Chắc chắn sẽ có không ít du khách nước ngoài phải băn khoăn “Đẹp tiềm ẩn là gì” hay “Đẹp bất tận là gì” của Việt Nam là gì?
Du lịch vốn được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói, bởi những lợi ích khổng lồ mà lĩnh vực này mang lại.
Mùa hè – Mùa cao điểm của du lịch đã đến. Nhân dịp hang Sơn Đoòng vừa được báo chí trong nước và quốc tế đặc biệt quan tâm chú ý thời gian qua, CafeBiz xin giới thiệu đến quý độc giả series “Du lịch Việt Nam – Ngành công nghiệp không khói đang ngủ quên”.
Nội dung nổi bật:
– Các quốc gia tại Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore hay Indonesia đều thành công rực rỡ với những chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia nhằm phát triển ngành du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
– Kể từ năm 2011, Việt Nam cũng đã nỗ lực xây dựng thương hiệu quốc gia với những thông điệp như “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” hay “Việt Nam vẻ đẹp bất tận”. Nhưng tất cả những nỗ lực này dường như chưa đến ngày hái quả.
Những năm gần đây, nhiều nước châu Á đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu quốc gia. Đây không chỉ là việc làm cần thiết để phát triển ngành du lịch thu hút đầu tư nước ngoài mà còn là bàn đạp giúp nền kinh tế phát triển.
Điểm mấu chốt để làm nên thành công cho một thương hiệu quốc gia là tìm ra một thông điệp hoàn chỉnh và tạo ra điểm khác biệt đối với các đối thủ còn lại.
Những ví dụ thành công điển hình tại Đông Nam Á có thể kể đến chiến dịch điển hình của Thái Lan với “kinh ngạc Thái Lan”, Singapore với “độc đáo Singapore” và Indonesia là “diệu kỳ Indonesia”. Có thể nhận thấy mỗi quốc gia này đều chọn cho mình một thông điệp rất phù hợp, tạo được sự khác biệt và đều gây tiếng vang lớn.
Dưới đây là những chiến dịch quảng bá thương hiệu quốc gia thành công nhất tại châu Á:
“Kinh ngạc Thái Lan” (Amazing Thailan)
Thái Lan là một điển hình thành công trong việc quảng bá và phát triển du lịch. Quốc gia này đã bắt đầu chú ý làm du lịch từ rất sớm – cách đây gần 2 thập kỷ.
Năm 1998, chính phủ Thái Lan cho ra mắt chiến dịch quảng bá thương hiệu quốc gia Thái Lan với khẩu hiệu “kinh ngạc Thái Lan”.
Sau 2 tháng nghiên cứu cùng đơn vị quảng cáo, các hiệp hội khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, nhà hàng và hàng lưu niệm đã cho ra đời ý tưởng “kinh ngạc Thái Lan”, hội tụ tất cả những tinh hoa mà Thái Lan có thể đem lại – các địa điểm lịch sử và văn hoá, nền ẩm thực hấp dẫn, những bãi biển tuyệt đẹp và con người cực kỳ thân thiện.
Dù chi phí cho chiến dịch này lên tới 37,9 triệu USD trong bối cảnh kinh tế đất nước đang trải qua khủng hoảng tài chính nhưng không ai có thể phủ nhận tác động và thành công hết sức phi thường của chiến dịch này.
Trong vòng 5 năm, lượng khách du lịch đặt chân tới Thái Lan tăng từ 7 – 10 triêu lượt người. Thông điệp này thành công bởi nó có khả năng tạo ra nét đặc trưng riêng cho Thái Lan bằng cách pha trộn mỗi phần của nó với sự kinh ngạc cho khách du lịch.
Kế tiếp sau đó, chính phủ Thái Lan chuyển hướng sang phát triển một thương hiệu chín muồi hơn với những khẩu hiệu như “Một Thái Lan còn ẩn giấu” hay “Thái Lan – niềm hạnh phúc trên Trái Đất” nhưng chưa chiến dịch nào mang lại thành công vượt bậc như “Kinh ngạc Thái Lan”.
“Độc đáo Singapore” (Uniquely Singapore)
Tháng 3/2004 khi Singapore tung chiến dịch “Độc đáo Singapore” đã có rất nhiều phản ứng khác nhau. Người dân thì tỏ ra hoài nghi liệu đâu là nét độc đáo của Singapore. Trong khi đó, thị trường thế giới thì cho rằng “độc đáo” là từ thiếu ý nghĩa bởi bất kỳ điều gì cũng có nét độc đáo riêng và một từ như vậy không thể khiến người ta liên tưởng đến thương hiệu cụ thể nào cả. Tuy nhiên, điều bất ngờ là những chiến dịch quảng bá sau đó dành cho “Độc đáo Singapore” đều thành công vang dội.
