Đại gia trốn thuế: Những nghi án tiền tỷ

Ngày 5-5, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ mở một cuộc điều tra về hành vi trốn thuế của “gã khổng lồ” thức ăn nhanh McDonald’s có trụ sở ở Hoa Kỳ. Dường như trốn/né thuế đã trở thành căn bệnh kinh niên của các công ty đa quốc gia. Trong loạt bài này, ĐTTC nêu những trường hợp trốn thuế điển hình gần đây của các đại gia, và cách chính phủ các nước ứng phó với những thủ thuật trốn/né thuế.

 

Theo thông tin từ bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU), McDonald’s bị tình nghi đã trốn hơn 1 tỷ EUR tiền thuế trong giai đoạn 2009-2013 thông qua một thỏa thuận với Luxembourg. Con số này nghe có vẻ lớn, nhưng thật ra cũng chỉ “thường thường bậc trung” nếu so với các đại gia khác.

Bánh thuế McDonald’s

Gã khổng lồ thức ăn nhanh là nghi án mới nhất trong số các nghi án trốn thuế của các đại gia toàn cầu. Tháng 2 vừa qua, 3 nghiệp đoàn của Hoa Kỳ và châu Âu đã cáo buộc McDonald’s gian lận hơn 1 tỷ EUR tiền thuế ở các quốc gia châu Âu.

Theo các nghiệp đoàn này, trong thời gian từ năm 2009-2013, McDonald’s đã trốn thuế bằng việc chuyển hơn 3,7 tỷ EUR doanh thu từ các công ty con trên khắp châu Âu về chi nhánh McDonald’s tại Luxembourg. Theo tính toán của họ, nếu các nguồn thu này bị đánh thuế tại các quốc gia xuất xứ, McDonald’s sẽ phải trả thêm 1,05 tỷ EUR tiền thuế, thay vì chỉ thanh toán 16 triệu EUR tiền thuế tại Luxembourg trong cùng thời gian. Theo báo cáo của liên minh 3 nghiệp đoàn, McDonald’s đã chuyển doanh thu để hưởng lợi từ một kẽ hở thuế ở Luxembourg.

“Cấu trúc này có thể khiến các chính phủ châu Âu tổn thất hơn 1 tỷ EUR tiền thuế giữa năm 2009 và 2013” – liên minh cho biết. Cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh các chính phủ trên toàn cầu đang nỗ lực để ngăn chặn các hành vi trốn/né thuế của các đại công ty. Văn phòng tại Pháp của McDonald’s đã bị cơ quan tài chính nước này điều tra vào năm 2013. Trước những cáo buộc trốn thuế, đại diện McDonald’s đã lên tiếng bác bỏ khi khẳng định vẫn tuân thủ luật pháp hiện hành của châu Âu và tất cả các nước hãng này đang hoạt động.

Nghi án trốn thuế xuất hiện trong bối cảnh McDonald’s đang đối mặt với thời kỳ khó khăn nhất trong lịch sử 60 năm tồn tại của mình khi doanh thu toàn cầu sụt giảm ở mức chưa từng thấy sau một chuỗi các vụ bê bối về nguồn cung cấp cũng như chất lượng thực phẩm.

Đua nhau né thuế

Theo tiết lộ mới đây của Fairfax Media, 900 công ty lớn nhất ở Australia đã “tiết kiệm” được tới 25 tỷ USD tiền thuế mỗi năm thông qua một loạt khoản khấu trừ thuế, miễn thuế và xóa nợ cho nghiên cứu và phát triển. Theo những tài liệu nộp cho nhà chức trách, Apple Australia đã trả 80 triệu USD tiền thuế năm ngoái trên lợi nhuận 250 triệu USD và doanh thu hơn 6 tỷ USD; chi nhánh Australia của Google đã trả 7,1 triệu USD tiền thuế năm 2013 trên lợi nhuận 46 triệu USD và doanh thu 357,7 triệu USD.

Báo cáo của Cục Thuế Australia cho biết trong năm 2012-2013, các công ty đa quốc gia ở nước này đã gửi trên 388 tỷ USD – hơn một nửa thương mại của Australia – ra các chi nhánh ở nước ngoài. Trong đó, chủ yếu là 30 công ty lớn nhất có trụ sở ở Hoa Kỳ. Quốc gia hàng đầu nơi số tiền này chảy đến là Singapore, nơi thuế doanh nghiệp chỉ 17% và thậm chí có thể được giảm thêm nữa thông qua một loạt biện pháp khuyến khích. Antony Ting, một chuyên gia về thuế tại Đại học Sydney Business School, cho biết Apple là bậc thầy trong việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. “Tiền thu về trên mỗi iPad bán tại Australia không ở lại đó” – ông Ting nói.

