phạm luật pháp quốc tế và cung cấp vũ khí hạng nặng cho quân ly khai ở miền đông Ukraine”.
Thủ tướng Anh David Cameron đe dọa phương Tây sẽ kéo dài chiến dịch cấm vận Nga trong nhiều năm nếu cần thiết, bởi khủng hoảng Ukraine “có thể trở thành một cuộc xung đột đóng băng vĩnh viễn tại châu Âu”.
“Tôi nghĩ Tổng thống Putin có thể thấy rõ rằng ông ấy đang đứng ở ngã ba đường. Nếu ông ấy tiếp tục gây bất ổn ở Ukraine, các biện pháp cấm vận sẽ leo thang” – ông Cameron nhấn mạnh.
Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét tăng cường trừng phạt Nga nếu Matxcơva không ngừng viện trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine.
Tổng thống Pháp François Hollande tỏ ra hòa hoãn hơn khi cho biết ông muốn giải quyết khủng hoảng Ukraine thay vì leo thang căng thẳng.
“Nhưng tôi cũng nói với ông Putin rằng nếu Nga không đưa ra những dấu hiệu thay đổi, Pháp sẽ phải thực hiện các quyết định mới” – ông Hollande khẳng định.
Trong cuộc họp báo chung, ông Obama cùng ông Abbott và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố ba nước “đồng lòng phản đối việc Nga sáp nhập Crimea và gây bất ổn ở đông Ukraine”.
Kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển
Bên lề hội nghị G-20, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Úc Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã mở cuộc họp báo chung kêu gọi đảm bảo tự do hàng hải và hàng không tại châu Á – Thái Bình Dương, giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ theo luật pháp quốc tế. Ba nhà lãnh đạo cam kết tăng cường hợp tác an ninh.
Bất chấp những lời chỉ trích, ông Putin tuyên bố các cuộc thảo luận tại hội nghị G-20 “toàn diện, mang tính xây dựng và có ích”, dù ông thừa nhận “quan điểm của chúng tôi vẫn còn những bất đồng”.
Không biết có phải do sự căng thẳng ở Brisbane hay không mà ông Putin quyết định về nước trước khi G-20 ra tuyên bố chung.
Ông Putin giải thích là chuyến bay về Matxcơva dài tới 18 giờ và ông cần phải ngủ bốn hoặc năm giờ trước khi quay trở lại với công việc ở điện Kremlin sáng nay 17-11.
2.000 tỉ USD
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây do khủng hoảng Ukraine làm báo chí tốn giấy mực ở Brisbane, nhưng kinh tế mới là vấn đề chủ chốt tại hội nghị G-20.
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G-20 cam kết thực hiện cải tổ để tăng GDP toàn khối thêm 2,1% vào năm 2018, tương đương với việc bơm hơn 2.000 tỉ USD vào nền kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu công ăn việc làm. Ít nhất 800 biện pháp mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng đã được đề ra.
Các nhà lãnh đạo G-20 cũng đồng ý tham gia sáng kiến toàn cầu nhằm xử lý tình trạng thiếu hụt 70.000 tỉ USD đầu tư vào hạ tầng toàn cầu trước năm 2030 bằng nỗ lực cắt giảm nạn quan liêu, tăng đầu tư công.
G-20 nhấn mạnh sẽ tập trung nỗ lực chống nạn né thuế của các tập đoàn đa quốc gia, chống biến đổi khí hậu và đại dịch Ebola. Mỹ cam kết đóng góp 3 tỉ USD cho Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và Nhật cũng sẽ hỗ trợ 1,5 tỉ USD cho quỹ này.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim và Giám đốc Oxfam Winnie Byanyima cho rằng tăng trưởng toàn cầu phải đảm bảo việc cải thiện đời sống cho các gia đình nghèo và giảm tình trạng bất bình đẳng.
Tại Brisbane, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới do nền kinh tế châu Âu và Nhật vẫn chật vật, trong khi các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm lại.
IMF dự báo GDP toàn cầu năm 2014 chỉ đạt 3,3%. Dù vậy Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde vẫn đánh giá hội nghị G-20 Brisbane “rất hiệu quả”.
Nguồn: Tuổi trẻ
- Gia nhập EU và NATO, nhưng không có Donbass - 9 câu hỏi về cuộc hội đàm Biden-Putin
- Ukraina, Mỹ và Ba Lan đã ký thỏa thuận đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt
- Các tên lửa hành trình của Ukraina có khả năng "khóa biển Azov"
- NƯỚC NGA TRONG CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ-TRUNG
- Bài phát biểu của tân tổng thống Ukraina Vladimir Alekseievich Zelensky.
- Portnikov: Zelensky nguy hiểm hơn nhiều đối với Putin so với Poroshenko
Trả lời