Thay vì sử dụng những khung cảnh êm đềm và hoà bình, Singapore hướng đến những hoạt động tích cực và liên hệ chúng đến sự vui nhộn. Chính điều này đã mang lại cho Singapore vị thế rất khác biệt so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.
Những hoạt động thử thách, lễ hội văn hoá xuất hiện liên tiếp trong các quảng cáo khiến người dân toàn châu Á đều muốn ghé thăm và tham gia các lễ hội quanh năm theo phong cách độc đáo Singapore.
“Diệu kỳ Indonesia” (wonderful Indonesia)
Tương tự như vậy, đất nước Indonesia cũng từng tung ra chiến dịch “Diệu kỳ Indonesia” (wonderful Indonesia) bằng 3 video vô cùng ấn tượng.
Nhận thấy thông tin về Indonesia vẫn còn quá ít với du khách vì vậy 3 video quảng bá tập trung chủ yếu vào việc cung cấp thông tin, cho mọi người thấy những mặt tích cực trong cuộc sống của người Indonesia, xen kẽ với đó là những nét văn hóa truyền thống “không thể bị phai nhạt bởi cuộc sống hiện đại”.
Chính điểm này đã thu hút người xem và giúp họ biết đến một đất nước Indonesia “diệu kỳ” từ văn hóa, cuộc sống đời thường đến những cảnh đẹp.
Vậy Việt Nam có gì?
Cảm nhận chung về những câu slogan kể trên của chúng ta là gì? Đó là sự tin cậy. Những gì Singapore, Thái Lan hay Indonesia nói về bản thân đúng như những gì họ có. Vậy thương hiệu của Việt Nam là gì?
Nhìn lại có thể thấy chúng ta bắt đầu xây dựng dựng chiến lược thương hiệu quốc gia kể từ năm 2011. Tuy nhiên dường như những nỗ lực này “chưa tới” hoặc chưa tạo ra bất kỳ điểm ấn tượng nào:
2001 – 2004: Việt Nam – Điểm đến của thiên niên kỷ mới (Vietnam – A destination for the new millennium)
2004 – 2005: Hãy đến với Việt Nam (Welcome to Vietnam)
2006 – 2011: Việt Nam – Vẻ đẹp tiềm ẩn (Vietnam – The hidden charm)
2012 – 2015: Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận (Vietnam – Timeless Charm)
Có ý kiến cho rằng: “Dĩ nhiên không thể phủ nhận những nỗ lực xây dựng chiến lược thương hiệu là tốt. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở việc chiến lược đó đang được thực thi đến đâu, đã được xây dựng thành một chiến lược quảng bá chi tiết hay chưa thì hoàn toàn không có thông tin. Nhưng có thể đoán chắc một điều rằng, hiệu quả của các hoạt động quảng bá đang là một dấu hỏi lớn”.
Ngoài ra, việc chúng ta chưa tìm ra được nét đẹp độc đáo và gây ấn tượng nhất cũng là một vấn đề quan trọng. Chắc chắn sẽ có không ít du khách nước ngoài phải băn khoăn “Đẹp tiềm ẩn là gì” hay “Đẹp bất tận là gì”. Nhất là khi bản thân họ chưa hề biết đến Việt Nam trước đó, ngoài những thành tích sau 2 cuộc kháng chiến.
Tìm ra điểm khác biệt và nổi bật là sẽ là một việc lớn và đặc biệt quan trọng của du lịch Việt Nam. Và, quan trọng nhất điểm nổi bật ấy phải có thực và đáng tin cậy.
Vũ Văn (Theo Trí Thức Trẻ)
- Kuyalnik - khu du lịch và nghỉ dưỡng nổi tiếng ở Odessa, Ukraina.
- Công viên vườn quốc gia Alexandria ở ở thành phố Bila Tserkva, Ukraina.
- Bạn có biết cái gì ẩn dấu dưới những tượng đầu trên đảo Paskhi (Đảo phục sinh) ?
- Ukraina đã trải thảm đỏ cho khách du lịch và kinh doanh Trung quốc
- Du lịch thành phố biển Odessa, ai chiếm bờ biển, giá cả, cuộc sống ở đó ra sao?
- Cuộc sống miễn visa. Những rủi ro chờ đợi Ukraina sau khi biên giới châu Âu được rộng mở