“Với mỗi 600USD thu từ 1 iPad, 550USD được chuyển cho Apple Ireland – nơi có mức thuế doanh nghiệp chỉ 12,5%. Điều này sẽ khiến Apple có thể lách được bị đánh thuế ở Australia”. Ting cũng cho biết một điều còn “tài tình” hơn: Trong mỗi 550USD chuyển về Ireland, có 220USD không bao giờ bị đánh thuế tại bất cứ nơi nào trên thế giới. Microsoft cũng chuyển tiền cho Singapore. Công ty này cho biết đạt 2 tỷ USD doanh thu phần mềm và dịch vụ ở Singapore, nhưng chỉ có 100 triệu USD ở Australia.

Theo dữ liệu của các chuyên gia thuế độc lập, năm 2011 đại gia phần mềm Hoa Kỳ Microsoft đóng 1,7 tỷ USD thuế tại Hoa Kỳ với 15 tỷ USD doanh thu nước ngoài, trong khi Cisco đóng 400 triệu USD cho hơn 8 tỷ USD doanh thu. Đáng nể hơn, công ty có thị giá lớn nhất thế giới Apple chỉ đóng 130 triệu USD thuế đối với doanh thu 13 tỷ USD ở nước ngoài năm 2010. Năm 2011, “quả táo” chỉ đóng 2,5% thuế cho các thu nhập ở nước ngoài. Và tháng 9-2012, Apple chỉ đóng 712 triệu USD cho 36,8 tỷ USD lợi nhuận trước thuế ở nước ngoài, khoảng 1,9%.

Ma trận Google

Google cũng không chịu kém cạnh. Gã khổng lồ tìm kiếm đã cố tìm cách giảm gánh nặng thuế ở Hoa Kỳ xuống 21%, dù thuế suất bình thường ở California (nơi Google đặt trụ sở) lên đến 41%. Theo báo cáo thường niên, Google đóng chưa tới 2,6 tỷ USD thuế cho thu nhập 12,3 tỷ USD năm 2011. Việc này hoàn toàn hợp pháp, nhưng thật ra gã khổng lồ tìm kiếm đã chuyển hầu hết doanh thu sang chi nhánh ở các nước có thuế suất thấp.

Thí dụ, tất cả doanh thu ở châu Âu của Google đều được chuyển cho Google Ireland Ltd., có trụ sở ở thủ đô Dublin của Ireland. Google Ireland báo cáo doanh thu 10,1 tỷ EUR năm 2010, nhưng doanh thu này gần như hoàn toàn bị khấu trừ bởi chi phí quảng cáo và nhân sự cho 2.000 nhân viên của công ty. Chi phí lớn nhất, khoảng 7,2 tỷ EUR, bao gồm lệ phí cấp giấy phép Google Ireland trả cho một công ty con của Google tại Hà Lan.

Bằng cách này, Google chỉ phải trả cho chính phủ Ireland 16,8 triệu EUR tiền thuế thu nhập. Trong khi đó, Google Netherlands Holdings B.V. ở Amsterdam (Hà Lan), công ty thu lệ phí cấp giấy phép từ Dublin, chỉ phải trả 2,7 triệu EUR thuế thu nhập ở Hà Lan. Điều này vì công ty ở Hà Lan chuyển phần lớn doanh thu từ Ireland trở lại Emerald Isle (California), dưới dạng phí cấp phép cho Google Ireland Holdings.

Việc chuyển hàng tỷ EUR qua lại có vẻ rắc rối, nhưng đáng giá. Google Ireland Holdings trong thực tế có 2 trụ sở và trụ sở chính nằm ở Bermuda, nơi không có thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này cho phép Google di chuyển thu nhập của mình, chủ yếu là doanh thu quảng cáo, ra khỏi châu Âu, gửi chúng trong một thiên đường thuế nơi Bộ Tài chính Hoa Kỳ không có quyền truy cập.

Các nhà chức trách Hoa Kỳ chỉ có thể đánh thuế những khoản thu nhập của Google khi chúng được phân phối trở lại cho công ty mẹ ở Hoa Kỳ, nhưng điều đó có vẻ chưa xảy ra. Giới quan sát tin rằng Google đã tích lũy được 24,8 tỷ USD thu nhập hầu như không chịu thuế trong kho báu ở Bermuda.

Vũ Văn (Theo SGĐT)


Mạng Ký Giả: Cuộc thi viết với chủ đề Việt Nam - Đất nước - Con người

 




Bài liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Cùng chủ đề